Xã hội

Bắc Kạn: Người dân ấm no hơn nhờ trồng quế

Việt Khang 19/10/2023 - 16:23

(TN&MT) - Từng là cây trồng chỉ để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trong những năm qua, hoạt động trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây quế ở Bắc Kạn đã được đẩy mạnh, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống bà con. Thành quả trông thấy là những đồi quế xanh tốt đang ngày càng mở rộng.

Phong trào trồng quế để thoát nghèo

Quế là một trong 6 loại cây được cán bộ kiểm lâm khuyến khích người dân trồng để phát triển rừng gỗ lớn. Bởi đây là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cây trưởng thành có thể cao trên 15m. Toàn bộ thân, cành, rễ và lá của cây quế đều có thể chưng cất tinh dầu, làm thuốc, làm gia vị. Cây quế sau khi trồng từ 3-4 năm có thể tỉa lá, cành bán chưng cất tinh dầu; từ 6 - 7 năm có thể khai thác bóc vỏ. Quế không những có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc.

3-1-.jpg
Những đồi quế xanh tốt đang ngày càng mở rộng ở Bắc Kạn

Xác định đây là cây trồng có thể giúp người dân có cuộc sống ấm no, thời gian gần đây, diện tích quế đang tiếp tục được mở rộng và trở thành cây chủ lực tại địa phương. Theo thống kê của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn, trong vòng 2 năm trở lại đây đã có 2.748 héc-ta quế được trồng mới, nâng tổng diện tích cây trồng này của cả tỉnh lên khoảng 3.600 héc-ta.

Trong đó, Chợ Đồn là địa phương có nhiều diện tích quế nhất với hơn 1.000 héc-ta. Riêng năm 2016, người dân trong huyện Chợ Đồn đăng ký trồng mới thêm 300 héc-ta. Trong đó hơn 60% diện tích đã có thể cho thu hoạch. Đây là nguồn thu nhập cao đối với người dân miền núi, bởi thị trường tiêu thụ quế càng mở rộng, giá trị của cây quế được nâng cao. Giá thu mua vỏ quế tươi tại địa phương hiện nay đã lên tới 15.000 - 16.000 đồng/kg. Giá thu mua vỏ khô bình quân 25.000 đồng/kg. Thậm chí có thời điểm như năm 2015, tư thương đến trung tâm xã thu mua với giá từ 48.000 - 50.000 đồng/kg vỏ quế khô.

Do được giá, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã tập trung đầu tư trồng quế, đưa quế trở thành hàng hóa để phát triển. Điển hình là tại thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, nơi có 87 hộ với 407 nhân khẩu; diện tích đất canh tác trên 300ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 90%. Tân Thành trước đây từng là thôn khó khăn. Khoảng năm 1990, cây quế được người dân trong thôn đưa vào trồng thử. Do hợp với khí hậu thổ nhưỡng nên cây quế phát triển nhanh, khỏe. Những năm sau đó, nhiều hộ theo nhau nhân rộng, diện tích quế tăng dần lên. Hiện thôn có 255ha quế. Trong đó diện tích trồng mới năm 2022 khoảng 10ha. Quế là cây có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc.

khai-thac-que.jpg
Người dân khai thác vỏ quế

Nhờ trồng quế, nhiều hộ dân trong thôn đã thoát nghèo, mua sắm được những vật dụng sinh hoạt và sản xuất có giá trị. Không những vậy, còn giúp thay đổi nhận thức của bà con, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng tại địa phương. Năm 2022, thôn Tân Thành giảm được 3/12 hộ nghèo và 3/7 hộ cận nghèo.

Nâng cao giá trị cho cây quế

Không chỉ chú trọng vào việc trồng, chăm sóc, mở rộng vùng nguyên liệu từ cây quế, tỉnh Bắc Kạn còn khuyến khích, hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sơ chế, chế biến các sản phẩm từ cây quế.

Để tinh dầu quế thành sản phẩm OCOP, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, huyện Na Rì đã thành lập HTX Cộng đồng Khuổi Khe đặt ở thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư. Xưởng chiết xuất tinh dầu quế của HTX đã vận hành tập trung sản xuất, chế biến tinh dầu quế, đồng thời phát huy tiềm năng phát triển cây quế gắn với du lịch sinh thái cộng đồng.

Việc thành lập HTX là cần thiết, vì đây sẽ là nơi tiêu thụ, chế biến sản phẩm cho khoảng 140ha cây quế của xã Kim Lư và hơn 700ha quế của toàn huyện Na Rì, giúp cho tinh dầu quế của HTX bảo đảm chất lượng, hoàn toàn không có cặn, đảm bảo an toàn so với phương pháp sản xuất tinh dầu thủ công.

anh-3.jpg
Đa dạng các sản phẩm làm từ cây quế

Đến nay, ngoài bán quế cạo vỏ, HTX còn xuất khẩu được tinh dầu, đưa tinh dầu tham gia chương trình OCOP và đạt chứng nhận 4 sao. Các thành viên cũng đầu tư máy móc để chế biến bột quế, dầu xoa, dung dịch sát khuẩn, dung dịch xịt phòng, quế vỏ, xà phòng quế…

Cũng chú trọng đầu tư chế biến sâu, HTX đã nghiên cứu và sản xuất đèn tinh dầu quế, sản xuất ra sản phẩm đĩa gỗ quế. Nhiều HTX, người dân địa phương còn sản xuất ra nhang quế, đũa quế, trà quế túi lọc, nước rửa tay, nước lau sàn từ quế và đều được huyện hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, kết nối với doanh nghiệp để mở rộng đầu ra, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Theo đánh giá của các HTX, quế ở địa phương có ưu điểm là lượng tinh dầu nhiều nên thuận tiện cho việc chiết xuất, chế biến, đầu tư thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đa dạng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Tiếp tục đưa quế vươn xa

Để phát triển và khẳng định giá trị từ cây quế, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống giao thông với nhiều tuyến quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, liên kết sản xuất, thu hút doanh nghiệp liên kết với người dân, HTX.

Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn cũng hứng tới rút gọn các thủ tục hành chính, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây quế cũng như việc xúc tiến, mở rộng thị trường.

Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu; có cơ chế xúc tiến, thu hút, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển, sản xuất đa dạng hóa sản phẩm từ cây quế; đào tạo nhân lực nghề làm quế truyền thống, nhất là kẹp quế…, hướng tới khẳng định vị thế, thương hiệu quế Bắc Kạn ở cả trong và ngoài nước.

Việt Khang