Biến đổi khí hậu

Chuyên gia Khí tượng nông nghiệp nói về đẩy nhanh phát triển kinh tế các-bon thấp

Hoài Thu (thực hiện) 10/10/2023 - 16:50

(TN&MT) - Nhằm xây dựng và phát triển nền kinh tế các bon thấp, hướng đến phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, ưu tiên các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đăng Mậu - Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Nông nghiệp - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết bối cảnh hiện nay của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) như thế nào?

TS. Nguyễn Đăng Mậu: Theo Báo cáo “Kịch bản BĐKH” được Bộ TN&MT công bố năm 2022 cho thấy rõ, những biểu hiện của BĐKH ở Việt Nam khá nghiêm trọng như việc gia tăng nhanh của nhiệt độ, tính chất mùa vụ thay đổi, gia tăng các hiện tượng cực đoan, mực nước biển dâng; xu thế này cũng được dự báo tiếp tục diễn ra nhanh và phức tạp hơn trong thế kỷ XXI.

z4769775787516_efbd482267366e9e8dbb920f27651da7.jpg
TS. Nguyễn Đăng Mậu - Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Nông nghiệp - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

BĐKH cũng đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội, môi trường, sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Kết quả kiểm kê khí nhà kính (KNK) cho thấy, phát thải KNK tại Việt Nam có xu thế gia tăng nhanh trong những năm qua: 150,9 triệu tấn CO2 (2000), 252,6 triệu tấn CO2 (2010), 283,96 triệu tấn CO2 (2014), 316,7 triệu tấn CO2 (2016) và 438,11 triệu tấn CO2 (2019).

Do những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH tác động đến xã hội hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Cùng Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng phát triển năng lượng.

Đặc biệt, hoạt động ứng phó với BĐKH có những chuyển biến rõ nét bắt đầu từ năm 2008 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 về việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.

Sau đó Chiến lược quốc gia về BĐKH được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5/12/2011 và Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH tại Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 5/10/2012.

Năm 2015 tại Hội nghị COP21, Việt Nam cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Tiếp đó là Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh (tại Quyết định 1670/QĐ-TTg NGÀY 31/10/2017), 2 Chương trình KHCN cấp Nhà nước về BĐKH, Chương trình SP-RCC, đặc biệt là các hoạt động hợp tác quốc tế về BĐKH được phát triển mạnh mẽ.

Năm 2021 tại Hội nghị COP26, Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 và đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã cam kết thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững đến 2030 với 17 mục tiêu (SDGs), Khung hành động toàn cầu Sendai, Nghị định Montreal, Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất, Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch than sang năng lượng sạch và một số thành phố tham gia vào mạng lưới đô thị thông minh thích ứng với BĐKH.

Nhiều văn bản luật và cơ chế chính sách liên quan đến BĐKH đã được xây dựng và sửa đổi như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đất đai (2013), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Khí tượng thủy văn (2015),…

2504_thucdaynangluongsach.jpeg
Thúc đẩy năng lượng tái tạo thay thế nguồn năng lượng hoá thạch

Sau Hội nghị COP26, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động, đề án để triển khai thực hiện cam kết.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng về BĐKH, như: Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn; Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH;... nhằm thực hiện giảm phát thải KNK, thích ứng với BĐKH trong phạm vi quản lý.

Nhìn chung, hoạt động ứng phó với BĐKH của Việt Nam có thể được phân định thành các giai đoạn như sau: Giai đoạn 2010- 2015, tập trung vào việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ cấp bách được phê duyệt trong Chiến lược và Kế hoạch;

Giai đoạn 2015-2020, triển khai các hoạt động thích ứng; các hoạt động giảm phát thải KNK được quan tâm hơn, Việt Nam tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH tại COP21 (2015); Giai đoạn sau năm 2021, việc tham gia sâu rộng các cam kết quốc tế về BĐKH, với trọng tâm ưu tiên nhiều giải pháp giảm phát thải KNK, phát triển kinh tế các-bon thấp bền vững.

