Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Kết nối - đồng hành - phát triển
(TN&MT) - Chặng đường 5 năm với nhiều kết quả quan trọng, nhiều thành tựu rực rỡ; nhiều giá trị, ý nghĩa sâu sắc đã khẳng định tính đúng đắn của việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ủy ban là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; vừa thúc đẩy tiến trình đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả DNNN; vừa khẳng định năng lực, vị trí, vai trò của Ủy ban trong thực hiện sứ mệnh giữ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển cân đối và bền vững của đất nước.
Chặng đường tiếp theo có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đặt niềm tin và kỳ vọng nhiều đổi thay bứt phá từ sức mạnh nội lực của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty, trong đó, kỳ vọng lớn - đồng thời cũng là giao nhiệm vụ chuyển đổi số - chuyển đổi xanh đối với Ủy ban nói chung, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc nói riêng.
Một chặng đường ý nghĩa
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2018 và Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban.
Việc thành lập Ủy ban đã hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, kỳ vọng thiết lập một cơ quan đồng hành, tạo nguồn lực và điều tiết nguồn lực; duy trì, thúc đẩy hoạt động của 19 tổng công ty, tập đoàn kinh tế.
Qua 5 năm thành lập và hoạt động, dưới sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các doanh nghiệp trực thuộc đã cho nhiều kết quả khả quan.
Sau 5 năm chuyển về Ủy ban, về tổng thể, 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển liên tục, ổn định. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 gần 3 năm vừa qua và tình hình bất ổn trên thế giới gần đây, nhưng về tổng thể, 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, tổng vốn nhà nước vẫn được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên; góp phần vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tính đến 31/12/2022, 19 tập đoàn, tổng công ty hợp nhất có tổng vốn chủ sở hữu là 1.173 ngàn tỷ đồng, trong đó của công ty mẹ là 955 ngàn tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất là 2.445 ngàn tỷ đồng, trong đó của công ty mẹ là 1.636 ngàn tỷ đồng. Năm 2023, tổng hợp theo kế hoạch 19 tập đoàn, tổng công ty xây dựng, tổng vốn chủ sở hữu (hợp nhất) khoảng 1.176 ngàn tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất hơn 2.459 ngàn tỷ đồng, tăng 14,2 ngàn tỷ đồng so với năm 2022 (do hình thành mới tài sản từ nguồn đầu tư). Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng, phát triển hệ thống kết nối hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Thông qua kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình tổng kết việc thực hiện kết luận số 40-TB/TW của Bộ Chính trị về thành lập Ủy ban đều thống nhất nhận định, đánh giá về những thay đổi tích cực trong thời gian 5 năm qua, trong đó, đặc biệt đánh giá cao vai trò quản lý, điều hành của Ủy ban.
Ủy ban đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/9/2018. Đã cơ bản khắc phục tình trạng một số công việc chưa được thực hiện đầy đủ, tồn đọng nhiều năm, thời điểm trước khi Ủy ban được thành lập. Ủy ban đã hoàn thành xử lý hầu hết công việc chuyển giao từ các Bộ còn xử lý dở dang, tồn đọng qua nhiều thời kỳ, phức tạp, vướng mắc.
Thực hiện Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban tiếp nhận vai trò Cơ quan thường trực và Chủ tịch Ủy ban làm Phó Trưởng ban Thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ làm Trưởng Ban Chỉ đạo; sự chủ động, tích cực của Ủy ban trong thực hiện nhiệm vụ được giao và sự phối hợp của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan, đến nay công tác xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương đã có nhiều tiến triển quan trọng và đạt nhiều kết quả thiết thực.
