Xã hội

Quảng Ninh: Thực hiện tốt nhiều chính sách quan trọng giúp giảm nghèo bền vững

Phạm Hoạch 13/10/2023 - 15:03

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành, triển khai hàng loạt các chính sách giảm nghèo về văn hóa, giáo dục, y tế, nhà ở, đất sản xuất, giúp cho hàng nghìn hộ dân, nhất là đồng bào vùng DTTS thoát nghèo, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Cách làm sáng tạo, linh hoạt

Với việc triển khai hàng loạt các Nghị quyết về xây dựng chương trình NTM, cũng như về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh đã giúp hàng nghìn hộ cận nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong đó, giai đoạn 2016 -2020, Quảng Ninh đã chủ động vận dụng cách làm đổi mới, sáng tạo để nâng cao đời sống của đồng bào sinh sống tại địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn thông qua Chương trình 135. Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND phê duyệt đề án "Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 -2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" (Đề án 196). Trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí hơn 1.776 tỷ đồng và hơn 397 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện Đề án 196.

anh-qn-22.jpg
Anh Tằng Dảu Phồng, ở thôn Sông Moóc, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu chăm sóc đàn dê của gia đình

Sau 3 năm thực hiện Đề án 196, đến hết năm 2019, tất cả 22 xã, 11 thôn của tỉnh đã ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành trước kế hoạch 1 năm. Trong đó, toàn tỉnh đã có 475 hộ nghèo tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều từ 4,56% đầu năm 2016 xuống còn dưới 1,06% vào năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 0,7%.

Trao đổi với PV, ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ&TB tỉnh Quảng Ninh cho biết: Có được kết quả này, các cấp chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục lòng tự trọng, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tinh thần phát huy nội lực, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, thay đổi tư duy, nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo không chỉ là ý chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương mà đã trở thành suy nghĩ của hàng trăm hộ cận nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Gia đình anh Tằng Dảu Phồng, ở thôn Sông Moóc, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu nhiều năm về trước là hộ nghèo trong xã, đến nay, gia đình anh Phồng đã có nguồn thu chính từ vườn ươm cây giống, rừng sở và đàn dê cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, đời sống được cải thiện, xây được nhà kiên cố, cuộc sống khấm khá hơn nhiều so với trước đây.

“Nhờ mạnh dạn đầu tư trồng rừng sở, hồi và nuôi đàn dê gần 20 con cho thu nhập mỗi năm khoảng hơn 100 triệu, đã giúp cho gia đình anh Phồng từ một hộ khó khăn vươn lên thành hộ khá giả trong thôn, có được thành quả như hôm nay là nhờ có sự quan tâm của chính quyền, cũng như khuyến khích gia đình trồng rừng, chăn nuôi gà, dê, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, anh Phồng chia sẻ.

Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, đến hết năm 2022, Quảng Ninh cơ bản không còn hộ nghèo, về đích trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

Tạo sinh kế bền vững

Trong những năm qua, để giữ vững mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó chú trọng việc tạo sinh kế bền vững cho những hộ cận nghèo, hộ nghèo theo tiêu chí mới của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ những vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Một trong những chính sách giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả trong thời gian qua là các địa phương đã triển khai cho vay tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế. Trong 2 năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, giúp hàng trăm hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

anh-qn-23.jpg
Ngôi nhà mới khang trang của gia đình bà Nguyễn Thị Nhẫn tại thôn Đông, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, hỗ trợ người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS về nhà ở, đất sản xuất. Qua rà soát toàn tỉnh, năm 2023, tổng số hộ cần hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 246 hộ, với 147 xây mới, 99 sửa chữa, mức hỗ trợ là 80 triệu đồng đối với hộ xây mới và 40 triệu đồng đối với hộ sửa chữa, với ổng kinh phí hỗ trợ là 15,72 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn xã hội hoá.

Ông Đỗ Xuân Điệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cho biết: Việc thực hiện kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Quảng Ninh là chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội lớn của địa phương, thể hiện sự quan tâm của cả hệ thống chính trị nhằm đảm bảo mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, qua đó góp phần thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2023 của Quảng Ninh là "Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân".

Trong giai đoạn 2023- 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở sẽ tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, kinh doanh, tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, với sự tham gia của các hộ nghèo trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu sớm giúp Quảng Ninh hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Phạm Hoạch