Môi trường

Các Bộ, ngành chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra

Mai Đan 18/10/2023 12:04

(TN&MT) - Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận khi ông chủ trì cuộc họp về ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ miền Trung vào sáng 18/10 tại Hà Nội.

Tăng cường chỉ đạo, ứng phó với mưa lũ miền Trung và áp thấp nhiệt đới

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Đức Thành - Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT) cho biết: Để ứng phó với mưa lũ miền Trung và vùng áp thấp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện và Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT cũng ban hành các văn bản, công điện chỉ đạo từ rất sớm chủ động ứng phó với mưa lũ khu vực miền Trung và vùng áp thấp hình thành trên biển, đặc biệt khi vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Văn phòng Thường trực đã tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.

Theo ông Lê Đức Thành, các địa phương đã triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, trong đó 11 tỉnh, thành phố đã ban hành công điện chỉ đạo. Các địa phương cũng tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

img_5942.jpg
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận chủ trì cuộc họp

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Kỳ Hà để triển khai công tác tìm kiếm các ngư dân mất tích trên 2 tàu cá.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi chỉ đạo các lực lượng triển khai ứng phó với mưa lũ, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường. Thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo cơ quan trực thuộc tiến hành cấp phát 2.000 thùng mì tôm cho người dân trên địa bàn 5 quận, huyện bị thiệt hại.

Ngày 17/10, học sinh các tỉnh đã đi học trở lại, riêng Đà Nẵng tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 18/10.

Về diễn biến áp thấp nhiệt đới, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (Tổng cục KTTV) cho biết: 7 giờ sáng 18/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Tây Tây Bắc, cách đất liền khu vực Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/giờ), giật cấp 9. Áp thấp di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 5-10km/h.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, dự báo đến 7h sáng 19/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, tốc độ khoảng 10 km/h, có khả năng mạnh lên thành bão, trên vùng biển phía Đông khu vực Vịnh Bắc Bộ, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

img_5937.jpg
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (Tổng cục KTTV) báo cáo tại cuộc họp

Dự báo đến 7h sáng 20/10, bão trên khu vực Vịnh Bắc Bộ, tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, tốc độ giảm xuống khoảng 5 km/h và có khả năng mạnh thêm. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 5km và suy yếu dần.

Về mưa lũ miền Trung, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, từ ngày 18/10 đến sáng 19/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa to đến rất to; khu vực Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ đêm 19/10, khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to; mưa lớn trên khu vực Trung Trung Bộ giảm dần.

Theo dõi và phối hợp chặt chẽ để chủ động ứng phó với thiên tai

Theo Đại tá Lê Quang Hào, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Cục Cứu hộ - cứu nạn Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, trong nhiều ngày qua nhân dân Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa, lũ gây ra. Cục Cứu hộ - cứu nạn Bộ Quốc phòng đã theo dõi và phối hợp chặt chẽ với Tổng cục KTTV để nắm thông tin, cập nhật kịp thời và ban hành những công văn, công điện để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị Quân đội, bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó với các tình huống, sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Quốc phòng cũng đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ giúp đỡ chính quyền và nhân dân địa phương khắc phục hậu quả (đã huy động 1.474 lượt cán bộ, chiến sỹ di dời 3.677 hộ/11.231 người đến nơi an toàn).

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, ngày 16/10, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã có Điện số 2575/CĐ-CHCN đề nghị BTL Quân khu: 4, 5; BTL: Quân chủng Hải quân, Phòng không không quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Binh đoàn 18 duy trì nghiêm chế độ trực, nắm chắc diễn biến của vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, kịp thời thông báo, hướng dẫn tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp để chủ động phòng, tránh; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 15/CĐ-QG ngày 17/10/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ khu vực miền Trung.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tập trung theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, tình hình mưa, chủ động cung cấp cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và các đơn vị liên quan để chỉ đạo ứng phó thiên tai kịp thời.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Cục Thuỷ sản tiếp tục tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Cục Thủy lợi phối hợp với Bộ Công thương kiểm tra, rà soát, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, đang thi công.

img_5953.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Các Bộ, ngành, địa phương tập trung huy động lực lượng, phương tiện tiếp tục tìm kiếm 13 ngư dân mất tích trên biển. Đối với các ngư dân đã được cứu hộ, lực lượng chức năng cần đảm bảo lương thực, chăm sóc y tế và đảm bảo an toàn cho họ.

Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ,cứu nạn khi có yêu cầu, trong đó Bộ Giao thông Vận tải lưu ý chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải; chỉ đạo khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính...

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, lốc xoáy, sóng lớn trên biển trong đêm 16/10, rạng sáng 17/10 đã làm 2 tàu cá/93 lao động của Quảng Nam (QNa 90927 TS; QNa 90129 TS) bị chìm. Cụ thể, lúc 1h ngày 17/10, tàu QNa 90927TS/ 39 ngư dân bị sóng đánh chìm (cách Bắc Tây Bắc đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý); hiện 1 ngư dân mất tích, 38 ngư dân còn lại đã được tàu Qna 91782 TS cứu vớt. Lúc 19h30 ngày 16/10, tàu QNa 90129TS/54 LĐ bị chìm do lốc xoáy (cách Đông Bắc đảo Song Tử Tây khoảng 120 hải lý); 40 người được các tàu cứu vớt, 2 người chết và 12 ngư dân mất tích. Các lực lượng chức năng đang tích cực triển khai tìm kiếm 13 người còn mất tích.

Mai Đan