Sức mạnh của phái yếu
(TN&MT) - Tham chiếu từ nhiều góc độ, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cả trong lịch sử xã hội phát triển đến những tồn tại bất bình đẳng giới xưa nay ở nhiều quốc gia thì tên gọi phái yếu dành cho phụ nữ quả không sai (loại trừ trong đó bao hàm cách dùng từ biểu lộ sự thân mến về một đối tượng cần được che chở). Nhưng đôi khi, sức mạnh của một nửa thế giới lại xuất phát từ đặc tính yếu mềm này mà những đóng góp của họ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là một điển hình.
Chiếm trên 50% dân số, phụ nữ được đánh giá là lực lượng quan trọng trong vấn đề sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan trực tiếp đến môi trường. Mối liên hệ giữa phụ nữ và môi trường tự nhiên không chỉ biểu hiện trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt hằng ngày mà phụ nữ còn là đối tượng nhạy cảm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ô nhiễm môi trường và những hậu quả của biến đổi khí hậu. Đồng thời, phụ nữ cũng là người có ảnh hưởng lớn tới việc hình thành ý thức, thay đổi hành vi của trẻ em và các thành viên gia đình trong bảo vệ môi trường, do đó, phụ nữ vừa là đối tượng, cũng là chủ thể quan trọng của công tác bảo vệ môi trường.
Xuất phát từ nhận thức về vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường, tại Việt Nam, nhiều năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã hiện thực hóa các chủ trương vì sự tiến bộ của phụ nữ và phát huy vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Với thế mạnh hệ thống 4 cấp của Hội từ Trung ương tới cơ sở, cùng với mạng lưới cán bộ Hội tới tận chi, tổ, Hội LHPN đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm cung cấp, trang bị kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ Hội các cấp và hội viên, phụ nữ… Thông qua các hoạt động, sự kiện, chiến dịch truyền thông được các cấp Hội tổ chức hàng năm gắn với những vấn đề môi trường của đất nước và địa phương, hội viên, phụ nữ và người dân đã tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức hướng tới thay đổi hành động về công tác bảo vệ môi trường.
Rất nhiều mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường tại cộng đồng (Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, phụ nữ giảm rác thải nhựa, Phụ nữ sống xanh...) đã được xây dựng, triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện vùng, miền, góp phần giải quyết các vấn đề môi trường của địa phương.
Những người phụ nữ không chỉ biết thực hành bảo vệ môi trường mà còn được khích lệ để trở thành những tuyên truyền viên, những “đại sứ” môi trường tích cực. Những việc làm thiết thực hằng ngày của phụ nữ cùng với cách mà họ tuyên truyền có sức thuyết phục, dễ đi vào lòng người. Từ bàn tay và công sức đóng góp của phụ nữ, nhiều xã phường, thôn bản đổi thay diện mạo, hoàn thành chỉ tiêu môi trường, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới.
Rõ ràng, phụ nữ là phái yếu, là những người chân yếu tay mềm. Sức mạnh của phụ nữ không nằm ở cơ bắp, chính vì thế, trong quan niệm phân công công việc của xã hội, phụ nữ vẫn được “ưu tiên” làm những việc nhẹ nhàng. Tuy nhiên, ở góc độ bảo vệ môi trường, những “công việc nhẹ nhàng” được thực hiện, góp nhặt, kết nối thành chuỗi hệ thống đã tạo sức mạnh làm đổi thay chất lượng môi trường mà báo cáo của Hội LHPN Việt Nam về vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường đã chứng minh. Đó là thứ sức mạnh mềm, là lợi thế của phụ nữ.
Còn ở góc độ điều tra lao động nữ, phụ nữ chiếm số đông trong các doanh nghiệp, công ty làm nhiệm vụ duy trì vệ sinh môi trường. Một phần của công việc này được xếp vào danh mục công việc nặng nhọc độc hại.
Có thể thấy, phụ nữ và các cấp Hội LHPN Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực, phát huy tính năng động, sáng tạo tham gia công tác bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức, cách làm thiết thực và các mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Các hoạt động không những giữ gìn môi trường sống, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn góp phần thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ những đóng góp của phụ nữ nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng trong công tác bảo vệ môi trường, có lẽ, xã hội cần một góc nhìn mới về sức mạnh của phụ nữ - những người lâu nay vẫn được xem là phái yếu.