Khắc phục hậu quả mưa lũ, ứng phó mưa lớn dài ngày
(TN&MT) - Đến ngày 16/10, trên địa bàn các tỉnh miền Trung, mưa bắt đầu giảm, nước rút dần. Các địa phương nỗ lực vệ sinh môi trường, dọn dẹp tàn tích do mưa lũ để lại, chủ động ứng phó thời tiết phức tạp những ngày tới.
Khắc phục sạt lở
Thừa Thiên - Huế là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lớn gây ngập trên diện rộng và sạt lở tại nhiều khu vực. Ông Hoàng Văn Vy - Chủ tịch UBND xã Phú Diên (huyện Phú Vang) cho biết, sau khi kiểm tra các điểm đường dân sinh bị sạt lở ven biển, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã xuất 50m3 đá hộc, 50 rọ thép loại 1m3 và 1 cuộn vải lọc kích thước 900m2 giúp địa phương xử lý khẩn cấp, khắc phục sạt lở đường do mưa lớn, làm hạn chế dòng chảy, ổn định vùng bờ biển.
Đà Nẵng: Giảm thiệt hại nhờ… cơn mưa năm ngoái
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng, đợt mưa lớn vừa qua không ghi nhận trường hợp thiệt hại về người. Mưa lớn đã gây sạt lở ở Km905 đường đèo Hải Vân và hơn 120 điểm ngập lụt tại các khu vực trũng thấp với chiều sâu từ 30 - 50cm, có nơi ngập sâu hơn 1m (khoảng 48/57 xã, phường bị ngập). Ghi nhận về thiệt hại phương tiện như ô tô, xe máy và các thiết bị điện tử rất ít. Trong khi đó, đợt ngập năm trước Đà Nẵng có tới 2.000 ô tô và 30.000 xe máy. Đây là điều khác biệt bởi năm nay thành phố có sự chuẩn bị từ rất sớm căn cứ trên các mức độ cảnh báo của cơ quan khí tượng.
“Có 7 điểm sạt lở trên tuyến đường dân sinh ra bãi tắm, sạt lở đập tràn, khu dân cư gây nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống giao thông, thoát nước của bãi tắm, bãi quay ghe và khoảng 30 hộ dân trên địa bàn. Theo dự báo, những ngày tới tiếp tục có mưa lớn, do vậy công tác khắc phục, gia cố các điểm sạt trượt đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ nhằm giảm thiệt hại, đảm bảo an toàn cho các vùng dân cư ven biển”, ông Vy thông tin.
Tại Quảng Trị, mưa lớn khiến đường tuần tra biên giới Sa Trầm, xã Ba Nang đi Pa Linh, xã A Vao, huyện Đakrông bị sạt lở, đất đá tràn xuống đường, gây chia cắt giao thông. Trên Quốc lộ 15D, đoạn qua huyện Đakrông, đất đá sạt trượt tràn ra mặt đường với khối lượng khoảng 250m3. Ban Quản lý Bảo trì giao thông, Sở GTVT tỉnh Quảng Trị đã điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường khắc phục tình trạng sạt lở trên Quốc lộ 15D.
Trong khi đó tại Quảng Bình, mưa lớn, nước dâng cao làm sạt lở 30m kè chống xói lở sát nhà thờ Xuân Hải (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch). Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng phòng, chống bão lũ và người dân thực hiện gia cố tạm thời bằng bao cát.
Ở huyện Tuyên Hóa, mưa lớn làm sạt lở đất đồi, ảnh hưởng đến các hộ dân tại thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa. Chính quyền huyện đã tổ chức lực lượng hỗ trợ các gia đình di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Mưa lớn dồn dập trong những ngày qua cũng khiến nhiều tuyến giao thông trọng yếu tại Đà Nẵng bị chia cắt. Cụ thể, ta luy dương đèo Hải Vân tại Km 905+600 (địa phận Đà Nẵng) bị sạt lở; ta luy dương đường lên bán đảo Sơn Trà xảy ra tình trạng đá tảng lăn, một số vị trí đất cát sụt trượt xuống mặt đường. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Khu Quản lý đường bộ III và Phòng CSGT Công an TP. Đà Nẵng đã nhanh chóng kiểm tra, đánh giá mức độ, nguy cơ sạt lở và triển khai các biện pháp đảm bảo giao thông trên tuyến... UBND quận Sơn Trà cũng ra công văn về việc cấm phương tiện lưu thông trên đường Hoàng Sa và thực hiện chốt chặn ngay tại vị trí đường Hoàng Sa nối lên chùa Linh Ứng. Đồng thời, thành phố cũng duy trì lực lượng ứng trực sẵn sàng tại các khu vực trọng yếu, ngập sâu.
