Xã hội

Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng giúp nâng cao đời sống cho người dân

Minh Khang 19/10/2023 - 16:26

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch có trách nhiệm, gắn với thiên nhiên và tài nguyên văn hóa bản địa. Du lịch sinh thái mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình phát triển ở nhiều vùng nông thôn, tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương vươn lên thoát nghèo từ hoạt động du lịch này.

Nâng cao đời sống người dân

Tạo sự đa dạng độc đáo cho sản phẩm du lịch, tạo việc làm, nâng cao đời sống cư, dân bản địa, gắn liền với bảo vệ môi trường bền vững là yêu cầu đặt ra, là đích đến của du lịch sinh thái. Tại nhiều địa phương, du lịch sinh thái mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình phát triển ở nhiều vùng nông thôn, tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương có thu nhập trực tiếp từ hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động du lịch sinh thái, đời sống cộng đồng, văn hóa các địa phương, vùng miền càng được tôn trọng, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị và được giới thiệu, quảng bá rộng rãi.

Theo các chuyên gia, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng đang trở thành hướng đi mới của nhiều vùng dân tộc miền núi phía Bắc và vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, đem lại hiệu quả kinh tế tích cực, góp phần nâng cao đời sống của người dân, giúp nhiều vùng nông thôn “thay áo mới”, rút ngắn khoảng cách với thành thị.

uploadfile_000132152.jpg
Du lịch sinh thái cộng đồng Hà Giang thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước

Đơn cử, tại vùng du lịch các xã phía Nam của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang gồm các xã: Du Già, Du Tiến, Lũng Hồ, Đường Thượng, Ngọc Long có tiềm năng lớn để khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, nghỉ dưỡng. Khu vực này được thiên nhiên ban tặng điều kiện tự nhiên tổng hòa vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và những điểm nhấn đặc trưng du lịch của tỉnh như: Vườn quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn với hệ sinh thái rừng và các loài động, thực vật quý, hiếm như: Thông đỏ bắc, Trai lý, Sưa bắc, Vọoc mũi hếch, Sơn dương nâu...

Ngoài cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc huyện Yên Minh cũng là động lực thu hút phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm. 16 dân tộc nơi đây vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đa dạng trong trang phục, ngôn ngữ, kiến trúc nhà ở, nghề thủ công, ẩm thực…đã tạo nên sự gắn kết cộng đồng, đang thu hút khách tham quan kết hợp vừa du lịch và nghỉ dưỡng mỗi dịp cuối tuần, lễ, tết .

Anh Lê Triều Dương, chủ homestay ở xã Du Già, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang cho biết, đi du lịch theo hình thức du lịch cộng đồng vừa thân thiện với môi trường, tiết kiệm cho du khách, vừa giúp người dân bản địa biết quý trọng, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của dân tộc. Không chỉ vậy, khi kết hợp sản xuất với điểm tham quan, du lịch, trải nghiệm, bà con nơi đây có nhiều cơ hội để tiêu thụ tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu đặc sản du lịch ở các địa phương.

du-lich-dbscl-20220613121540370.jpg
Phát triển du lịch vùng ĐBSCL với nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, hệ sinh thái tự nhiên

Hay tại Bến Tre, ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Miệt Vườn (xã Tân Phú, Bến Tre) cho hay, dịp lễ, cuối tuần, nhà vườn phục vụ khoảng 300 - 400 lượt khách mỗi ngày. Ở xã Tân Phú, các nhà vườn liên kết, cùng nhau làm mô hình du lịch sinh thái, để du khách có thể lựa chọn, thưởng thức nhiều loại trái cây, món ăn khác nhau như cá tai tượng, gỏi ốc, chuột dừa, tôm sông, ếch đồng, bánh xèo..., góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân từ chính những đặc sản địa phương được giới thiệu đến du khách.

Ông Phạm Duy Khanh, quản lý Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt ở xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) chia sẻ, rừng Quốc gia U Minh Hạ nổi tiếng với rừng tràm bạt ngàn, hệ sinh thái nước ngọt đa dạng. Những năm gần đây, mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm các hoạt động như tham quan rừng tràm, cùng đi gác kèo ong (làm nhà cho ong về kéo mật), đi “ăn” ong (thu hoạch mật ong) hay giăng lưới, cắm câu bắt cá đồng… đang thu hút nhiều du khách.

Những du khách yêu thích trải nghiệm, muốn tự tay thu hoạch mật ong rừng tràm đã ở lại nhiều ngày tại khu du lịch, đi thu hoạch và mua sản phẩm mật ong nguyên chất, đặt hàng thưởng thức đặc sản do chính nông dân vùng rừng U Minh Hạ chế biến, giới thiệu, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân sản xuất kết hợp làm du lịch sinh thái ở địa phương.

Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững

Mặc dù du lịch sinh thái cộng đồng đang ngày càng sôi động và thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương. Loại hình này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, xã hội mà còn giúp khai thác, phát huy, giới thiệu và góp phần bảo tồn, lưu giữ các tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản và bền vững vẫn đang là thách thức với nhiều địa phương.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Du lịch về xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, trong thực tế, không phải tất cả các điểm đến, các bản du lịch sinh thái cộng đồng đều được phát triển thành công. Nhiều điểm du lịch cộng đồng đang trong giai đoạn khởi phát, cần được hỗ trợ phát triển và cũng có không ít các bản, làng, điểm đến du lịch cộng đồng đã được hỗ trợ khá tốt qua các dự án từ trong và ngoài nước nhưng sau khi kết thúc dự án thì hoạt động du lịch lại không tiếp tục được duy trì tại đây do thiếu nguồn khách, thiếu người lãnh đạo trong cộng đồng, không có sự gắn kết với doanh nghiệp du lịch…

phat-trien-du-lich-xanh-vietnam1.jpg
Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bền vững hướng đến bảo vệ môi trường

Hiện tại, Việt Nam chưa cho ra quy chuẩn chính xác cho mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Vì thế, loại hình du lịch này vẫn phát triển ồ ạt, không có hướng dẫn, làm ảnh hưởng đến kinh tế, đến niềm tin vào du lịch cộng đồng. Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng, thời gian tới, giải pháp cần làm là ngành du lịch cần xây dựng một chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng một cách tổng thể, từ việc đánh giá tài nguyên, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thị trường cũng như công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường việc xây dựng hình ảnh du lịch đến với bạn bè quốc tế bằng cách tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, tổ chức thông tin hướng dẫn, hỗ trợ du khách tại các điểm du lịch, đặc biệt là xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành, nhiệt tình đối với du khách. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch nhằm phát huy hết tiềm năng sẵn có. Cần chú trọng việc tạo ra các sản phẩm đặc trưng, nổi bật của từng vùng miền để tạo nên nét độc đáo tại mỗi điểm du lịch, đồng thời quảng bá được hình ảnh Việt Nam đến với du khách.

Minh Khang