Sớm trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển làm cơ sở phát triển điện gió
Đoàn giám sát Chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, kiến nghị, trong năm 2023, trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển hợp lý điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí, công nghệ nhiên liệu hydro,...
Sáng 12/10, tại phiên họp thứ 27, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.
Trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển KT-XH với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí, lọc hoá dầu tiếp tục phát triển, hình thành được một số cơ sở lọc hoá dầu quy mô lớn. Đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn; sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao.
Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm. Đã bước đầu thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước.
Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước. Theo báo cáo của Chính phủ, kịch bản phát triển bình thường với mức tăng trưởng GDP trung bình, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng được dự báo là 113 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 194 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.
Tuy nhiên, vấn đề phát triển năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi…
Đoàn giám sát nhận định, những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh trong giai đoạn mới, Đoàn giám sát kiến nghị UBTVQH ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Theo đó, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay giai đoạn 2024-2025. Cụ thể, tập trung rà soát, trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các VBQPPL khác để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn khi triển khai đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng.
Về thị trường năng lượng, chính sách giá điện, giá than, giá xăng dầu, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.
Về bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư và nguồn vốn thực hiện các dự án năng lượng, Đoàn giám sát kiến nghị rà soát, đánh giá tính khả thi của các dự án nguồn và lưới điện dự kiến thu hút đầu tư hoặc được cam kết đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2030; Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, phát triển, quản lý hệ thống kho, cảng dự trữ xăng dầu tại khu vực Bắc-Trung-Nam để đáp ứng yêu cầu về dự trữ, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Xem xét ban hành chính sách ưu tiên triển khai xây dựng hạ tầng kho cảng nhập khẩu LNG theo hướng phát triển các kho cảng LNG trung tâm có công suất lớn, gần các trung tâm điện lực sử dụng LNG để tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối khí, tối ưu hóa chi phí và giảm giá thành sản xuất điện...
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra và kết luận, xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng; trong năm 2023, làm rõ nguyên nhân gây ra khoản lỗ của các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước phát triển năng lượng trong thời gian vừa qua.
Đoàn giám sát đã kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn (đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng; Huy động nguồn lực trong xã hội, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; Nâng cao năng lực, trình độ khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; Phát triển các nguồn cung năng lượng theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, đảm bảo tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả; Phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; thúc đẩy nhanh xã hội hoá các cơ sở hạ tầng và dịch vụ trong ngành năng lượng; Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển công nghiệp, thiết kế, chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng với mục tiêu nâng cao nội lực, tăng cường tỷ lệ nội địa hoá; Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, chuyển dịch năng lượng công bằng; Chủ động và tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.
Trong đó, việc hoàn thiện phê duyệt các Quy hoạch ngành quốc gia liên quan mật thiết đến lĩnh vực năng lượng. Trong năm 2023 cần trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển hợp lý điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí, công nghệ nhiên liệu hydro,...