Tổng lực vệ sinh môi trường
2 ngày nay, tranh thủ ngớt mưa, các đơn vị, địa phương, hội, đoàn thể… tại Đà Nẵng đồng loạt ra quân tổng dọn vệ sinh, xử lý môi trường sau ngập lụt và khơi thông lại hệ thống thoát nước do bị rác mắc, đất bồi lấp nhằm phòng, chống ngập úng. Ông Huỳnh Bá Châu, Tổ trưởng Tổ dân phố 113, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu cho biết: “Tại khu vực thấp trũng này, khoảng nửa Tổ bị ngập với 78 hộ, toàn bộ người dân đã di tản hết đến nơi an toàn từ khi nước lên, không cho ai ở lại. Đợi nước rút, bà con nhanh chóng trở về nhà dọn dẹp bùn đất, ổn định cuộc sống”.
Quảng Nam: Nhiều khu dân cư chìm trong “biển nước”
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đợt mưa lớn đang diễn ra đã làm hư hại hơn 118ha lúa, hoa màu bị hư hại, một tàu cá bị chìm, sập một cầu dân sinh, làm 500m bờ biển bị sạt lở. Đồng thời, ở nhiều khu vực thấp trũng cũng bị chìm sâu trong “biển nước”. Trước tình hình mưa lớn kéo dài cùng mực nước trên sông Vu Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ đang lên, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức sơ tán, di dời hơn 100 hộ dân.
Bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi ngớt mưa, công nhân môi trường tất cả các quận, huyện đã tập trung tổng vệ sinh trên địa bàn được giao. Việc thu gom, vận chuyển hết bùn đất, rác, đất thải, phế thải cồng kềnh phát sinh sau mưa bão trên các tuyến phố được tiến hành khẩn trương đề phòng mưa lớn kéo dài với tinh thần nước rút đến đâu phải đảm bảo sạch và thông thoáng cửa thu nước đến đó.
“Nhờ công tác chủ động ứng phó của các lực lượng chức năng và người dân nên lượng rác năm nay phát sinh không nhiều, tăng khoảng 10% so với ngày thường. Hiện tại, Công ty đang tập trung thu gom, xử lý rác trôi dạt vào bờ biển từ thượng nguồn trôi về sau mưa lớn. Trước mắt, Công ty đang dọn trước tại các bãi tắm để đảm bảo mỹ quan và tiếp tục thu gom trả lại bãi biển sạch đẹp” - bà Hiếu cho biết.
Thực tế cho thấy, không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, sau lũ, người dân còn phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Do đó, các địa phương xác định việc xử lý môi trường sau mưa lũ là hết sức cần thiết để hạn chế tình trạng virus gây bệnh có thể phát triển.
Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) là địa phương có một số xã vùng hạ du Kẻ Gỗ thường xuyên xảy ra lũ lụt, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, đau mắt đỏ... nên công tác phòng, chống dịch bệnh được địa phương hết sức chú trọng. Không chỉ sau mưa lũ mà ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và triển khai tới toàn bộ các trạm y tế xã, thị trấn, các cơ quan, ban ngành trên địa bàn.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên Trần Huy Nghĩa cho biết, để phòng, chống hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát, đơn vị tập trung cao việc hướng dẫn chuyên môn cho các trạm y tế cơ sở. Duy trì tốt công tác giám sát và báo cáo tình hình dịch bệnh tại tất cả các tuyến qua hệ thống phần mềm giám sát các bệnh truyền nhiễm. Nhờ mạng lưới giám sát hoạt động hiệu quả nên phát hiện sớm được những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc mới để quản lý, theo dõi, điều trị và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống.
Dự báo trong những ngày tới, miền Trung vẫn tiếp tục “hứng chịu” những đợt mưa dài ngày. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, các tỉnh, thành vẫn đang theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó không để “bị động”, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai gây ra.