Môi trường

Tăng cường đối thoại với cộng đồng để bảo tồn đa dạng sinh học

Khánh Ly (thực hiện) 05/10/2023 - 13:55

(TN&MT) - Việt Nam là một trong 8 quốc gia đang triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học với sự hỗ trợ từ Mạng lưới đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (BES-Net). Mạng lưới do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Trung tâm Giám sát Bảo tồn Thế giới trực thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP-WCMC) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đồng khởi xướng, nhằm xúc tiến việc chuyển đổi các kết quả nghiên cứu, bằng chứng khoa học mới nhất thành các giải pháp cụ thể.

kk_cd04_316_du_lich_sinh_thai_tram_chim_h_dung_637106109388827377_501052057_505290745.jpg
Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp)

Tại Hội nghị “Đối thoại ba bên trong khuôn khổ Quỹ Giải pháp về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái 2023: Thúc đẩy hành động vì đa dạng sinh học và hệ sinh thái” đang diễn ra tại Việt Nam, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường - UNDP Việt Nam để hiểu rõ hơn về các giải pháp này.

z4754651172279_d2f5ebd53a6ab1ac2cba7215539d44e4.jpg
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường - UNDP Việt Nam

PV: Điểm nổi bật trong sự kiện lần này là đối thoại ba bên giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và nhà hoạt động thực tiễn. Nét mới của phương pháp đối thoại trên là gì, thưa ông?

Ông Đào Xuân Lai: Đối thoại 3 bên trong khuôn khổ sáng kiến BES-Net là sự trao đổi ba chiều giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn. Mục tiêu nhằm phát hiện và xây dựng các ưu tiên về chính sách quan trọng ở cấp quốc gia và khu vực.

Phương pháp này độc đáo ở chỗ thu hút sự tham gia của các nhà hoạt động thực tiễn một cách có chủ đích – bao gồm thành viên của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, khu vực tư nhân, đoàn thể và các nhóm cộng đồng bản địa. Họ vốn ít tham gia vào việc xây dựng chính sách, nhưng lại là tác nhân thay đổi ở địa phương khi thực hiện giải pháp từ dưới lên trong các vấn đề về bảo tồn thiên nhiên.

Quỹ Giải pháp về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (Quỹ giải pháp BES) cung cấp các hỗ trợ mang tính xúc tác, nhằm triển khai các sáng kiến về bảo tồn đa dạng sinh học tại cấp cơ sở và địa phương. 8 quốc gia thành viên của Quỹ bao gồm: Cameroon, Colombia, Ethiopia, Kazakhstan, Kenya, Nigeria, Trinidad và Tobago, và Việt Nam.

Đây là Hội nghị đánh dấu việc lần đầu tiên đại diện từ tất cả các quốc gia hưởng lợi từ Quỹ Giải pháp BES cùng họp mặt trực tiếp. 8 quốc gia cùng thảo luận chi tiết về những thách thức, cơ hội trong bảo tồn đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, hướng tới các giải pháp thực tế toàn diện và thực chất hơn trong tương lai. Đối thoại lần này nhấn mạnh sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, các cá nhân, cộng đồng nắm giữ kiến thức truyền thống, các nhóm dân tộc bản địa, những người thúc đẩy vai trò giới trẻ và vấn đề giới.

Chúng tôi hi vọng, tại sự kiện lần này, các đại diện từ Việt Nam có thể học hỏi thêm kinh nghiệm tốt của thế giới trong việc tăng cường cơ chế đối thoại hiệu quả cả trong nước lẫn khu vực, thúc đẩy hơn nữa các sáng kiến về bảo tồn.

dsc06829-1-.jpg
Từ ngày 4-6/10, các đại biểu đến từ 8 quốc gia sẽ tham dự Đối thoại ba bên trong khuôn khổ Quỹ Giải pháp về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái 2023 tại Hà Nội

PV: Quỹ giải pháp BES đã có những hỗ trợ gì cho các quốc gia về đa dạng sinh học, thưa ông?

