Biến đổi khí hậu

Lạng Sơn tuyên truyền về BĐKH: Nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực

Bài và ảnh: Hoàng Nghĩa 12/10/2023 - 10:24

(TN&MT) - Là địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để ứng phó với BĐKH. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về BĐKH luôn là một trong những giải pháp được quan tâm.

Đa dạng hoạt động tuyên truyền

BĐKH đã tác động khiến một số ngành, lĩnh vực ở Lạng Sơn bị tổn thương như: Nông nghiệp, tài nguyên nước, đất, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên và nơi cư trú, nhất là cộng đồng dân cư sống gần khu vực các sông, hồ và miền núi.

img_20230819_174551.jpg
Lạng Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần BVMT, ứng phó BĐKH.

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt 4 dự án ứng phó BĐKH gồm: Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Đánh giá khí hậu tỉnh Lạng Sơn; Tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực thích ứng với BĐKH; Nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH đến lĩnh vực sử dụng năng lượng. Đồng thời, bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện 9 dự án ứng phó BĐKH, tổng nguồn vốn hơn 1.832 tỷ đồng.

Để thích ứng với BĐKH, Lạng Sơn xác định, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó BĐKH, tạo sự thống nhất về nhận thức đến hành động, từ đó, mỗi cá nhân có những hành động phù hợp, góp phần tạo thành thói quen bảo vệ môi trường (BVMT), sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, thời gian qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức toàn xã hội về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.

Từ năm 2022 đến nay, Sở đã tổ chức 3 Hội nghị tập huấn về Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực thích ứng với BĐKH cho các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố. Phát động Phong trào Chống rác thải nhựa, giới thiệu sản phẩm thân thiện môi trường trên địa bàn TP. Lạng Sơn, đồng thời tập huấn, tuyên truyền chống rác thải nhựa cho hơn 100 cán bộ đoàn.

Các cơ quan thông tin đại chúng đã tăng thời lượng, số lượng tin, bài phản ánh các hoạt động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Tập trung tuyên truyền tới các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay hành động BVMT, hạn chế tối đa các ngành và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, hủy hoại cảnh quan, hệ sinh thái, nhất là các khu vực đầu nguồn nước, khu dân cư… làm gia tăng tốc độ BĐKH.

UBND các huyện, thành phố đã quán triệt, tuyên truyền phổ biến đến cơ quan, đơn vị các văn bản chỉ đạo, triển khai của Trung ương, của tỉnh về chủ động ứng phó BĐKH gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của đơn vị tại các cuộc họp, đăng tải trên website, chạy bảng led, treo khẩu hiệu…

Đưa công tác tuyên truyền BVMT, ứng phó BĐKH vào các trường học với mô hình “Trường học - Công viên”, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: Túi ni lông sinh học được làm từ nguồn nguyên liệu hữu cơ (bột bắp, bột mì), túi mây, túi cói, túi giấy. Phối hợp với đơn vị thu gom rác hướng dẫn phân loại rác đầu nguồn, thu gom và tái chế. Trong tuyên truyền, làm rõ sự liên quan giữa BVMT với BĐKH để khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh tích cực tham gia BVMT.

Ứng dụng công nghệ số nâng cao chất lượng tuyên truyền

Theo ông Nguyễn Hữu Trực - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn, công tác tuyên truyền thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó BĐKH thời gian qua đã đem lại kết quả bước đầu. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm xây dựng chủ trương, chính sách cơ bản để phòng ngừa, ứng phó BĐKH, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

screenshot_20220805-171956_chrome.jpg
Hồ chứa nước Bản Lải là công trình trọng điểm, có nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn và lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho TP. Lạng Sơn (Lạng Sơn) và vùng phụ cận.

Nhận thức, ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường của các tổ chức, cá nhân được nâng lên, có những chuyển biến đáng kể, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, BĐKH có tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực đời sống, trong khi, chính sách, pháp luật về ứng phó BĐKH mới bước đầu được hình thành. Hiểu biết, nhận thức về BĐKH chưa đầy đủ, chưa thống nhất về nguy cơ, cách thức ứng phó. Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về BĐKH chủ yếu là kiêm nhiệm; ở cấp tỉnh, Sở TN&MT và trực tiếp là Chi cục BVMT là cơ quan được giao tham mưu thực hiện, hiện đang bố trí 1 biên chế. Các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện, xã chỉ bố trí 1 cán bộ kiêm nhiệm thực hiện.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đa dạng hóa phương thức thông tin, khai thác lợi thế công nghệ số, nâng cao chất lượng truyền thông. Phát huy vai trò, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân tham gia tuyên truyền, vận động, giám sát, nâng cao tính minh bạch, công khai, chủ động ứng phó BĐKH. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác ứng phó BĐKH.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận, triển khai các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trong ứng phó BĐKH. Đồng thời đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, tăng cường thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư nhằm ngăn chặn các công nghệ có tác động xấu đến môi trường…

Bài và ảnh: Hoàng Nghĩa