Xã hội

Sơn Động – Bắc Giang: Làm giàu từ rừng sản xuất

Lê Xuân 13/10/2023 - 15:04

Lâm nghiệp đã trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang nhiều năm qua, trong đó rừng sản xuất đang góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn hộ dân.

Đưa lâm nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực

Được biết, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện Sơn Động đạt trên 66.831 ha, trong đó có 9.503 ha rừng đặc dụng, 9.098,7ha rừng phòng hộ, 48.229ha rừng sản xuất. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Động đã ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao giá trị rừng trồng giai đoạn 2021 - 2025; Hội đồng nhân dân huyện ban hành Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025.

Mục tiêu đến năm 2025, Sơn Động có 5.000ha rừng sản xuất đạt chứng chỉ FSC; 30% rừng trồng cây gỗ lớn; năng suất gỗ rừng sản xuất đạt 28 m3/ha/năm, giá trị sản xuất gia tăng bình quân 2,5 lần so năm 2020. Có chính sách hỗ trợ kéo dài chu kỳ sản xuất kinh doanh, xây dựng hình thành và phát triển các vùng gỗ lớn, hạn chế khai thác non nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng.

1(1).jpg
Rừng sản xuất đang đem lại giá trị kinh tế lớn cho người dân

Khuyến khích phát triển rừng kinh tế và quản lý theo tiêu chuẩn rừng bền vững (FSC), đẩy mạnh xây dựng mô hình nông lâm, kết hợp với các dịch vụ du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng. Tập huấn tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ mới, giống cây lâm nghiệp chất lượng cao vào phục vụ sản xuất lâm sản hàng hóa. Với 29 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, 9 tháng đầu năm 2023, Sơn Động sản xuất được 6,78 triệu cây giống các loại.

Phong trào trồng cây phân tán, trồng rừng sản xuất trong nhân dân đang phát triển mạnh mẽ, diện tích rừng trồng tăng nhanh. Hàng năm, diện tích trồng rừng tập trung đạt trên 4.200ha, cây phân tán trên 1,15 triệu cây, khai thác rừng trồng tập trung trên 4.500ha, sản lượng gỗ đạt hơn 500.000m3. Sơn Động dần hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất tập trung; diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt 4.683 ha.

Kinh tế rừng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Sơn Động. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp trên địa bàn huyện đạt 819 tỷ đồng, tăng 12,2 tỷ đồng so với năm 2021. Giá trị rừng sản xuất đạt bình quân 22,2 triệu đồng/ha/năm. Dự kiến năm 2023 giá trị rừng sản xuất đạt bình quân 23 triệu đồng/ha.

Thoát nghèo nhờ rừng

Từ chính sách, cách làm đúng, Sơn Động đã bảo vệ và duy trì ổn định tỉ lệ che phủ rừng đạt 71,8%, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Nông Văn Sinh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động, cho biết: Những năm gần đây, người dân trồng rừng đúng kỹ thuật, sử dụng nhiều giống mới chất lượng và việc chăm sóc, dọn thực bì thường xuyên, nhờ đó sản lượng, chất lượng rừng được nâng lên, giá bán ổn định hơn.

Ông Trịnh Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Sản, cho biết: Xã có 2.100ha rừng, trong đó có 400ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng sản xuất. Gần 100% hộ dân trong xã tham gia trồng rừng. Thu nhập bình quân từ rừng trồng khoảng 35 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 5-7%/năm. Kinh tế rừng đã đóng góp rất lớn trong xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhiều gia đình xây nhà mới khang trang, mua sắm đồ dùng và cho con ăn học đầy đủ.

Chị Nông Thị Chinh, ở thôn Sản, xã Hữu Sản tâm sự: Gia đình có 15ha rừng trồng. Trung bình mỗi năm khai thác 4 ha, sản lượng đạt khoảng 150 tấn gỗ dăm/ha. Khi được giá, trừ chi phí, trung bình lãi 70 triệu đồng/ha. Trước đây, gia đình là hộ nghèo, từ khi trồng rừng, cuộc sống đã dần cải thiện, thoát nghèo. Sau đó chị Chinh chỉ tay về hướng ngôi nhà tầng khang trang: Vợ chồng chị vừa xây được căn nhà trị giá gần 1 tỷ đồng, chị không nghĩ đời mình lại xây dựng được ngôi nhà như thế, tất cả là nhờ rừng, nhờ cán bộ địa phương tư vấn, hỗ trợ và giúp đỡ.

3.jpg
Từ trồng rừng, gia đình chị Chinh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang

Anh Hoàng Văn Triều, Trưởng thôn Sản, xã Hữu Sản, cho hay: Thôn có 217 hộ tham gia trồng rừng, diện tích 750ha. Cách đây 5 năm, tỷ hộ nghèo chiếm 65%, nay còn 32%. Thu nhập bình quân đầu người tại thôn đạt 38 triệu đồng/năm, trong đó 85% nguồn thu từ trồng rừng. Giờ đây, nhiều gia đình có điều kiện cho con ăn học, xây dựng nhà ở khang trang.

Tiếp tục nâng cao giá trị của rừng

Tuy đạt nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng trong quá trình phát triển rừng ở Sơn Động vẫn còn một số tồn tại như: Nhiều diện tích rừng kém hiệu quả; năng suất, chất lượng rừng tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng; việc đầu tư thâm canh còn hạn chế; có nhiều cơ sở băm, bóc nhưng cơ bản là chế biến thô, chưa có nhà máy chế biến sâu; tiềm năng về du lịch sinh thái, dược liệu dưới tán rừng chưa được khai thác hiệu quả.

Ông Triệu Anh Tuấn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động cho rằng: Cần có những giải pháp phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển cây bản địa, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, lâm sản phụ, dược liệu. Xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển các mô hình nông - lâm kết hợp làm điểm, từ đó đánh giá hiệu quả để nhân rộng.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Thắng, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyên Sơn Động, cho biết: Rừng trồng là cây xóa đói, giảm nghèo nhưng chưa phải là cây làm giàu. Để làm giàu, cần đưa giống mới vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết để sản xuất rừng bền vững, lâu dài sử dụng thành điện sinh khối, vận động nhân dân kéo dài thời gian trồng, chuyển thành rừng trồng gỗ lớn.

2(1).jpg
Rừng trồng là cây xóa đói, giảm nghèo của huyện Sơn Động

Được biết, Sơn Động hướng đến năm 2025 giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp sẽ đạt 1.000 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, huyện xác định rõ ranh giới giữa các loại rừng, rà soát, xây dựng phương án bền vững, xây dựng các đề án về thuê rừng và nuôi trồng rừng gắn với bảo vệ phát triển du lịch. Quy hoạch các loại rừng, trên cơ sở đó mời gọi doanh nghiệp đầu tư. Thu hút đầu tư để nâng cao giá trị rừng trồng, tạo công ăn việc làm cho người dân. Đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ, gắn bảo vệ phát triển rừng với phát triển du lịch, bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen động, thực vật.

Lê Xuân