Biến đổi khí hậu

Lấy ý kiến dự thảo Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn

Nguyễn Thanh 06/10/2023 15:13

(TN&MT) - Ngày 6/10, tại TP.HCM, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh phía Nam, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động liên quan đến chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

tuan-quang.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Việc bảo vệ tầng ô-dôn, giảm phát thải khí nhà kính đang là nhiệm vụ cấp thiết của toàn thế giới. Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được phê chuẩn thông qua năm 1987 và hiện có 198 quốc gia phê chuẩn tham gia. Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1994 đã quyết định lấy ngày 16/9 hằng năm là “Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn”.

Trong gần 4 thập kỷ qua, Nghị định thư Montreal được xem là công cụ hiệu quả và sẽ tiếp tục bảo vệ sức khỏe con người, thiên nhiên và khí hậu trên quy mô toàn cầu. Đến nay, 99% các chất làm suy giảm tầng ô-dôn đã được loại bỏ hoàn toàn. Việt Nam là quốc gia thành viên của Nghị định thư Montreal từ năm 1994 và phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal năm 2019.

Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên đối với Nghị định thư Montreal; Bản sửa đổi, bổ sung Kigali nhằm bảo vệ tầng ô-dôn, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC) đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

toan-canh-hoi-thao.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Đồng thời, Việt Nam còn cụ thể hóa nhiệm vụ bảo vệ tầng ô-dôn bằng các các công cụ pháp lý: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có một điều quy định về bảo vệ tầng ô-dôn (Điều 92); Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022…

Ông Nguyễn Tuấn Quang cũng cho biết: Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC; hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng). Trong giai đoạn 2020 - 2025, Việt Nam phấn đấu loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất hydrochlorofluorocarbons (HCFC), lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, dự kiến sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đã thực hiện theo lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC giai đoạn 2024-2029 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045. Trong giai đoạn 2024-2030, Việt Nam sẽ đẩy mạnh triển khai Kế hoạch quốc gia quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT, Cục Biến đổi khí hậu đã xây dựng Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Kế hoạch quốc gia phải đảm bảo phù hợp cam kết quốc tế; phù hợp điều kiện thực hiện quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát ở Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Nguyễn Tuấn Quang cho hay, việc xây dựng dự thảo Kế hoạch được bắt đầu triển khai từ 2022, trải qua nhiều ý kiến tham khảo các chuyên gia trong nước và quốc tế; thực hiện các buổi khảo sát tại các quốc gia phát triển và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này; đồng thời, có văn bản chính thức gửi Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến.

Theo dự thảo Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, mục tiêu chung đến năm 2045, các chất được kiểm soát sẽ được quản lý hiệu quả và loại trừ dần theo lộ trình thông qua việc chuyển đổi sang công nghệ sử dụng các chất có giá trị GWP thấp hoặc bằng “0”, phấn đấu đạt mục tiêu giảm phát thải 11,2 triệu tấn CO2tđ.

chup-anh-luu-niem(1).jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, việc thực hiện Kế hoạch quốc gia vừa đảm bảo thực hiện các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, đồng thời phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, việc thực hiện không làm khó doanh nghiệp, phải tạo ra cơ hội để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng các chất thay thế nhằm đạt hiệu quả năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Tại Hội thảo, các đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia và các doanh nghiệp đã góp ý cụ thể đối với các nội dung của dự thảo Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát; đồng thời, các đại biểu cũng đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ đối với các vướng mắc, các nội dung chưa được làm rõ... trong dự thảo Kế hoạch quốc gia này.

Theo đại diện lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu, sau Hội thảo tham vấn ngày hôm nay, dự thảo Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát cũng sẽ tiếp tục được lấy ý kiến, hoàn thiện để sớm trình Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT xem xét trước khi trình Chính phủ.

Nguyễn Thanh