Một trong những nguyên tắc Ủy ban luôn đề cao đó là nguyên tắc tuân thủ pháp luật và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát về tài chính doanh nghiệp, việc triển khai các dự án đầu tư lớn, quan trọng, việc thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Với vai trò là cơ quan đầu mối trung tâm, Ủy ban đã cùng các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về đầu tư; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước; sắp xếp lại, xử lý đất đai; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho Chính phủ ban hành một số nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ nhiều năm để thúc đẩy tiến độ nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp, đơn cử: Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 21/5/2020 xử lý một số vướng mắc về đầu tư của doanh nghiệp; Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2021 xử lý vướng mắc về khoản vay AFD cho Dự án lưới điện phân phối miền Nam (Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Nghị quyết xử lý khó khăn, vướng mắc cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam)…
Phát huy tầm nhìn, sứ mệnh và vai trò chủ động, sáng tạo, Ủy ban đã tích cực tham gia cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc xử lý vướng mắc đối với hoạt động quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông của một số doanh nghiệp đã chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban (cảng hàng không, đường sắt, đường cao tốc); Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Hướng dẫn việc xử lý chênh lệch tỷ giá của Tổng công ty Phát điện 3 và các vấn đề liên quan đến tài chính doanh nghiệp; Làm rõ về lĩnh vực đầu tư, thầm quyền quyết định dự án đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, sắp xếp đất đai; Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp viễn thông, tạo cơ chế tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp viễn thông; Thực hiện các nhiệm vụ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông; Phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để phục vụ việc nắm tình hình, theo dõi, giám sát của Quốc hội; Phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong việc chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện đúng quy định pháp luật và các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;…
Đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, Ủy ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty không chỉ chủ động triển khai chiến lược Chuyển đổi số mà còn thực hiện vai trò dẫn dắt trong xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số.
Chiến lược chuyển đổi số được nhiều tập đoàn, tổng công ty tích cực thực hiện, mang lại hiệu quả bước đầu khả quan, đổi mới phương thức điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Điển hình như Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã xây dựng và thực hiện Đề án tổng thể chuyển đổi số trong tập đoàn; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tăng cường quản lý dữ liệu lớn khách hàng, tăng tỷ trọng tiếp thị, bán vé qua kênh điện tử thay vì cách làm truyền thống qua đại lý…
Một số doanh nghiệp như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã thể hiện tốt vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; phát triển và ứng dụng thành công các sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nền tảng điện toán đám mây và triển khai dữ liệu lớn, cung cấp các dịch vụ như hóa đơn điện tử, ví điện tử… Đồng thời tích cực phát triển hệ thống hạ tầng quang hóa, cung cấp dịch vụ băng thông, chuẩn bị tích cực cho đầu tư 5G…
5 năm đi vào hoạt động, mặc dù trải qua rất nhiều khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban đã chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua thách thức khó khăn, từng bước phục hồi và phát triển, đạt được nhiều thành tích, kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ được giao; ngày một chuyên nghiệp hơn trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc; chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn thành tốt vai trò nòng cốt trong ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước…
Xử lý tồn tại, tháo gỡ khó khăn, đồng hành thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
5 năm qua, với chủ trương, định hướng đúng đắn, với tầm nhìn chiến lược sắc sảo, Ủy ban đã từng bước tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án đầu tư; đồng thời, xử lý hiệu quả các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương theo Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ
Về công tác tháo gỡ chung, Ủy ban đã cùng các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư. Trong đó có 10 dự án lớn, quan trọng, chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư 259 ngàn tỷ đồng. Điển hình như: Dự án Thăm dò khai thác thực hiện dầu khí 4 lô tại Khu tự trị Nhenhexky - LB Nga có tổng mức đầu tư khoảng 89.000 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện Hòa Bình mở rộng tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện Ialy mở rộng tổng mức đầu tư 6.399 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện Ô Môn IV tổng mức đầu tư 29.944 tỷ đồng; Dự án đường dây Vân Phong, Vĩnh Tân có tổng mức đầu tư 2.856 tỷ đồng; Dự án khai thác hầm lò dưới mức 150 Mỏ than Mạo Khê có tổng mức đầu tư 5.867 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 01- Dự án thành phần 3 có tổng mức đầu tư 99.019 tỷ đồng; Dự án nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng; Dự án mở rộng Cảng HKQT Điện Biên có tổng mức đầu tư 1.548 tỷ; Dự án mở rộng nhà ga hành khách Cảng HKQT Nội Bài có tổng mức đầu tư 4.996 tỷ đồng; Tháo gỡ khó khăn để tiếp tục thực hiện đầu tư 41.799 tỷ đồng để đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào hoạt động vào tháng 4 năm 2023.
