Bến Tre : Tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt
(TN&MT) - Bến Tre đã ban hành các văn bản, kế hoạch về quản lý chất thải rắn (CTR) nói chung và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói riêng nhằm góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về CTR từng bước đi vào nền nếp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre, thời gian qua, do nguồn lực còn hạn chế nên đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH chưa đủ năng lực để giải quyết trọn vẹn vấn đề về thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn. Mô hình quản lý còn mang tính riêng biệt từng địa phương, chưa có sự gắn kết để giải quyết vấn đề về rác thải liên xã hoặc liên huyện. Công tác thu gom, vận chuyển rác thải tại một số xã được thực hiện bởi các đơn vị thu gom, vận chuyển nhỏ lẻ, hoạt động kém hiệu quả và không bền vững.
Trước tình hình trên, Sở TN&MT Bến Tre đã đặt ra nhiều giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTRSH nói riêng để phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị đạt trên 95%, tại khu vực nông thôn đạt 80%, tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt 70%.
Theo đó, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách về quản lý CTRSH phù hợp với tình hình phát triển của địa phương và quy định của pháp luật; tăng nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý CTRSH; xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại khu vực thành thị và nông thôn.
Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre cũng sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp CTRSH không hợp vệ sinh, từng bước khắc phục các vấn đề về ô nhiễm, suy thoái môi trường do CTR gây ra; đồng thời, tăng cường khả năng phân loại, tái chế, tái sử dụng và ủ phân compost nhằm giảm tối đa lượng rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lắp trực tiếp dưới 30% đến năm 2025; xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời các bãi chôn lấp rác tự phát; từng bước xóa bỏ các bãi rác cấp xã, bãi rác tạm thay vào đó là đầu tư xây dựng điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Cũng theo ông Bùi Minh Tuấn, giải pháp trọng tâm là trong quy hoạch Khu liên hợp xử lý CTRSH cấp tỉnh sẽ được tính toán kỹ càng và xác định rõ các mối quan hệ giữa quy hoạch xử lý CTRSH với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm tránh hiện tượng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch, đảm bảo sự cân đối, phát triển bền vững. Vì vậy, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Bến Tre và đưa vào Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, định hướng năm 2050.
Dự kiến đến năm 2030, tỉnh Bến Tre ưu tiên triển khai xây dựng Khu liên hợp xử lý CTR tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành với diện tích hơn 20ha phục vụ xử lý rác cho 6 huyện và TP. Bến Tre; xem xét mở rộng diện tích bãi rác tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam làm phương án dự phòng cho rác thải của tỉnh và khu xử lý bùn thải; đẩy nhanh tiến độ mời gọi đầu tư Nhà máy xử lý rác tại 3 huyện ven biển Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri đảm bảo xử lý rác phát sinh trên địa bàn các huyện này. Đến năm 2050, tiếp tục đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý CTR diện tích khoảng 20ha tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri với định hướng xử lý rác thải cho vùng kinh tế biển theo chủ trương phát triển kinh tế về hướng Đông của tỉnh.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu liên hợp xử lý rác thải của tỉnh Bến Tre, sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, UBND tỉnh Bến Tre sẽ chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương lập dự án mời gọi đầu tư và tham mưu xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư dự án “Khu liên hợp xử lý CTR trên địa bàn tỉnh Bến Tre” làm cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và quy định của pháp luật.