Châu Thành, Hậu Giang: Tạo nguồn lực từ đất đai góp phần giảm nghèo bền vững
(TN&MT)- Trong thời gian qua, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã triển khai công tác quản lý, khai thác và sử dụng đất đai hiệu quả tạo nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của huyện. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Phóng viên báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Hậu Giang.
PV: Thưa ông, trong thời gian qua công tác quản lý, khai thác và sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Châu Thành như thế nào?
Ông Nguyễn Tấn Trung:
Huyện Châu Thành có diện tích tự nhiên 14.086,23ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 79,55% (tương đương 11.205,09ha). Huyện Châu Thành xác định nguồn lực đất đai có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh - tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân của địa phương, do vậy thời gian qua huyện đã tăng cường triển khai các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ công tác lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Theo đó, sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt đều được công bố rộng rãi đến các ngành, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân biết để thực hiện. Từ đó giúp cho công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) trên địa bàn huyện luôn đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, để góp phần đưa công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Châu Thành đạt hiệu quả, hàng năm UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình sử dụng đất, trong đó tập trung vào những trường hợp sử dụng không đúng mục đích sử dụng đất; lấn, chiếm đất, qua đó đã kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, nhắc nhỡ và xử phạt các tổ chức, cá nhân sử dụng đất chưa đúng với các quy định pháp luật hiện hành.
Cùng với đó, huyện Châu Thành cũng tập trung cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai thông qua việc thường xuyên rà soát, đối chiếu với các văn bản mới hiện hành để làm cơ sở kiến nghị cắt giảm, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế; đồng thời đảm bảo việc áp dụng các quy định thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân thực hiện một cách nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, huyện Châu Thành được tỉnh Hậu Giang chọn là huyện tập trung phát triển công nghiệp, đô thị nên trong thời gian qua huyện đã triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với diện tích tương đối lớn. Từ năm 2021 đến nay trên địa bàn huyện có 44 công trình, dự án được phê duyệt phương án bồi thường với tổng diện tích thu hồi 303,6 ha, có khoảng 3.339 hộ dân bị ảnh hưởng dự án.
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, huyện Châu Thành đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ đúng theo quy định của pháp luật; đồng thời xây dựng các khu, cụm tái định cư để bố trí nơi ở ổn định cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình, dự án, giúp họ yên tâm ổn định cuộc sống
Ngoài ra, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất, huyện Châu Thành đã tập trung thực hiện công tác cấp giấy CNQSD đất lần đầu đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho hộ gia đình, cá nhân. Đến nay, tỷ lệ cấp giấy CNQSD đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện đạt 99,47% (tương đương 11.989 ha đủ điều kiện cấp giấy). Hiện nay, các cơ quan, đơn vị chức năng của địa phương đang tập trung thực hiện các thủ tục cần thiết để cấp giấy CNQSDĐ lần đầu đối với 7,28 ha đất đủ điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân.
PV: Thông qua những kết quả đạt được trong công tác quản lý đất đai đã góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Trung:
Với việc hầu hết diện tích đất trên địa bàn huyện đã được cấp giấy CNQSDĐ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, đảm bảo đầy đủ các quyền lợi cho người sử dụng đất, giúp các hộ gia đình, cá nhân yên tâm khai thác, sử dụng đất để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Bên cạnh đó, thông qua công tác quản lý tài chính về đất đai trên địa bàn huyện ngày càng hoàn thiện, nhất là quản lý về thu thuế liên quan đến đất đai. Từ đầu năm đến nay, huyện Châu Thành đã thu tiền sử dụng đất, thuế trước bạ đất, chuyển quyền sử dụng đất với tổng số tiền 35,7 tỷ đồng, đây là nguồn lực quan trọn góp phần giúp huyện tái đầu tư các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đồng thời việc tổ chức xây dựng giá đất, xác định giá đất cụ thể để áp dụng phù hợp với khung giá đất của Chính phủ quy định cũng góp phần bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi, giúp họ có điều kiện tái đầu tư sản xuất nâng cao thu nhập cho gia đình.
Bên cạnh đó, việc triển khai công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng sạch giao nhà đầu tư sẽ giúp cho các công trình, dự án đi vào hoạt động đúng theo tiến độ đề ra sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội; tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
PV: Thưa ông, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai tạo nguồn lực quan trọng góp phần tái đầu tư các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, trong thời gian tới huyện Châu Thành sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì?
Ông Nguyễn Tấn Trung:
Hiện nay huyện Châu Thành còn tổng cộng 609 hộ dân thuộc diện nghèo theo chuẩn nghèo mới và mục tiêu của huyện đến cuối năm 2023 sẽ giúp hơn 210 hộ thoát nghèo. Để thực hiện đạt mục tiêu này, huyện Châu Thành đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo đề án phát triển ngành nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung quy hoạch trồng các loại cây ăn trái chủ lực như bưởi, nhãn,...có quy mô lớn và phù hợp với lợi thế về đất đai thổ nhưỡng cũng như nhu cầu của thị trường.
Cùng với đó, huyện Châu Thành cũng sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn huyện và đề xuất một số khu đất công có khả năng bán đấu giá hoặc cho thuê đất tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương góp phần tái đầu tư các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện; đồng thời tăng cường đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, đặc biệt là các dự án khu, công công nghiệp. Khi các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ kéo theo các dịch vụ thương mại phát triển, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương.
Ngoài ra, huyện Châu Thành cũng tập trung mở các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!