Riêng công tác xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương đã có nhiều tiến triển quan trọng và đạt nhiều kết quả thiết thực.
Đối với 5 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, được sử dụng nguồn vốn hợp pháp để chủ động xử lý: Tình hình sản xuất, kinh doanh của các dự án, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực; trong đó một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, đóng góp cho NSNN, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương, đơn cử như Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 của Công ty cổ phần DAP - Vinachem: từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 01/2022; Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí...
Đối với 3 dự án sản xuất phân bón của Vinachem, bao gồm: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, cấp có thẩm quyền đã có văn bản đồng ý về chủ trương các biện pháp cơ cấu lại nợ đối với 3 dự án, doanh nghiệp này theo đề nghị của Ủy ban. Bước đầu, các doanh nghiệp này đã duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.
Trong đó: Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc - Công ty CP đạm và hóa chất Hà Bắc vẫn nỗ lực duy trì chạy máy an toàn, ổn định, liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và đạt hiệu quả cao; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình đã duy trì ổn định, hiệu quả trong vận hành hệ thống máy móc thiết bị với phụ tải cao, cơ bản chủ động được vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), trả được bớt nợ cho Vinachem và các ngân hàng, không phải phụ thuộc vào khách hàng để ứng vốn trước mua vật tư sản xuất; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, về cơ bản đã thực hiện tốt các chỉ tiêu SXKD và kiểm soát hiệu quả các định mức so với kế hoạch, qua đó duy trì ổn định SXKD...
Đối với 3 dự án, doanh nghiệp còn lại trong danh mục được giao Ủy ban chủ trì bao gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên - Tisco 2; Dự án Nhà máy Thép Việt Trung - VTM; Dự án Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQS, Ủy ban đã có nhiều buổi làm việc cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan, đang tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương có phương án xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc theo quy định của pháp luật và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Đó là mong muốn của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước và doanh nghiệp được Phó Thủ tướng thể hiện trong phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 5 năm thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước và doanh nghiệp chiều ngày 29/9/2023.
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty cần có giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nguồn lực hiện có để đầu tư cho những lĩnh vực mũi nhọn, mang tính dẫn dắt như kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng 5 năm là chặng đường không dài nhưng đầy khó khăn. Tuy nhiên, Ủy ban quản lý vốn nhà nước đã vượt qua để hôm nay cùng nhìn lại quá trình phát triển của Ủy ban, cũng như 19 tập đoàn, tổng công ty để thấy, một tập thể đoàn kết đã và đang góp phần thực hiện sứ mệnh hết sức quan trọng, đó là, từng bước ổn định, nỗ lực vươn lên, phát triển, giữ vững ổn định và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định sự đúng đắn của chủ trương kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là một chủ trương mới, được Đảng, Nhà nước chuẩn bị và cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Từ quyết sách đúng đắn đó, đến nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình, vừa là cơ quan thuộc Chính phủ, vừa thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, chiếm trên 60% nguồn lực về vốn và tài sản của doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước thực hiện hiệu quả chủ trương mới là tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước và chức năng điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy mới được thành lập trong khoảng thời gian 5 năm, nhưng Ủy ban đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bước đầu kiện toàn mô hình tổ chức; vốn chủ sở hữu và tài sản được bảo toàn, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty được duy trì, phát triển, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng, chung sức, đồng lòng của của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động Ủy ban trong 5 năm vừa qua, trong đó có sự lãnh đạo 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng kinh doanh hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước; đặc biệt, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ở các doanh nghiệp, tập đoàn.
Gợi mở về nội dung này, Phó Thủ tướng cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty cần tập trung nguồn lực, đầu tư cho những lĩnh vực mũi nhọn, dẫn dắt những xu thế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh...
