Môi trường

Ngành KTTV liên tục hiện đại hóa phục vụ cảnh báo sớm thiên tai

Mai Đan (thực hiện) 02/10/2023 - 18:02

(TN&MT) - Với truyền thống 78 năm xây dựng và phát triển, Ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực KTTV, tập trung đẩy mạnh việc xây dựng chính sách, pháp chế trong công tác điều tra cơ bản, dự báo phục vụ cộng đồng, thông tin lưu trữ tư liệu, giám sát biến đổi khí hậu, đặc biệt ngành liên tục đổi mới, hiện đại hóa công nghệ phục vụ cảnh báo sớm thiên tai.

Nhân dịp Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống Ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV), TS. Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đã chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT những thành tựu nổi bật của ngành cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới.

PV: Thưa ông, ông có thể đánh giá những kết quả nổi bật của Ngành KTTV trong thời gian qua?

TS. Hoàng Đức Cường: Kể từ khi thành lập Tổng cục KTTV (cơ quan trực thuộc Chính phủ) vào năm 1976, Ngành KTTV đã chú trọng đặt nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế là trọng tâm ưu tiên, nhất là các văn bản mang tầm chiến lược định hướng đối với hoạt động KTTV.

Cho đến nay, Ngành KTTV đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV và các bộ, ngành đã ban hành 165 văn bản quy phạm pháp luật và 25 văn bản có các nội dung liên quan đến quy phạm pháp luật về lĩnh vực KTTV. Các văn bản pháp luật về KTTV đang từng bước thể hiện được vai trò pháp lý, phạm vi điều chỉnh và tính khả thi của mình trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

cuong203.jpg
TS. Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV

Trong giai đoạn 2010 - 2023, hệ thống văn bản pháp luật về KTTV đã được chú ý xây dựng điều chỉnh đến tất cả các lĩnh vực như điều tra cơ bản, dự báo phục vụ cộng đồng, thông tin lưu trữ tư liệu, giám sát biến đổi khí hậu, hợp tác quốc tế… với tổng số 66 văn bản quy phạm pháp luật về KTTV được các cấp có thẩm quyền ban hành.

Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KTTV ngày càng được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi để Ngành tăng cường quản lý nhà nước về KTTV cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phục vụ KTTV, đặc biệt với việc lần đầu tiên Ngành có Luật KTTV đã tạo điều kiện pháp lý để ngành có đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành KTTV là cơ sở, tiền đề, định hướng quan trọng trong kế hoạch phát triển, hiện đại hóa ngành KTTV trong những năm tới.

PV: Bên cạnh những kết quả về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, gần 80 năm qua, Ngành KTTV cũng đã tiếp tục hiện đại hóa công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ cộng đồng, xin ông chia sẻ về những thành tựu này?

TS. Hoàng Đức Cường: Với việc ứng dụng hệ thống mô hình dự báo thời tiết số trị, các đơn vị dự báo nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục KTTV đã tiến hành dự báo tới các địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố, với khoảng 600 điểm; phát hành bản tin dự báo KTTV đa dạng hơn, thông tin dự báo chi tiết hơn và từng bước nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, không khí lạnh, đồng thời tăng cường các bản tin dự báo KTTV biển, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển.

anh-2-bai-pv-a-cuong.jpg
Ngành KTTV nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm

Các ứng dụng công nghệ mới trong dự báo KTTV đã góp phần nâng thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới từ 24 giờ lên 36 giờ; đối với nhiều cơn bão có quỹ đạo ổn định đã dự báo trước từ 60 - 72 giờ, cảnh báo trước 48 - 72h các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại. Tiêu biểu là đã dự báo khá chính xác cơn bão số 6 năm 2006 (Xangsane) đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng, cơn bão số 9 (Ketsana) năm 2009 đổ bộ vào Quảng Nam - Quảng Ngãi, cơn bão số 8 (Sơn Tinh) năm 2012 đổ bộ vào Thái Bình, cơn bão số 14 (HaiYan) năm 2013 đổ bộ vào Quảng Ninh, cơn bão số 2 (Rammasun) năm 2014 đổ bộ vào Quảng Ninh, bão số 4 Noru năm 2022 đổ bộ vào Quảng Nam - Quảng Ngãi…

Đó là những cơn bão mạnh nhất trong vòng 16 năm trở lại đây (có 3 cơn bão ở mức siêu bão) có những diễn biến hết sức phức tạp cả về đường đi và cường độ, nhưng do dự báo đúng thời gian và nơi bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng đã góp phần làm giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.

