Tây Ninh: Bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững
(TN&MT) - Tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu về bảo vệ môi trường (BVMT), qua đó góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân, hướng tới phát triển bền vững.
Quản lý tốt môi trường không để phát sinh điểm nóng
Theo Sở TN&MT Tây Ninh, thời gian qua đơn vị đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền giáo dục về BVMT. Qua đó, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Ngày quốc tế đa dạng sinh học, Ngày nước thế giới, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam bằng hình thức treo băng rôn hưởng ứng tại các khu vực công cộng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 73 hồ sơ, trong đó có 8 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và 53 hồ sơ cấp giấy phép môi trường. Tổ chức tiếp nhận và thẩm định tờ khai nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp với số tiền ra thông báo thẩm định là 96 hồ sơ; tiếp nhận, tổng hợp 545 báo cáo công tác BVMT.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở TN&MT Tây Ninh đã tiếp nhận thẩm định hồ sơ đề nghị xét công nhận hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đối với: thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh. Tổ chức kiếm tra, thẩm định đánh giá việc thực hiện đạt tiêu chí về môi trường các cấp trong xây dựng nông thôn mới năm 2023, bao gồm: huyện Bến Cầu đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Kiểm tra thẩm định, đánh giá thực hiện đạt tiêu chí về môi trường các cấp trong xây dựng nông thôn mới năm 2023…
Ngoài ra, đơn vị cũng thực hiện 7 nhiệm vụ, trong đó có 4 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2022 gồm: Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh; Điều tra đánh giá hiện trạng phát sinh, quản lý chất thải nguy hại, chất thải y tế, xây dựng quy chế quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh; Điều tra, kiểm kê xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với thực tiễn trên địa bàn tỉnh.
3 nhiệm vụ mới triển khai năm 2023, cụ thể: Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh; Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu môi trường, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu thành phần đã có; Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền và triển khai mô hình điểm phân loại rác tại nguồn cho các đơn vị cấp huyện, xã, các tổ chức chính trị - xã hội, các khu dân cư, tổ tự quản.
Nâng cao chất lượng đời sống người dân
Nhằm tăng cường hoạt động BVMT và ngăn ngừa các trường hợp xả chất thải gây ô nhiễm môi trường từ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh, đảm bảo môi trường sống xanh – sạch – đẹp, nâng cao chất lượng sống cho người dân và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Sở TN&MT Tây Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành từ khâu thẩm định cấp phép chứng nhận đầu tư, thẩm định công nghệ, kiên quyết từ chối đầu tư với các dự án cơ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu không phù hợp quy chuẩn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lựa chọn nghề ít phát sinh chất thải, có công nghệ mới, tiên tiến.
Song song đó, tiếp tục phối hợp tăng cường theo dõi, giám sát, báo cáo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải; kiểm soát nguồn thải; phòng ngừa, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường nước sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng. Tăng cường phòng ngừa, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Phối hợp với các tỉnh Long An, Tiền Giang và TP.HCM quan trắc nước sông Vàm Cỏ Đông với tần suất 4-12 lần/năm. Vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5) đã tăng tần suất tại một số vị trí thường xảy ra cá chết ở rạch Tây Ninh và Vàm Cỏ Đông lên 1 lần/ngày và có biện pháp xử lý, ngăn ngừa mức độ gia tăng ô nhiễm…
Ông Văn Tiến Dũng - Giám đốc Sở TN&MT Tây Ninh cho biết, Tây Ninh luôn thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về BVMT; gắn quy hoạch BVMT với các quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp... Qua đó, phục vụ hiệu quả cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý điều hành BVMT đảm bảo thống nhất cả tỉnh.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên toàn tỉnh và các đơn vị có nguồn thải vào lưu vực sông; yêu cầu chủ nguồn thải có lưu lượng xả nước thải từ 500m3/ngày đêm thực hiện lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định trước ngày 31/12/2024 và truyền dữ liệu về Sở TN&MT quản lý, quá thời hạn nêu trên nếu chủ tài khoản nào không thực hiện sẽ xem xét xử lý theo quy định.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch BVMT nguồn nước sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh mùa khô, đầu mùa mưa hàng năm. Tăng cường công tác khảo sát, giám sát môi trường khu vực giáp biên giới Campuchia. Phối hợp với đơn vị xử lý lục bình trục vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng tiếp tục triển khai nhiệm vụ về BVMT, thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, quan trắc thành phần môi trường đất, nước, không khí. Tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để cân bằng giữa phát triển kinh tế, đảm bảo công tác BVMT gắn với an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 1,09% (với 3.499 hộ), trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 0,32% (1.037 hộ), cận nghèo là 0,77% (2.462 hộ). Với kết quả đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 0,74%, vượt chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao về giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (từ 0,1%-0,15%) và đạt mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 0,5%-0,7%.
Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% và bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định. Phấn đấu trên 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 95% (đối với khu vực thành thị), trên 90% (đối với khu vực nông thôn) sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet.