Môi trường

Khẳng định vị thế quan trọng của phụ nữ ngành TN&MT trong bảo vệ môi trường

Nguyễn Thủy 19/10/2023 - 10:58

(TN&MT) - Phụ nữ ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là nhân tố tích cực, lực lượng quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường (BVMT), thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhiều năm qua, bên cạnh việc trực tiếp tham gia xây dựng chính sách pháp luật về TN&MT, họ còn là những tuyên truyền viên tích cực trong sự nghiệp BVMT.

Phụ nữ - nhân tố quan trọng cải thiện môi trường sống

Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam cho biết, có lẽ phụ nữ là đối tượng chịu tác động tiêu cực nhất của ô nhiễm môi trường nhưng họ cũng là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác BVMT, thích ứng với BĐKH.

z4159097025376_2c500d6327c1415c37061cc4cc49ef8c-1-1-.jpg
Phụ nữ ngành TN&MT - nhân tố quan trọng trong bảo vệ môi trường

Trên thế giới, vấn đề về giới và môi trường đã trở thành một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu trong công tác BVMT bởi mối liên hệ giữa hai thành tố này và bình đẳng giới phần nào được phân tích như một cách tiếp cận trong quá trình xây dựng, thực hiện các can thiệp về môi trường.

Theo đó, Việt Nam cũng đã cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện thỏa thuận Paris về ứng phó BĐKH. Hiện thực hóa điều này, trong Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định giải pháp: "Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, quyền trẻ em trong lĩnh vực môi trường; tăng cường vai trò, vị thế của phụ nữ trong BVMT” là nhiệm vụ then chốt.

Triển khai những nội dung cụ thể trong công tác BVMT, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ tại các địa phương, đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động BVMT của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ cũng như cộng đồng.

Có thể thấy tầm quan trọng của người phụ nữ trong công tác BVMT qua thành công của cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" . Đã có tới 13 triệu gia đình hội viên Hội Phụ nữ đạt tiêu chí "5 không, 3 sạch", gần 17 nghìn công trình/phần việc giữ gìn, BVMT, thích ứng BĐKH do các chi hội/tổ phụ nữ đảm nhận. Bên cạnh đó, rất nhiều hoạt động đã được các cấp Hội tích cực triển khai thành công ở các địa phương từ phong trào phụ nữ như thu gom, phân loại, xử lý rác thải; giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa; trồng cây xanh, đường hoa tạo môi trường Xanh - Sạch - Đẹp…

Với hoạt động truyền thông chính sách tại cộng đồng, những người phụ nữ từ cấp hội Trung ương đến địa phương cũng đã triển khai hàng trăm cuộc truyền thông mẫu hàng năm tại cộng đồng với phương pháp đổi mới, sáng tạo, tăng cường tính tương tác và nhấn mạnh thông điệp hành động BVMT với các hình thức phong phú: hội thảo, tọa đàm, hội thi, sinh hoạt chi hội/tổ phụ nữ, tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình, báo, tờ Thông tin phụ nữ, triển lãm, truyền thông cộng đồng… để chuyển tải nội dung về BVMT tới đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Phụ nữ ngành TN&MT - Hạt nhân lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường

Là cơ quan quản lý về môi trường, Bộ TN&MT đã sớm quan tâm chỉ đạo việc lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án về TN&MT, nhằm phát huy, nâng cao vai trò của phụ nữ trong công tác BVMT.

Theo bà Vũ Thị Mai Lan - Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ TN&MT, Trưởng ban Nữ công, thời gian qua, nhiều cán bộ nữ ngành TN&MT đã được tín nhiệm giao trọng trách các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị từ cấp Bộ đến cấp cơ sở. Trong đó, cán bộ nữ ngành TN&MT là người trực tiếp tham gia xây dựng các dự án Luật quan trọng của ngành; xây dựng các Nghị định, Thông tư, văn bản quy phạm pháp luật; triển khai các dự án, đề án, nhiệm vụ quan trọng của ngành, của lĩnh vực; triển khai các nội dung về nông thôn mới, quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại, quan trắc môi trường, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ… góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng của ngành được Đảng, Nhà nước giao.

Cùng với việc trực tiếp tham gia xây dựng chính sách pháp luật ngành TN&MT, từ góc độ người người quản lý chính sách, người sản xuất, cũng như người tiêu dùng, phụ nữ ngành TN&MT còn đảm nhận vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, tuyên truyền và BVMT. Họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc cho gia đình. Những người mẹ, người vợ được xem là những nhà giáo dục đầu tiên trong gia đình giúp truyền đạt thông tin và nâng cao nhận thức cho các thành viên về BVMT.

Họ cũng là những người trực tiếp tham gia tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động cả về bề rộng lẫn chiều sâu nhằm cung cấp, trang bị các kiến thức, kỹ năng về BVMT, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các cấp Hội phụ nữ thông qua các hoạt động, sự kiện, chiến dịch truyền thông gắn với những vấn đề môi trường của đất nước và của địa phương.

Đặc biệt, trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” hàng năm được triển khai trên diện rộng, từ cấp Trung ương tới địa phương đã góp phần kêu gọi cán bộ, hội viên, phụ nữ, các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nêu cao ý thức, bằng những hành động cụ thể, thiết thực thực hiện BVMT.

Thông qua các cuộc sinh hoạt Ban Nữ công của Bộ thường kỳ, chị em phụ nữ đã tuyên truyền, đẩy mạnh triển khai các mô hình BVMT như trồng cây xanh, gấp túi giấy để hạn chế sử dụng túi ni lông, phân loại rác tại nguồn...

Có thể khẳng định, với sự phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, cùng với những hoạt động hiệu quả, thiết thực, phụ nữ ngành TN&MT đã và đang tạo nên phong trào BVMT có sức lan tỏa sâu rộng đến toàn thể chị em phụ nữ của Ngành. Các hoạt động này không những góp phần giữ gìn môi trường sống, mà còn xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững; hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam về ứng phó BĐKH tại COP26.

Nguyễn Thủy