SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Luật Đất đai (sửa đổi) cần có chính sách cởi mở hơn về tiếp cận đất đai phát triển du lịch

Theo Quochoi.vn 15/10/2023 - 13:06

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trao đổi với Cổng thông tin điện tử Quốc hội, góp ý vào dự thảo Luật này, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng Luật cần có hành lang pháp lý cởi mở hơn về quyền tiếp cận đất đai phát triển hạ tầng du lịch.

TS.LƯU BÌNH NHƯỠNG: TÁCH BẠCH, LÀM RÕ CÁC VẤN ĐỀ QUY HOẠCH VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

Hiện Điều 79 của Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Dự thảo Luật Đất đai quy định các trường hợp thu hồi đất, trong đó không có trường hợp thu hồi đất cho phát triển du lịch, vui chơi, giải trí, hoặc kết hợp nhà ở thương mại với phát triển du lịch, công trình dịch vụ, vui chơi, giải trí. Ngoài ra dự thảo cũng không quy định trường hợp thu hồi đất cho phát triển khu đô thị mới.

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội

Phóng viên: Thưa TS. Lưu Bình Nhưỡng, Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Trong khi đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch 2017 không điều chỉnh việc khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung thêm các chế định pháp luật về phát triển du lịch để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển du lịch, dịch vụ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Tôi đồng tình với quan điểm đặt ra. Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50% thì cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và phân tích sâu sắc hơn nữa về sản phẩm du lịch Việt Nam đối với từng khu vực, địa phương và loại hình. Trong đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch là một lẽ tất yếu.

Ngành du lịch của chúng ta phát triển chậm hơn các nước Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia…nhưng hiện tại chúng ta lại có lợi thế đó là có thể bắt đầu đầu tư mới. Nếu không nắm bắt được yếu tố này để đầu tư kiến thiết hạ tầng đồng bộ thì chúng ta lại lỡ nhịp một lần nữa.

Đây là một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đề ra tại Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, cần có những chính sách cởi mở hơn về tiếp cận đất đai để phát triển hạ tầng du lịch trong Luật Đất đai để tạo sức hút đầu tư và tăng tính cạnh tranh đối với ngành du lịch của Việt Nam đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung hiện nay. Luật Đất đai năm 2013 và dự thảo Luật Đất đai hiện chưa có quy định để doanh nghiệp tiếp cận đất đai thực hiện các dự án du lịch, đô thị phức hợp, quy mô. Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ có thể tiếp cận quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án du lịch thông qua hình thức nhận chuyển nhượng hoặc đấu giá quyền sử dụng đất; không được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất.

Trong khi đó, đối với hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì phụ thuộc phần lớn vào quỹ đất do địa phương nắm giữ và phụ thuộc vào ngân sách của địa phương có đủ để giải phóng mặt bằng để thực hiện hay không. Trong khi đó, đối với hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nếu không đạt được thỏa thuận với trên 80% số hộ dân và 80% diện tích đất và không đạt được thỏa thuận với số còn lại thì khi chủ đầu tư, dự án cũng không triển khai được. Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần có cơ chế tiếp cận đất đai, chính sách phù hợp nhưng cũng phải đủ linh hoạt để tháo gỡ và thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Du lịch là một pham trù kinh tế rộng, liên quan đến đa ngành, đa lĩnh vực và phức hợp, có tính chất bao trùm lên toàn xã hội. Do đó, cần có chính sách riêng biệt, chiến lược phát triển đột phá và một kế hoạch thực hiện cụ thể, phân công bố trí nguồn lực hợp lý, huy động sự hưởng ứng tham gia của các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực này nhằm thực hiện Nghị quyết của TƯ đã đặt ra là cần thiết.

Phóng viên: Thưa TS. Lưu Bình Nhưỡng, hiện Điều 79 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tuy đã quy định các trường hợp thu hồi đất cụ thể, nhưng vẫn không có trường hợp thu hồi đất cho phát triển khu đô thị mới quy mô lớn, hay các dự án phức hợp, đa chức năng theo xu hướng thế giới và đã hiện hữu tại Việt Nam. Vậy theo ông có cần thiết bổ sung các trường hợp nêu trên vào nhóm đối tượng thu hồi đất, tạo thuận lợi cho địa phương thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch hay không?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Tôi sẽ chia sẻ thêm một số nội dung trước khi nói đến quan điểm cá nhân đối với trường hợp cụ thể vừa nêu. Việc thực hiện các dự án, công trình vì mục đích quốc gia, công cộng là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển. Chúng ta không thể phát triển nếu không có cơ chế chính sách linh hoạt để chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với mục tiêu phát triển. Vai trò của nhà nước trong trường hợp này đã được thể hiện rất rõ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, quy định rất cụ thể, rõ ràng… nhưng tôi đang muốn đặt lại vấn đề đối với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra về triết lý hoặc là nguyên tắc để lựa chọn các nhóm trường hợp Nhà nước thu hồi là như thế nào? Tại sao là thể loại dự án, công trình này mà không phải là dự án, công trình kia? Cần xâu chuỗi lại nội dung mà tôi vừa chia sẻ ở trên.

Vấn đề không phải là thể loại dự án, công trình thuộc trường hợp thu hồi mà vấn đề là Dự án, công trình này có phù hợp với phục vụ mục tiêu, chiến lược, kế hoạch mà các Nghị quyết Trung ương đã đặt ra hay chưa? Hay là ta chỉ nêu mục tiêu, chiến lược và kế hoạch nhưng các chính sách song hành để thực hiện lại chưa thực sự được tháo gỡ đối với những trường hợp cụ thể thì chính sách, pháp luật khó có thể đi vào cuộc sống. Chính sách không thể trở thành động lực để doanh nghiệp, người dân phát triển mà có thể sẽ trở thành trở ngại, vướng mắc trong quá trình thực thi.

Để giải quyết được vấn đề nêu trên, theo tôi nên thiết kế Điều 79 theo 2 hình thức. Một là, Quy định chi tiết đối với các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như dự thảo. Hai là, dựa trên các quy định đã có, nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc đối với các Dự án quan trọng cấp quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội; Các Dự án quan trọng cấp “nhà nước” thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng; Các dự án quan trọng “cấp tỉnh” thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Nhân dân, trong đó có thể cho phép kết hợp giữa dự án nhà ở hoặc khu đô thị mới với thương mại, dịch vụ, khu vui chơi giải trí hoặc thu hồi đất có quy mô trên 300ha trở lên để phát triển khu đô thị mới.

Ngoài ra, các khái niệm về “dự án quan trọng cấp quốc gia, cấp nhà nước, cấp tỉnh” đã được quy định về phân cấp dự án nhưng chưa làm rõ điều kiện, tiêu chí. Do đó đề nghị nghiên cứu và bổ sung tiêu chí về quy mô diện tích; về tổng mức đầu tư; về tác động dân số (di dân tái định cư) và tác động đối với phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương…Ví dụ như đối với dự án quan trọng quốc gia thì quy mô diện tích là 1000ha, dự án quan trọng nhà nước quy mô diện tích là 500ha còn dự án quan trọng cấp tỉnh là 300 ha, có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ trở lên sẽ giải quyết được cụ thể đối với từng trường hợp.

Phóng viên: Xin cảm ơn TS. Lưu Bình Nhưỡng.

Theo Quochoi.vn