Khoáng sản

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Đáp ứng yêu cầu nóng bỏng từ thực tiễn

Mai Đan 17/10/2023 - 13:11

(TN&MT) - Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên tại Hội thảo lần thứ 3 lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản do Bộ TN&MT tổ chức.

Bộ TN&MT vừa tổ chức Hội thảo lần thứ 3 lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tại Khánh Hòa. Tại đây, đã có nhiều đại biểu đề xuất Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần quy định rõ về việc cho phép sử dụng khoáng sản đi kèm, phân cấp trong công tác bảo vệ tài nguyên, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, bổ sung, làm rõ các chính sách, mục tiêu về bảo vệ môi trường,… nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - Doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.

img_5542.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các đại biểu chủ trì Hội thảo

Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên - Phó Trưởng ban thường trực Ban soạn thảo dự án Luật Địa chất và Khoáng sản cho biết: Thời điểm này là giai đoạn rất quan trọng để Bộ TN&MT tập trung xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có thể đáp ứng được những yêu cầu nóng bỏng của đời sống kinh tế - xã hội đất nước, vừa tăng cường hợp tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản, vừa khắc phục những tồn tại, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đây là những yêu cầu được đưa ra trong Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khai thác và sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, khai thác theo mô hình kinh tế tuần hoàn; yêu cầu về bảo vệ môi trường là những nội dung rất quan trọng được đưa vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Bên cạnh đó, Dự thảo có những quy định để các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, nhất là UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã/phường có thể tổ chức thực hiện công tác quản lý, phát huy mạnh mẽ vai trò của chính quyền cơ sở trong việc bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, kinh phí bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, đặc biệt sử dụng kinh phí để điều tra, đánh giá, phát hiện, khoanh định các tiềm năng khoáng sản thuộc phạm vi, thẩm quyền phân cấp của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; vấn đề sử dụng ngân sách Nhà nước trong công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, cũng như việc tổ chức, thăm dò, đánh giá các loại khoáng sản chiến lược quan trọng cũng là những nội dung quan trọng được đề cập trong Dự thảo Luật.

Dự thảo Luật cũng có những quy định nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Trung ương và địa phương liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cũng như lợi ích của Nhà nước - Doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.

img_5538.jpg

Đối với quy định cụ thể về việc cho phép sử dụng khoáng sản đi kèm, ông Cao Thanh Vũ - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cần phân cấp hoặc giao cho địa phương cấp phép khoáng sản đi kèm đối với khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường; đơn giản thủ tục hành chính (không phải điều chỉnh giấy phép, không phải điều chỉnh chứng nhận đầu tư).

Về phân cấp trong công tác bảo vệ tài nguyên, cần quy định rõ việc bảo vệ tài nguyên ở các khu vực, vị trí đã được phê duyệt vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản bằng hình thức gì; phương thức quản lý thế nào; chế tài xử lý; định hướng sử dụng đất ở các khu vực đã được khoanh vùng vào quy hoạch để vừa đảm bảo lợi ích của tổ chức, cá nhân đang sở hữu, sử dụng đất, vừa đảm bảo được công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở khu vực đó.

img_5587(1).jpg

TS. Nguyễn Thúy Lan - Chuyên gia độc lập tại Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam đề xuất bổ sung, làm rõ các chính sách, mục tiêu về bảo vệ môi trường, bao gồm: quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon; đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành điều tra, khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thân thiện môi trường, phù hợp với xu thế của thế giới; sử dụng công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến tiên tiến, hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính; tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản trong các quy định về chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản; nguyên tắc hoạt động địa chất, khoáng sản.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản đến nay cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; công tác quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện, Luật Khoáng sản năm 2010 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Về góc độ quản lý nhà nước ở các địa phương nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã phát sinh nhiều vướng mắc cần phải có sự sửa đổi, bổ sung để đảm bảo các hoạt động quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản ngày càng phát huy được hiệu lực, hiệu quả, khơi thông được nguồn lực tài nguyên, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

5.jpg
Cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - Doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác

Do vậy, ông Trần Hòa Nam hy vọng qua Hội thảo, Bộ TN&MT, Ban soạn thảo Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý hữu ích từ các địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản để nghiên cứu, tham khảo, góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Tại Hội thảo, ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, bên cạnh việc kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (gồm 13 Chương và 132 Điều) đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.

Theo Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Trường Giang, đơn vị sẽ tiếp thu, tổng hợp tất cả những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, báo cáo Bộ TN&MT nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Địa Chất và Khoáng sản để trình Chính phủ và trình Quốc hội thông qua theo đúng kế hoạch.

Mai Đan