Môi trường

Yên Bái sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên để phát triển bền vững

Thanh Ngà 05/10/2023 - 15:03

(TN&MT) - Quan điểm của tỉnh Yên Bái không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Xác định sử dụng nguồn tài nguyên phải hợp lý, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường. Đó là trao đổi của ông Hồ Đức Hợp – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái với phóng viên Báo TN&MT.

ong-ho-duc-hop-giam-doc-so-tn-mt-tinh-yen-bai(1).jpg
Ông Hồ Đức Hợp – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái

PV: Thưa ông! Xin ông cho biết quan điểm của tỉnh Yên Bái trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường trong thời gian qua!

Ông Hồ Đức Hợp: Theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái, nhiệm kỳ 2021-2025 đã đưa ra quan điểm phát triển xanh - hài hòa - bản sắc - hạnh phúc. Định hướng phát triển hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Theo đó, phát triển kinh tế phải gắn chặt với quản lý TN&MT. Từ đó, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu những tác động xấu từ phát triển kinh tế đến môi trường, giữ cho chất lượng môi trường sống của người dân luôn được đảm bảo. Đồng thời, phát huy những thành quả mà phát triển kinh tế tạo ra, mang lại giá trị tích cực và tiến bộ cho xã hội; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu vật chất, văn hóa, tinh thần, sức khỏe cho người dân.

Để thực hiện theo định hướng đó cần nhiều yếu tố với sự tham gia nỗ lực của các cấp, các ngành, lĩnh vực, trong đó công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường có vai trò rất quan trọng.

PV: Vậy xin ông cho biết rõ hơn về mục tiêu và nhiệm vụ trong nhiệm kỳ này?

Ông Hồ Đức Hợp: Mục tiêu, nhiệm vụ được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái, nhiệm kỳ 2021-2025 đặt ra là bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý chặt chẽ và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

a2.jpg
Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt trên 93%, nông thôn đạt trên 50%.

Các mục tiêu chủ yếu đến năm 2025: Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt trên 93%, nông thôn đạt trên 50%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt trên 91%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 98% và tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%.

PV: Để đạt được mục tiêu đó Sở TN&MT đã và đang có kế hoạch như thế nào?

Ông Hồ Đức Hợp: Sở tập trung thực hiện và tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành đầy đủ, phù hợp với thực tiễn của địa phương về các Văn bản quy phạm pháp luật theo phân cấp được giao trong Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đo đạc và Bản đồ, Luật Bảo vệ môi trường cũng như ban hành các Nghị quyết chuyên đề, Đề án, Dự án...nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và quản lý chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả TN&MT. Từ đó, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Với phương châm phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp.

Sau nửa nhiệm kỳ đã đạt được kết quả: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, vận chuyển, xử lý là 88,8%, đạt 95,5% mục tiêu Nghị quyết Đại hội; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, vận chuyển, xử lý là 33,7%, đạt 67,4%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý là 50%, đạt 50%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung là 88%, đạt 96,7%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 93%, đạt 94,89; tỷ lệ che phủ rừng duy trì 63%, đạt 96,9%.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, xếp hạng công tác bảo vệ môi trường tỉnh Yên Bái trong Bảng xếp hạng quốc gia đã được cải thiện từ loại trung bình năm 2020 lên loại khá năm 2021 (năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa công bố kết quả đánh giá). Với kết quả đó đã góp phần tích cực nâng cao sự hài lòng của người dân về môi trường sống, qua đó nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái.

PV: Vậy trong thời gian tới, Sở có giải pháp ra sao để hoàn thành chỉ tiêu Đại hội đã đề ra? Thưa ông!

Ông Hồ Đức Hợp: Cũng phải nhìn nhận thực tế rằng do tỉnh Yên Bái là tỉnh miền núi, nguồn vốn hạn chế (bị thụ động), việc tạo hành lang pháp lý mời gọi Nhà đầu tư chưa được cụ thể trong khi đó đặc điểm dân cư nông thôn tỉnh Yên Bái phân tán, giao thông đi lại khó khăn, hiệu quả đầu tư thấp dẫn đến Nhà đầu tư ít quan tâm, việc đầu tư các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị và các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm được triển khai, chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ theo kế hoạch được giao.

Một số tác động từ các lĩnh vực khác làm ảnh hưởng đến môi trường như: Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa nghiêm, chưa đúng quy định; một vài nơi còn diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng (lũ quét, sạt lở đất...).

Chính quyền địa phương một số nơi còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường; ý thức tự giác và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến vi phạm; việc xử lý vi phạm chưa quyết liệt.

Từ kết quả và tồn tại, hạn chế nêu trên để đến năm 2025 hoàn thành chỉ tiêu Đại hội đề ra, tỉnh Yên Bái cần quan tâm bố trí nguồn lực cũng như sự vào cuộc và giải pháp mạnh mẽ của các Sở, ngành, địa phương.

Trong thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục thực hiện tốt các nội dung giải pháp trong Nghị quyết, các chương trình hành động…Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác giám sát môi trường thông qua chuyển đổi số, công nghệ thông tin.

Cùng với đó, thẩm định chặt chẽ các dự án trước khi cấp chủ trương đầu tư. Chỉ cấp chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư sử dụng công nghệ mới hiện đại, thân thiện với môi trường và có hiệu quả kinh tế. Quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên, trước mắt từ nay đến năm 2025 thực hiện hoàn thành đầu tư 15 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch. Trong đó, có 14 lò đốt từ ngân sách nhà nước và một lò đốt bằng nguồn vốn xã hội hóa; hoàn thành đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp theo yêu cầu bắt buộc của Luật Bảo vệ môi trường.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Ngà