Một trong những tập đoàn được đánh giá tiên phong trong chuyển đổi xanh như Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... Đây là những đơn vị được lựa chọn để chuẩn bị lộ trình đầu tư các trung tâm năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị, phụ trợ và tiến tới làm chủ công nghệ trong lĩnh vực này.
Và trong tương lai, không chỉ các đơn vị tiên phong như Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà toàn bộ 19 tập đoàn, tổng công ty đều sẽ hòa vào “dòng chảy xanh”, góp phần đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trên lộ trình phát triển xanh bền vững.
Việc đưa vào khai thác Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài là minh chứng cho những nỗ lực trong lộ trình chuyển đổi số và ứng dụng CNTT của Tổng công ty cảng hàng không ACV trong thời gian qua. Đây là nhà ga đầu tiên của ACV ứng dụng chuyển đổi số, nâng cấp hạ tầng số, nền tảng số để chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ như: Hệ thống hỗ trợ giúp hành khách tự làm thủ tục hàng không (Self Check-in Kiosk); Hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục ký gửi hành lý của mình (Self Baggage Drop); Hệ thống phát thanh tự động ứng dụng AI để phát thanh tìm theo tên hành khách; Triển khai hệ thống ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử, Biometric nhận diện khuôn mặt (facial ID) cùng với hệ thống thiết bị kiểm soát các thủ tục an ninh tự động; hệ thống kiểm soát lên tàu bay tự động (E-gate)... đem lại nhiều thuận lợi cho hành khách.
“Được trao cơ hội để giải những “bài toán số” cấp quốc gia, với hàng triệu người sử dụng, không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nội lực mà còn giúp doanh nghiệp công nghệ số nâng cao, tích tụ năng lực tự chủ, tự cường về công nghệ”. 5 năm qua, việc tham gia sâu rộng vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia không chỉ là cách để Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT thể hiện sự chung tay cùng Chính phủ hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số mà còn là cơ hội để VNPT vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế tiên phong của một doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam, từ đó hoàn thành sứ mệnh, góp phần kiến tạo Việt Nam trở thành Quốc gia số trong tương lai không xa” - Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm
“Chuyển đổi số không đơn thuần là vấn đề thay đổi về công nghệ, mà vấn đề của chiến lược, tổ chức và con người. Do đó, Tập đoạn Điện lực Việt Nam EVN đã chủ động phát triển một nền văn hóa mới, trong đó có văn hóa số, văn hóa học tập, văn hóa đổi mới - sáng tạo và được dẫn dắt bởi phong cách lãnh đạo EVN” - Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm.
Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam TKV đang đầu tư xây dựng nâng công suất các trạm xử lý nước thải mỏ; đầu tư máy phun sương dập bụi cao áp; xây dựng các trạm rửa xe trước khi ra khỏi mỏ… Ðặc biệt hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, TKV đang tái sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng các dự án, góp phần giảm áp lực độ cao, bảo đảm an toàn cho các bãi thải. Bên cạnh đó, tiếp tục trồng cây phủ xanh các khai trường, theo kế hoạch năm 2023, toàn Tập đoàn sẽ thực hiện trồng 1,2 triệu cây xanh, diện tích 225ha; tiếp tục xây dựng mô hình "mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao" và thực hiện mục tiêu "đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy".
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đơn vị thành viên đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình chuyển dịch năng lượng bằng việc sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế. Định hướng từ năm 2025 – 2030, Petrovietnam sẽ triển khai thí điểm các dự án sản xuất hydrogen “sạch”; tìm kiếm các nguồn tài chính để triển khai các dự án năng lượng sạch; tìm kiếm khách hàng có nhu cầu trong nước và khu vực để phát triển thị trường; cải hoán hạ tầng vận chuyển, xử lý, tồn trữ, phân phối khí. Từ năm 2030 - 2045, tập đoàn sẽ sản xuất thương mại hydrogen “sạch” sử dụng cho các nhà máy lọc dầu, nhà máy đạm và phát triển các dự án sản xuất nhiên liệu, nguyên vật liệu và xuất khẩu hydrogen “sạch” cho các thị trường trong khu vực, thế giới…