Môi trường

Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai xây dựng “Côn Đảo Xanh”

Trung Nguyên 16/10/2023 - 22:39

(TN&MT) - Ngày 16/10, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông, Hội nghị bước khởi đầu để huy động các đề xuất, sáng kiến, giải pháp đặt nền móng cho một "Côn Đảo Xanh" - nơi kinh tế sáng tạo, công nghiệp tuần hoàn và bền vững, phát triển một môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng.

z4788891949039_480e0c894ec0ee5903a729a7fc9e6156.jpg
Ông Đặng Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phát biểu tại Hội nghị

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, kinh tế tuần hoàn sẽ đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề môi trường và năng lượng tại Côn Đảo, góp phần xây dựng hạ tầng, thể chế và nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế bền vững. Côn Đảo sẽ được nâng cao năng lực cạnh tranh cụm ngành kinh tế chủ lực và phát triển du lịch chất lượng cao để thu hút đa dạng nguồn du khách và tăng doanh thu ngành du lịch. Việc này cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của các cụm ngành kinh tế phụ trợ. Bên cạnh đó, Đề án sẽ góp phần tái tạo nguồn vốn tự nhiên theo mô hình kinh tế tuần hoàn cho các hoạt động tại địa phương.

“Đề án bao gồm các hoạt động nghiên cứu và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực; tập trung vào xây dựng các liên kết và gia tăng giá trị giữa cơ quan nghiên cứu, chính quyền, doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan. Mục tiêu là cung cấp các giải pháp khoa học và thực tế” – ông Đặng Minh Thông nhấn mạnh.

z4788891721597_88401de2984693f46b24e6813f742e59.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các nhà khoa học, các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế; doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia Hội nghị

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông, Đề án sẽ tận dụng nguồn lực từ nghiên cứu kết hợp với các chương trình quốc gia và địa phương. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tìm kiếm nguồn kinh phí từ các quỹ quốc tế để đóng góp vào các chương trình toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy giá trị văn hóa - xã hội. Ngoài ra, việc thu hút nguồn kinh phí từ tư nhân và doanh nghiệp sẽ được thực hiện thông qua các dự án thử nghiệm sản xuất.

Chúng ta sẽ xây dựng các chính sách quản lý và khuyến khích để khuyến nghị việc chuyển đổi nền kinh tế hiện tại theo hướng kinh tế tuần hoàn. Điều này bao gồm hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ nhằm cải thiện hiệu quả kinh tế và môi trường, bao gồm các lĩnh vực năng lượng, nước, vật liệu và bảo tồn thiên nhiên.

Ông Đặng Minh Thông - Phó Chủ tịch UNND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất, để triển khai Đề án kinh tế tuần hoàn, Côn Đảo cần đưa ra các giải pháp để đổi mới thể chế hiện tại và đưa vào hành động các quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ Môi trường. Đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý sản phẩm thải dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường. Côn Đảo cần có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ việc phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phục vụ việc chuyển đổi sản phẩm thải thành tài nguyên tái chế trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.

Việc xây dựng một lộ trình thay thế việc sử dụng nhiên liệu và sản phẩm gây hại cho môi trường bằng các nguồn năng lượng và sản phẩm thân thiện hơn rất cần thiết, đặc biệt là giảm sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các cơ hội về tài chính và công nghệ trong quá trình thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Côn Đảo.

z4788891549339_9a6f0ae04e92f47caeda106f3cec2ed8.jpg
Trưng bày các sản phẩm tái chế bên lề Hội nghị

Các giải pháp truyền thông cần được triển khai nhằm tăng cường nhận thức về trách nhiệm kinh tế tuần hoàn cho cả doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn, thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường. Cộng đồng doanh nghiệp tại Côn Đảo chuyển đổi tư duy và thiết kế mô hình sản xuất theo các giải pháp kết nối nhằm tăng cường sử dụng các sản phẩm tái chế và tái sử dụng hoàn toàn.

Theo ông Lê Văn Phong - Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, việc triển khai đề án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo một mặt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, mặt khác sẽ giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái. Những nỗ lực cũng góp phần giúp Côn Đảo chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và nhà nước đề ra. Đồng thời, sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc phục vụ thúc đẩy tăng trưởng bền vững của huyện đảo, trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tỉnh và cả nước.

z4788891543488_98f652a740aa9d643babe628547c23c5.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Bày tỏ sự kỳ vọng đối với Đề án, Phó Chủ tịch tỉnh Đặng Minh Thông cho rằng: “Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn tại Côn Đảo sẽ phát triển nhanh chóng và bền vững, với những bước tiến đột phá. Chúng ta đầy tự tin và hy vọng rằng tương lai của Côn Đảo sẽ đạt được thành công lớn trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế”.

Ngày 16/3/2023, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án "Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”

Đề án có 6 nhóm giải pháp gồm: Giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn; Giảm thiểu rác thải, Không rác thải nhựa; Tuần hoàn nước; Phát triển giao thông xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng; Bảo tồn đa dạng sinh học; Du lịch bền vững gắn với áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Lộ trình triển khai qua hai giai đoạn. Giai đoạn 2022-2025: Chuẩn bị các cơ sở pháp lý, giải pháp công nghệ, các phương án hành động và quy chế quản lý cho các đề án, dự án thuộc đề án; triển khai thử nghiệm các chính sách tuần hoàn, các đề án thử nghiệm từ kết quả của các đề án nghiên cứu, kêu gọi đầu tư cho các dự án tích hợp gồm 28 đề tài/dự án/đề án.

Giai đoạn 2026-2030: Triển khai mở rộng đề án trên cơ sở thành tựu và bài học rút ra từ giai đoạn trước bao gồm 12 đề tài/dự án, cụ thể: 2 đề tài/dự án được thực hiện mới, 10 đề tài/dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn 2023-2025.

Trung Nguyên