PV: Vậy, những điều kiện quan trọng nào để Việt Nam thực hiện hiệu quả việc chuyển hướng sang phát triển nền kinh tế các-bon thấp thưa ông?

TS. Nguyễn Đăng Mậu: Chuyển hướng sang phát triển nền kinh tế các-bon thấp (low-carbon development) là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp và nỗ lực từ nhiều phía khác nhau. Việt Nam cần có một chiến lược toàn diện và bền vững để đảm bảo rằng chuyển đổi này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế và môi trường. Việc chuyển hướng phát triển nền kinh tế của Việt Nam theo hướng các-bon thấp đòi hỏi sự cam kết và thực hiện các biện pháp cụ thể trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong bối cảnh hiện nay, một số vấn đề cần được quan tâm như: Tăng cường thực hiện các cam kết chính trị; Tăng cường nâng cao hiểu biết và nâng cao nhận thức, công chúng cần được giáo dục về tác động của BĐKH và lợi ích của phát triển các-bon thấp. Điều này có thể thúc đẩy ý thức về việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng sạch; Nâng cao năng lực khoa học và công nghệ; Thúc đẩy năng lượng tái tạo như năng lượng điện gió, điện mặt trời, thủy điện, và năng lượng sinh học để giảm phát thải KNK từ nguồn năng lượng hóa thạch.

net-zero.png
Việt Nam đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế các-bon thấp

Cần tăng cường hiệu quả năng lượng; Quản lý sử dụng đất và rừng bền vững; Thành lập các chính sách, quy định và công cụ tài chính để thúc đẩy phát triển nền kinh tế cacbon thấp và đánh thuế hoặc hạn chế KNK; Hợp tác với cộng đồng quốc tế và tham gia vào các hiệp định về BĐKH và môi trường để nhận được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các đối tác quốc tế; Thực hiện các hệ thống giám sát và đánh giá để theo dõi tiến trình và đo lường hiệu quả của các biện pháp chuyển hướng; Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư vào các dự án các-bon thấp và khuyến khích phát triển các nguồn tài trợ từ khối tư nhân.

PV: Vậy xin ômg cho biết các hoạt động ứng phó với BĐKH cần ưu tiên nhằm hướng tới phát triển các-bon thấp và hướng tới đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam là gì?

TS. Nguyễn Đăng Mậu: Để hướng tới phát triển bền vững, cacbon thấp và đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cần có sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ về BĐKH đã được đề cập đến trong NDC (2022) và Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Trong đó, một số vấn đề quan trọng cần được ưu tiên, cần tăng cường hệ thống cảnh báo và ứng phó với BĐKH, xây dựng và củng cố hệ thống cảnh báo và ứng phó với BĐKH để đối phó với hiện tượng thiên tai, ngập lụt, và nhiệt đới hóa. Điều này bao gồm việc đầu tư vào hạ tầng, cảnh báo sớm và kế hoạch ứng phó; Nâng cao năng lực ứng phó và phục hồi sau thiên tai, đảm bảo rằng các cơ quan và tổ chức có năng lực ứng phó với tình huống thiên tai, bao gồm kế hoạch sơ tán, truyền thông khẩn cấp và dự phòng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phục hồi sau thiên tai để khắc phục thiệt hại và tái thiết kinh tế.

Ngoài ra, tôi cho rằng chúng ta cũng cần bảo vệ và quản lý tài nguyên nước; Khuyến khích năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng; Xây dựng và cải thiện giao thông công cộng; Tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu và phát triển công nghệ sạch; Giáo dục và nâng cao nhận thức trong việc tăng cường giáo dục và nhận thức về BĐKH trong cộng đồng để thúc đẩy hành vi thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng; Hợp tác quốc tế; Quản lý sử dụng đất và rừng bền vững và thực hiện cam kết giảm phát thải KNK, đảm bảo thực hiện cam kết giảm phát thải KNK theo lộ trình đến năm 2050 mà không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Thu (thực hiện)