Ông Đào Xuân Lai: Các sáng kiến và giải pháp trong khuôn khổ Quỹ giải pháp BES được thiết kế dựa trên các kết quả, khuyến nghị từ Đánh giá hệ sinh thái quốc gia (NEA) do BES-Net hỗ trợ trong giai đoạn trước đó.

Tại Việt Nam, UNDP và Bộ TN&MT đã thực hiện nghiên cứu cơ sở về Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và biển. Đây là cơ sở triển khai xây dựng Đề án Chi trả dịch vụ hệ sinh thái cho Vườn quốc gia Tràm Chim trong thời gian tới, thúc đẩy việc thực hiện cơ chế Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Với các quốc gia khác, Quỹ đang thử nghiệm các kỹ thuật phục hồi đất thân thiện với côn trùng thụ phấn ở Kazakhstan; nâng cao năng lực về kỹ thuật chụp ảnh cận cảnh, quản lý ong không đốt, cho dơi thụ phấn, thiết kế vườn thụ phấn ở Trinidad và Tobago; cũng như các hoạt động phục hồi đất đai và quản lý đất bền vững có mục tiêu khác ở Cameroon, Kenya và Malawi.

z4754743316770_ffa21ca28b7c58364ad0d1f95cc15317.jpg
Tại Việt Nam, UNDP và Bộ TN&MT đang cùng triển khai xây dựng Đề án Chi trả dịch vụ hệ sinh thái cho Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Hiếu Minh Vũ

PV: Trước các thách thức về môi trường và đa dạng sinh học, những nỗ lực hợp tác như BES-Net có vai trò quan trọng như thế nào trong việc tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái trên toàn thế giới và Việt Nam, thưa ông?

Ông Đào Xuân Lai: Trong thời điểm hiện nay, đa dạng sinh học của thế giới đang bị suy giảm với tốc độ chưa từng thấy. Nguyên nhân chủ yếu là từ hoạt động phát triển không bền vững, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Những sáng kiến như BES-Net đã ra đời vào đúng thời điểm thế giới có nhu cầu cấp thiết phải đạt được các cam kết đầy tham vọng của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal 2022 (GBF). Chỉ còn 7 năm nữa là đến năm 2030 – thời điểm thế giới để phải đạt được những kết quả rõ ràng về ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học, đồng thời, chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Các yêu cầu về cải thiện khung thể chế cho bảo tồn, tăng cường dòng tài chính đa dạng sinh học, cũng như tăng cường năng lực cho chính phủ, cộng đồng, người dân trong quản lý bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái vẫn tiếp tục là các mục tiêu ưu tiên của thế giới và Việt Nam.

BES-Net nhắm mục tiêu cụ thể về tăng cường năng lực cho các bên liên quan thông qua cơ chế Đối thoại 3 bên, từ đó, xây dựng chính sách và huy động dòng tài chính cho đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, chúng ta thường gặp khó khăn trong việc biến các chiến lược ở cấp vĩ mô thành các giải pháp khả thi tại địa phương. Chính vì vậy, Quỹ giải pháp BES trong khuôn khổ sáng kiến BES-Net thúc đẩy các hành động thực tiễn khả thi dựa trên kiến thức khoa học, bản địa và địa phương về thiên nhiên.

PV: Chi trả dịch vụ hệ sinh thái là một khía cạnh quan trọng của Dự án BES-Net. Ông có thể chia sẻ về cách thức triển khai DVHST tại Việt Nam và tác động của nó đến bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái?

Ông Đào Xuân Lai: Một ví dụ về chi trả dịch vụ hệ sinh thái là dịch vụ môi trường rừng. Tính riêng giai đoạn 2011 – 2020, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng trên cả nước đã đạt gần 729 triệu USD. Số tiền này dùng để chi trả cho 250.000 hộ gia đình và 10.000 cộng đồng trực tiếp tham gia công tác bảo vệ các hệ sinh thái rừng. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi của Việt Nam năm 2020 đã thiết lập cơ sở pháp lý cho các chính sách về chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước, tạo cơ sở cho các hỗ trợ để hiện thực hóa chính sách này ở cấp địa phương và cấp cơ sở.

