Xã hội

Mở rộng diện tích trồng cây dược liệu tạo sinh kế bền vững

Thanh Tâm 11/10/2023 - 19:26

Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán cây rừng không chỉ bảo tồn và phát triển những dược liệu quý hiếm đang mất dần trong tự nhiên, mà còn tạo ra sinh kế bền vững, giúp đồng bào dân tộc các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa ổn định đời sống giảm nghèo bền vững trong đó có xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Để hiểu rõ hơn về những lợi ích từ trồng cây dược liệu, góp phần ổn định đời sống, tạo sinh kế bền vững cho người dân xã Thành Lâm, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm.

PV: Thưa ông, cơ sở nào để phát triển diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn xã Thành Lâm?

Ông Trịnh Văn Dũng: Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa xác định mô hình trồng cây dược liệu dưới tán cây rừng là “đòn bẩy” để thúc đẩy kinh tế của bà con tại một số huyện miền núi Thanh Hóa, trong đó có xã Thành Lâm, từ đó thay đổi thói quen canh tác du canh du cư, hiệu quả thấp chuyển dần sang trồng cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngày 11/12/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 4079/QĐ-UBND phê duyệt đề án: “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2025”.

Với quan điểm, phát triển mô hình cần chú trọng dựa trên tiềm năng tri thức bản địa của người dân khu vực miền núi, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm đặc sản, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao; Phát triển các mô hình cây trồng, dược liệu gắn với phát triển du lịch nhằm gia tăng giá trị sản xuất và cung ứng sản phẩm du lịch mới.

a3(3).jpg
Đề án phát triển cây dược liệu đã tạo sinh kế ổn định cho người dân các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa

Đề án dự kiến phát huy được 33 đối tượng mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, tạo sinh kế, việc làm cho khoảng 3.000 hộ gia đình khu vực miền núi của tỉnh; xây dựng thương hiệu và công nhận từ 11 sản phẩm OCOP trở lên. Chính đề án: “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2025” là tiền đề để xã Thành Lâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó ưu tiên phát triển cây dược liệu góp phần tăng thu nhập tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Một số xã thuộc vùng đệm của khu sinh thái Pù Luông huyện Bá Thước, trước đây bà con chủ yếu trồng sắn và ngô, năng xuất thấp. Từ khi được hướng dẫn chuyển đất vườn tạp năng xuất thấp sang trồng cây dược liệu như xạ đen, hoàng ngọc, bạc hà, cà gai leo… Sau một thời gian trồng thử nghiệm, nhận thấy cây dược liệu sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng xuất cao nên địa phương đã tích cực chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích vườn dược liệu.

PV: Thưa ông, việc phát triển cây dược liệu có những lợi thế như thế nào?

Ông Trịnh Văn Dũng: Để bảo tồn và phát triển các loại dược liệu quý, đa dạng hệ sinh thái, Ban quản lý Khu BTTN Pù Luông đã triển khai một số dự án, đề tài khoa học, như: Đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loài cây thuốc quý hiếm bảy lá một hoa”, Dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ khoa học. kỹ thuật xây dựng mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ các loài dược liệu Giảo cổ lam, Hà thủ ô đỏ, Đẳng sâm Việt Nam tại hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa (2016-2020); Đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thử nghiệm loài dược liệu La hán quả tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông”.

Đặc biệt, tại khu bảo tồn Pù Luông có cây Sói rừng, một trong những dược liệu quý hiếm của người Thái. Cây sói rừng là loài dược liệu quý, được y dược hiện đại chứng minh có nhiều tác dụng dược lý như làm thuốc trị cảm cúm, ho lao, thuốc viêm não B truyền nhiễm, lỵ trực tràng, viêm ruột thừa cấp tính…

a1(3).jpg
Trồng cây dược liệu góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Thành Lâm

Để bảo tồn và phát triển loại dược liệu này, tháng 7/2021, Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP - GEF), Viện Môi trường và Phát triển bền vững (VESDI) phối hợp với UBND huyện Bá Thước tổ chức thực hiện Dự án "Hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển bền vững cây Sói rừng để cải thiện sinh kế và tăng cường sức khỏe miễn dịch ở cộng đồng người Thái tại xã Thành Lâm”. Mục tiêu của dự án là xây dựng vườn cây giống gốc Sói rừng năng suất, chất lượng từ 3.000 cây 3 - 4 năm tuổi, với diện tích trồng 0,25 ha. Đến nay, dự án đã thu hút hơn 100 hộ dân trồng trong vườn nhà, vườn rừng, với diện tích khoảng 72 ha.

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về hiệu quả của dự án trồng cây dược liệu của địa phương?

Ông Trịnh Văn Dũng: Dự án hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển bền vững cây Sói rừng để cải thiện sinh kế và tăng cường sức khỏe miễn dịch cộng đồng người Thái, xã Thành Lâm không chỉ giúp địa phương bảo tồn được loài cây thuốc bản địa, mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con, bởi cây Sói rừng cho giá trị kinh tế cao. Địa phương đang phấn đấu đưa nhiều hơn sản phẩm từ cây Sói rừng ra thị trường, không chỉ ở dạng sấy khô mà phải được chế biến một cách hoàn chỉnh, có như vậy sản phẩm mới khẳng định được thương hiệu và mang lại giá trị kinh tế cao.

a2(4).jpg
Nhiều hộ dân ở xã Thành Lâm vươn lên thoát nghèo từ cây dược liệu

Việc phát triển cây dược liệu không chỉ bảo vệ sự cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, mà còn góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, phát huy được tiềm năng lao động, đất đai, truyền thống và nguồn cây thuốc thế mạnh, làm nguyên liệu cho công nghiệp chiết xuất, chế biến dược liệu, hướng đến xuất khẩu, từ đó làm cơ sở quan trọng để góp phần xóa đói giảm nghèo ở khu vực miền núi.

Xin trân trọn cảm ơn ông!

Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 641 nghìn ha đất có rừng, trong đó 393 nghìn ha rừng tự nhiên với 529 loài dược liệu bản địa. Trong 5 năm qua, khu vực miền núi Thanh Hóa đã xây dựng được 16 mô hình dược liệu dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng, trong đó tập trung vào các loại dược liệu bản địa có giá trị kinh tế cao như: lan kim tuyến, ba kích, sa nhân, cát sâm, bảy lá một hoa, khôi tía,… Nhìn chung các loại dược liệu dưới tán rừng đều sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng tương đương sản phẩm thu hái từ tự nhiên. Trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và nhân rộng các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đã thành công, giúp người dân đa dạng sinh kế thoát nghèo bền vững.

Thanh Tâm