Cơ sở dữ liệu đất đai góp phần đưa Sơn La phát triển bền vững
(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung các nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai tại 8/12 huyện, thành phố; vận hành CSDL đất đai của 12/12 huyện, thành phố trên 2 phần mềm VBDLIS và Vilis.
Để làm rõ hơn những kết quả trong công tác xây dựng, vận hành CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La.
PV: Xin ông cho biết kết quả xây dựng, vận hành CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại?
Ông Nguyễn Tiến Dương: Sơn La là một trong những tỉnh đi đầu trong thực hiện Dự án tăng cường quản lý đất đai và CSDL đất đai với 8/12 huyện, thành phố đã hoàn thành xây dựng CSDL. Trong đó, 6/8 huyện thực hiện theo Dự án Tăng cường quản lý đất đai và CSDL đất đai (Dự án VILG); 3/8 huyện, thành phố thực hiện theo Dự án Đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và xây dựng CSDL đất đai (Dự án tổng thể). Riêng huyện Mai Sơn thực hiện đồng thời cả 2 dự án, với 8/22 xã, thị trấn thực hiện Dự án tổng thể, 14/22 xã thực hiện Dự án VILG. Còn 4 huyện chưa được đầu tư xây dựng CSDL đất đai gồm: Bắc Yên, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Sốp Cộp.
Hiện nay, Sơn La đang vận hành CSDL đất đai của 11/12 huyện, thành phố trên phần mềm VBDLIS. Riêng huyện Mường La, thành phố Sơn La xây dựng CSDL trên phần mềm Vilis, đồng thời, được chuyển đổi vận hành trên phần mềm VBDLIS. Các huyện chưa được đầu tư xây dựng CSDL, Sở đã chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện chủ động cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm VBDLIS trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính hàng ngày của đơn vị. Hoàn thành kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối liên thông hệ thống CSDL đất đai với cơ quan Thuế.
PV: Để vận hành CSDL đất đai ổn định, hiệu quả, Sở TN&MT đã triển khai những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dương: CSDL đất đai được quản lý và vận hành theo mô hình tập trung, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Sở TN&MT đã chủ động tham mưu, đẩy mạnh xây dựng, khai thác CSDL đất đai, cấp tài khoản và phân quyền quản trị hệ thống thông tin đất đai cho các phòng, đơn vị trực thuộc Sở, hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai và Phòng TN&MT các huyện, thành phố.
Giao Văn phòng Đăng ký đất đai có trách nhiệm cập nhật CSDL địa chính, CSDL thống kê, kiểm kê đất đai; vận hành CSDL địa chính theo quy định hiện hành. Tăng cường giám sát việc vận hành, cập nhật CSDL đất đai trên hệ thống phần mềm VBDLIS. Văn phòng Đăng ký đất đai đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống hướng dẫn viên chức các Chi nhánh Văn phòng về kỹ năng vận hành, cập nhật CSDL đất đai; kịp thời xử lý khó khăn vướng mắc trong quá trình vận hành, cập nhật.
Đồng thời, tập trung số hóa hồ sơ, tài liệu lưu trữ phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số ngành TN&MT. Tổ chức tập huấn các giải pháp chuyển đổi số ngành TN&MT, bao gồm các giải pháp về quản lý, vận hành khai thác CSDL đất đai. Thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống thông tin đất đai hoạt động ổn định, liên tục.
PV: Thưa ông, việc xây dựng, vận hành CSDL đất đai đã tác động như thế nào đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, phát triển kinh tế - xã hội địa phương?
Ông Nguyễn Tiến Dương: Xây dựng, vận hành CSDL đất đai được coi là bước đi quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số ngành TN&MT, tạo nền tảng dữ liệu phục vụ triển khai, vận hành Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Nâng cao chất lượng trong quá trình ra quyết định và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai tại địa phương.
Đặc biệt, CSDL đất đai có vai trò quan trọng trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, là cơ sở để xây dựng phương án sử dụng đất hợp lý, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Sơn La đã triển khai chia sẻ dữ liệu về thống kê đất đai, bản đồ quy hoạch sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ lên Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh (IOC). Qua đó, giúp lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban ngành có thể theo dõi, quản lý hiệu quả về lĩnh vực TN&MT.
Việc hoàn thành xây dựng CSDL đất đai còn góp phần đảm bảo hệ thống dữ liệu chính xác, an toàn, thông suốt giữa các cấp quản lý. Cung cấp một kênh truy cập thông tin tập trung và đồng nhất, tránh xảy ra các sai sót trong việc quản lý dữ liệu nguồn. Từ đó, các tổ chức, cá nhân được tiếp cận nhanh chóng, chính xác thông tin về đất đai (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất).
PV: Thời gian tới, Sở TN&MT đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào để nâng cao hiệu quả vận hành CSDL đất đai, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dương:
Sở TN&MT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống CSDL đồng bộ về tài nguyên và môi trường. Ban hành Quy chế quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác và sử dụng CSDL đất đai tỉnh Sơn La.
Đồng thời, triển khai rà soát, đánh giá, xác định thủ tục hành chính phù hợp triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và công bố danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai trực tuyến để giảm thiểu việc đi lại của tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt, hiện nay, Sở TN&MT đang lập Thiết kế kỹ thuật - Dự toán đo đạc, lập bản đồ địa chính và xây dựng CSDL trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, Sốp Cộp; xây dựng bổ sung CSDL đất đai huyện Yên Châu.
Đôn đốc huyện Thuận Châu, Bắc Yên chủ động khảo sát, lập Thiết kế kỹ thuật - Dự toán đo đạc, lập bản đồ địa chính và xây dựng CSDL đất đai. Qua đó, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng CSDL số và hệ thống thông tin về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!