Môi trường

Thừa Thiên – Huế: Thủy điện đồng loạt điều tiết nước, cảnh báo lũ lớn trên các sông

Văn Dinh 18/10/2023 - 12:05

(TN&MT) - Trước tình hình mưa lớn, các thủy điện ở Thừa Thiên – Huế đã thực hiện lệnh vận hành điều tiết nước, cơ quan chức năng cũng đưa ra cảnh báo lũ lớn trên sông Hương, sông Bồ.

Thủy điện đồng loạt điều tiết

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, ở Thừa Thiên - Huế đang có mưa to đến rất to trên diện rộng.

Trước tình hình mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành lệnh điều chỉnh tăng lưu lượng vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Hương Điền, hồ chứa thủy điện Bình Điền và hồ Tả Trạch.

hd1.jpg
Thủy điện điều tiết nước. Ảnh: Hà Nguyên

Theo đó, yêu cầu Công ty CP Thủy điện Hương Điền (Chủ đầu tư) thực hiện điều chỉnh tăng lưu lượng qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 1.100-2.000 m3/s. Điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Khi hồ đạt mực nước dâng bình thường vận hành với lưu lượng Qđến= Qđi cho đến khi có chỉ đạo mới. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng lúc 6h ngày 18/10. Mực nước ở hồ này lúc 9h sáng nay là 57,60 m/s.

Tại thủy điện Bình Điền, yêu cầu Công ty CP Thủy điện Bình Điền tăng lưu lượng vận hành điều tiết hồ chứa qua tràn và tua bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 250 – 600 m3/s. Điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng lúc 8h ngày 18/10. Mực nước hồ Bình Điền lúc 9h ở mức +81,04 m.

Trong khi đó, mực nước hồ chứa nước Tả Trạch lúc 9h ngày 18/10 ở mức +42,46 m. Để đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du, tiếp theo lệnh vận hành ngày 16/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 điều chỉnh tăng lưu lượng vận hành điều tiết hồ chứa nước Tả Trạch qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 400 – 900 m3/s. Điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng lúc 10h ngày 18/10.

393347036_660797016158324_5671294828560272578_n.jpg
Đập đá trên sông Hương sắp tràn

Cảnh báo lũ trên các sông, sạt lở xảy ra

Mực nước sông Bồ lúc 10h ngày 18/10 tại Phú Ốc đã đạt +4,12 m, dưới báo động III 0,38 m; sông Hương tại Kim Long đạt +1,84 m, dưới báo động II là +0,16 m. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa ra cảnh báo trong ngày 18/10, mực nước trên sông Bồ sẽ tiếp tục lên và có thể đạt báo động III là +4,5m (đỉnh lũ lịch sử năm 2020 là +5,24 m, năm 1999 là 5,18 m), sông Hương có thể đạt báo động II là +2m (đỉnh lũ năm 2020 là + 4,17 m, năm 1999 là +5,81 m).

Nhiều địa phương vùng hạ du ở huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc và một số tuyến đường thấp trũng ở TP. Huế đang tiếp tục bị ngập lụt diện rộng.

Sáng 18/10, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có 86 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT ở huyện Quảng Điền, Phong Điền và Hương Trà chủ động cho học sinh nghỉ học. Trưa cùng ngày, Sở GD&ĐT tỉnh ra thông báo cho toàn bộ học sinh các trường mầm non, phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên nghỉ học vào chiều 18/10.

Mưa lũ cũng làm đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã A Roàng, huyện A Lưới bị sạt lở nghiêm trọng tại Km 392, làm ách tắc giao thông hướng Thừa Thiên - Huế đi Quảng Nam. Hiện lực lượng chức năng đang triển khai phương án thu dọn đất đá, khắc phục sạt lở. Đồng thời, thông báo đến công an huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam để hướng dẫn người dân tạm thời không lưu thông trên tuyến.

z4793599713992_150eb384131c3cf6292cbea66451f261.jpg
Sạt lở xảy ra ở miền núi A Lưới

Tất cả tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế gồm 2.062 phương tiện với 11.350 lao động trên biển đã vào bờ tránh áp thấp nhiệt đới an toàn.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN trong sáng 18/10 đã đưa ra công điện khẩn, trong đó yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm các công điện chỉ đạo trước đó của Thủ tướng Chính phủ và tỉnh. Yêu cầu triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.

UBND các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt…

Văn Dinh