Trong những năm qua, mặc dù chính phủ đã và đang dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng, nhưng các khoản trợ cấp của chính phủ vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu. Ngân sách nhà nước gần như mới chỉ giúp chi trả các chi phí thường xuyên cho việc vận hành bộ máy nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học, từ cấp trung ương tới địa phương, các vườn quốc gia, khu bảo tồn... và còn thiếu các nguồn lực đầu tư đáng kể.

Vì vậy, cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, cụ thể là cho hệ sinh thái đất ngập nước và biển theo Luật Bảo vệ môi trường, nếu được áp dụng một cách hiệu quả và bền vững sẽ giúp huy động được nguồn lực tài chính bổ sung từ những tổ chức, cá nhân trực tiếp hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái, trong khi đảm bảo nguồn lực này được quay lại trực tiếp cho các tổ chức, cộng đồng và cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tại cấp cơ sở. Đây là điểm khác biệt của cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên so với các quy định về thuế, phí đã có.

z4357453316873_451126d61488fb11eb1677ea12d74006.jpg
Các khu bảo tồn, vườn quốc gia có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái

Ngoài ra, việc xác định được giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái thông qua cơ chế này còn giúp thúc đẩy việc hạch toán các giá trị này vào các hoạt động kinh tế-xã hội, để giúp nhận thức đúng hơn về giá trị thực của các tài nguyên thiên nhiên, giúp hạn chế các quyết định về đầu tư mang tính chất đánh đổi thiên nhiên lấy lợi ích kinh tế trước mắt đơn thuần.

Do đó, UNDP và Bộ TN&MT đã triển khai Dự án BES-Net để xây dựng Tài liệu kỹ thuật hướng dẫn xây dựng Đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp tỉnh và cấp cơ sở; góp phần thúc đẩy việc triển khai chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước trên toàn quốc trong tương lai.

PV: UNDP đã triển khai những hoạt động cụ thể gì tại Việt Nam để nâng cao tiếng nói và quyền lợi của người dân bản địa và địa phương trong việc bảo tồn đa dạng sinh học?

Ông Đào Xuân Lai: Trong giai đoạn hiện nay, UNDP và Bộ TN&MT đang hợp tác để xác định sự cần thiết của việc thành lập Diễn đàn Đối tác Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái Việt Nam. Diễn đàn này sẽ là một không gian thuận lợi, được kỳ vọng là nơi tiếng nói của các nhóm thiểu số bao gồm nhưng không giới hạn ở cộng đồng địa phương và bản địa, phụ nữ và thanh niên được lắng nghe và nâng tầm vị thế. Điều này là hết sức quan trọng vì thực tế là cộng đồng địa phương là những người gắn bó sâu sắc với vùng đất và thiên nhiên nơi họ sinh ra và lớn lên, nắm giữ kiến thức thực tế quan trọng về những vùng đất này và có thể đóng vai trò then chốt trong việc hình thành các chính sách đa dạng sinh học hiệu quả và bền vững.

Ngoài ra, các hoạt động về thúc đẩy cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, với tiền đề là những thành công đã có trong việc triển khai cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng trong hơn một thập kỷ qua, được kỳ vọng giúp tăng cường các nguồn lực tài chính mà có thể quay lại trực tiếp cho những cộng đồng, cá nhân tham gia vào công tác bảo tồn các hệ sinh thái, không chỉ giúp tăng cường sinh kế, cải thiện đời sống mà còn giúp đề cao vai trò và tiếng nói của các cộng đồng này trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại cơ sở và tại địa phương.

Khánh Ly (thực hiện)