Môi trường

Nhà khoa học đề xuất xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây

Lan Chi 12/10/2023 - 09:25

(TN&MT) - Hiện nay việc mất ổn định bờ sông dẫn đến sạt lở xảy ra nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây đoạn từ Rạch Góc đến đường Phan Văn Lại, TP. Tân An, tỉnh Long An. Ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, ủy viên Hội đồng Khoa học của Trường Đại học Xây dựng miền Tây, Vĩnh Long đã thực hiện nghiên cứu phân tích, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp công trình chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây.

Cần chủ động phòng ngừa, chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây

Theo nghiên cứu, sông Vàm Cỏ Tây đoạn chảy qua TP. Tân An, tỉnh Long An, lớp bùn có đoạn sâu đến 29 m, là điểm nóng về sạt lở bờ sông, nguyên nhân do địa chất bờ sông yếu, chủ yếu là đất bùn, cường độ chịu lực kém, lưu lượng tàu thuyền lớn, gây xói lở, làm mất ổn định bờ sông.

image003.jpg
Vị trí tuyến kè trên bản đồ tỉnh Long An

Sông Vàm Cỏ Tây từ Rạch Góc đến đường Phan Văn Lại là đoạn sông cong, bờ lõm nên dòng chảy lúc thủy triều lên và xuống dòng chảy hướng mạnh vào bờ, lưu tốc trung bình với dòng triều bình thường 1-1,2 m/s và với mùa lũ lưu tốc tăng lên 1,5-1,8 m/s lớn hơn lưu tốc cho phép xói của đất nền ven bờ. Mái bờ sông khá dốc, dễ mất ổn định khi trong sông hạ thấp đến mực nước nhỏ nhất. Bên cạnh các bến bãi, nhà cửa lấn ra bờ sông làm tăng tải trọng lên mặt bờ có nguy cơ gây mất ổn định.

Để chủ động phòng ngừa, kè phòng, chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây đoạn từ Rạch Góc đến đường Phan Văn Lại, Phường 6, TP. Tân An là thật sự là cần thiết và cấp bách.

Ông Văn Hữu Huệ cho biết: Đoạn sông Vàm Cỏ Tây chảy qua TP. Tân An có chiều dài khoảng 15 km, 5 năm trở lại đây sạt lở xảy ra thường xuyên. Khu vực ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, đoạn sông cong và vùng đất yếu khá dày, chiều dài sạt lở khoảng 500 m.

Hiện nay khu vực đã và đang đầu tư xây dựng 5 tuyến kè dọc theo sông Vàm Cỏ Tây bảo vệ được 6.141 m bờ sông, trong đó 3.395 m bờ trái, 2.746 m bờ phải và một số đơn vị tư nhân đã gia cố kiên cố khoảng 400 m.

Tuy nhiên, khoảng 21,8 km bờ sông Vàm Cỏ Tây trong TP. Tân An chưa được gia cố, đặc biệt có khoảng 4 đoạn bờ lõm sông cong có tổng chiều dài khoảng 5,8 km có nguy cơ sạt lở rất lớn cần được gia cố sớm và khoảng 7,5 km có lớp bùn khá dày 8 - 29 m, khả năng chịu tải kém và rất dễ xảy ra cung trượt sâu.

Phân tích nguyên nhân để đề xuất giải pháp công trình phù hợp

Đánh giá nguyên nhân, nhân tố gây xói lở bờ sông Vàm Cỏ Tây, ông Văn Hữu Huệ cho rằng tương tác giữa dòng chảy và lòng dẫn làm cho lòng dẫn sâu thêm hay cạn đi, lòng sông bị mở rộng hay thu hẹp, nhanh hay chậm, mạnh hay yếu đều phụ thuộc các yếu tố sau: Tất cả các yếu tố tác động vào lòng dẫn hay dòng chảy làm tăng lực gây trượt hay làm giảm lực chống trượt của khối đất, mất cân bằng khối đất mái bờ sông, là hiện tượng trượt hay sụt lở từng mảnh khối đất mái bờ; lưu tốc thực tế lớn hơn vận tốc khởi động của bùn cát cấu tạo lòng dẫn, lưu tốc càng lớn khả năng gây xói mòn lòng dẫn càng lớn.