PV: Được biết, khoảng 10 năm qua, Ngành KTTV đã thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu các công nghệ hiện đại đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp, ông có thể nói rõ về những công nghệ này, thưa ông?

TS. Hoàng Đức Cường: Trong giai đoạn 2010 - 2023, nhiều công nghệ, thiết bị mới đã được đầu tư, nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo KTTV như: Xây dựng được bộ công cụ, chương trình tính toán chỉ số SPI phục vụ giám sát hạn hán khí tượng hỗ trợ đưa ra các bản tin thông báo về phạm vi, cường độ, diễn biến hạn hán trên phạm vi toàn quốc; triển khai trong nghiệp vụ các hệ thống mô hình dự báo số trị quy mô khu vực để tăng cường khả năng dự báo định lượng mang tính cực trị như mưa lớn, gió mạnh trong bão; thu thập đồng bộ thống nhất toàn bộ các hệ thống dự báo tất định và tổ hợp từ các trung tâm toàn cầu (Mỹ, Nhật, Châu Âu) phục vụ dự báo khí tượng cho khu vực Việt Nam.

Đồng thời, Ngành KTTV đã đưa công cụ hỗ trợ phân tích và hỗ trợ dự báo thời tiết, dự báo bão, cụ thể là Hệ thống cơ sở dữ liệu KTTV và công cụ hỗ trợ (MHDARS) tác nghiệp dự báo khí tượng, dự báo bão, nghiên cứu khoa học; ứng dụng và khai thác các sản phẩm dự báo thời tiết số chi tiết định lượng làm tiền đề cho việc thiết lập phát triển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu KTTV toàn ngành, các công hỗ trợ dự báo khí tượng và dự báo bão trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, Ngành cũng ứng dụng hệ thống Định hướng cảnh báo lũ quét của Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn Hoa Kỳ do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hỗ trợ trong cảnh báo khả năng xảy ra lũ quét; tính toán lũ ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập ở Lào năm 2018 đến dòng chính sông Mê Công tại Tân Châu và Châu Đốc; nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sớm cho năm 2019…; xây dựng được Hệ thống tăng cường năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo sớm mưa, lũ.

Đặc biệt, việc nghiên cứu ứng dụng thiết bị chuyên ngành tiên tiến đang từng bước được thử nghiệm nhằm duy trì hoạt động ổn định các hệ thống thông tin KTTV. Các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp có sự gia tăng nghiên cứu mới về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm phục vụ thiết thực cho công tác hiện đại hóa ngành hướng tới phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ của đơn vị và xã hội. Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI hỗ trợ dự báo, cảnh báo KTTV đã và đang được triển khai đối với một số hiện tượng KTTV nguy hiểm như: dự báo xoáy thuận nhiệt đới ở Biển Đông; dự báo sóng biển, nước dâng, dự báo định lượng mưa hạn cực ngắn; giám sát, dự báo, cảnh báo ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh…

Ngoài ra, hệ thống thông tin đã được đổi mới với các giải pháp tiên tiến, ứng dụng công nghệ 4.0 để tạo thế bứt phá trong phát triển Ngành KTTV phù hợp với Chính phủ số và chuyển đổi số. Hệ thống quản lý dữ liệu tập trung (CDH) đã được triển khai, toàn bộ các loại dữ liệu của Ngành KTTV được thu thập tập trung và chia sẻ cho tất cả các đơn vị chuyên môn, cấp quyền thu nhận dữ liệu cho trong và ngoài Ngành KTTV phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, hải văn thông suốt đến các Đài KTTV khu vực và tỉnh, thành phố.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Các giải pháp trọng tâm để xây dựng và phát triển Ngành KTTV trong thời gian tới: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và cơ cấu tổ chức, bộ máy; hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, nâng cao năng lực công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV; phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế; truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng”

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường

Mai Đan (thực hiện)