Dòng chảy hướng vào bờ ảnh hưởng tới cơ chế xói lở, hố xói hình thành hay không hình thành, hình thành ở đâu, mái bờ sông bị xói mặt hay xói chân… sẽ dẫn tới tốc độ xói lở bờ nhanh hay chậm.

image022.png
image024.png
Người dân địa phương gia cố bờ tạm để giảm sạt lở

Hai mùa mưa nắng gây ra chế độ dòng chảy theo hai mùa khác biệt, dòng chảy có lưu tốc, lưu lượng lớn gấp nhiều lần mùa kiệt. Mùa mưa đất bão hòa nước sẽ bị giảm tính chất cơ lý đất bề mặt, gia tăng trọng lượng bản thân tang lực gây trượt. Dòng chảy thủy triều với lưu tốc lớn, gây nên sóng triều, tạo nên các xoáy lớn trong nội bộ dòng chảy.

Lũ càng lớn (diện tích mặt cắt ướt, lưu lượng càng lớn), mực nước lũ càng cao, kéo dài, lưu tốc lũ vượt nhiều lần so với lưu tốc cho phép không xói, bờ sông bị sạt lở, thế sông dịch chuyển, hình thái sông thay đổi theo hướng ngày càng bất lợi; dòng chảy lũ là nguyên nhân chủ yếu gây ra sạt lở bờ sông.

Dòng chảy giảm hàm lượng chất lơ lửng, phân lưu dòng chảy, hạ thấp lòng dẫn kênh chính sẽ hạ thấp lòng dẫn các chi lưu, tàu thuyền neo đậu hay cập bến; chênh lệch đỉnh triều và chân triều cao, co hẹp mặt cắt ướt, khai thác cát.

Bên cạnh đó, sóng là nguyên nhân gây xói lở bờ. Dưới tác động của áp lực sóng (do gió hay tàu thuyền gây ra) mái bờ sông bị phá vỡ kết cấu, các hạt bùn cát của lòng dẫn bị tách rời và dịch chuyển đi nơi khác. Xói lở bờ sông do sóng gió hay sóng tàu gây ra có khối lở bé nhưng diễn ra liên tục nên ảnh hưởng không nhỏ tới xói lở bờ.

Đồng thời, gia tải lên mép bờ sông gây xói lở bờ do: Xây dựng nhà cửa, cơ sở hạ tầng, chất hàng hóa…; lũ xuống triều rút làm tăng trọng lượng khối đất bờ hay giảm áp lực đẩy nổi; mưa làm bão hòa khối đất bờ và phát sinh áp lực thấm…

Đặc biệt, hình thái sông cũng làm ảnh hưởng tới xói lở bờ. Cụ thể, địa hình đáy sông, thế sông khống chế, chi phối và tạo nên kết cấu dòng chảy của mặt cắt ngang sông ảnh hưởng tới xói lở bờ, cũng như toàn bộ dòng chảy; hình dạng đoạn sông ảnh hưởng tới xói lở bờ, đoạn sông cong, dòng chủ lưu tập trung vào bờ lõm sông gây gia tăng khả năng lưu chuyển bùn cát dẫn đến sạt lở.

33-1657687854-theo-chi-cuc-thuy-loi-thuoc-so-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-long-an-tinh-trang-sat-lo-doc-song-tai-tinh-nay-ngay-cang-nghiem-trong-anh-bao-dau-thau.jpg
Theo Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, tình trạng sạt lở dọc sông Vàm Cỏ Tây tại tỉnh này ngày càng nghiêm trọng

Trước tình hình sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây, ông Văn Hữu Huệ đề xuất xây dựng công trình kè phòng, chống sạt lở bờ sông này đoạn từ Rạch Góc đến đường Phan Văn Lại, TP. Tân An có tổng chiều dài toàn tuyến công trình là 1.674 m.

Theo ông, khu vực xây dựng kè nằm trong khu vực TP. Tân An nên yêu cầu thẩm mỹ cao, cần lựa chọn kết cấu kè tường đứng kết hợp mái nghiêng bằng kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực (DUL) hoặc tường chữ L trên nền cọc bê tông cốt thép. Kết cấu kè toàn bộ mái nghiêng sẽ tăng thêm diện tích chiếm đất 1 ha đất ở đô thị và giảm mỹ quan khi đoạn bờ từ đỉnh kè xuống khoảng 3 m nước thường xuyên rút xuống lộ bùn và cây cối mọc lên mái. Do vậy, giải pháp kè tường đứng kết hợp mái nghiêng đồng bộ cho toàn tuyến trong khu vực đã được xây dựng.

Lan Chi