Kinh tế

Hà Tĩnh: Biến nguồn rác thải tái chế thành cầu nối giúp người nghèo vươn lên

Đức Cảnh 29/09/2023 - 17:35

Hưởng ứng phong trào “nói không với rác thải nhựa”, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh đã triển khai bằng nhiều mô hình, không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn cầu nối giúp đỡ người nghèo vươn lên. Cách làm này đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp Hội ở nhiều địa phương.

Biến rác thải thành tiền giúp đỡ người nghèo

Xã Sơn Trường nằm cách trung tâm huyện 5 km, có diện tích 19,07 km². Đây là một trong hai xã của huyện Hương Sơn sớm đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Đến đây, ai cũng nhận thấy một miền quê “đáng sống” với diện mạo sáng, xanh, sạch, đẹp. Những con đường bê tông rộng mở chạy quanh làng, mặt đường sạch tinh tươm, không rác thải sinh hoạt.

Được biết, xã Sơn Trường được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh chọn làm nơi lan tỏa những giá trị của phong trào “chống rác thải nhựa” trong cộng đồng dân cư. Nhiều sáng kiến, cách làm hiệu quả của Hội đang dần được chia sẽ, nhân rộng góp phần hạn chế sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt và giảm rác thải nhựa ra môi trường.

anh-11.-rac-thai-nhua.jpg
Chi em Phụ nữ thu gom rác thải tái chế bán gây quỹ giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn

Chị Nguyễn Thị Minh Soa, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, tại đây Phụ nữ đã tham gia nhiều công việc để góp phần bảo vệ môi trường. Một trong những mô hình tiêu biểu là “Tổ liên gia thu gom rác thải”. Mô hình này vừa hạn chế xả rác ra môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa: Giúp người dân có nguồn phân hữu cơ cho cây trồng vừa gom rác thải nhựa, rác thải tái chế để bán gây quỹ.

anh-6.-rac-thai-nhua.jpg
Phân loại rác thải tái chế để bán gây quỹ

Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Trường đã thành lập mô hình "Tổ liên gia thu gom rác thải", việc làm nòng cốt của mô hình là vận động các chị em phụ nữ thu gom rác thải nhựa, ve chai… về bán lấy tiền gây quỹ. Được biết, mô hình "Tổ liên gia thu gom rác thải" cũng đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Trường thực hiện hơn năm qua.

Theo chị Soa, là xã thuần nông nên người dân nơi đây nhận thức về môi trường rất đơn giản, khi phong trào chống rác thải nhựa được phát động thì mọi thứ đã đổi mới rất nhiều. Cái được lớn nhất có thể kể đến là đã nâng cao nhận thức của người dân, tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong hội viên được thắt chặt.

pct-hoi-pn-son-truong.-bai-2.jpg
Chị Nguyễn Thị Minh Soa, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Trường

Như một lịch trình cố định, cứ 3 tháng/lần, nhóm chị em phụ nữ “Tổ liên gia thu gom rác thải” xã Sơn Trường cùng nhau tập kết ve chai tại điểm tập trung. Sau đó, tại đây các chị cùng nhau phân loại rồi bán cho vựa ve chai. Trung bình, mỗi đợt các chị thu khoảng 500 nghìn đến một triệu đồng.

Từ nguồn quỹ này, chị em Phụ nữ tiến hành mua con giống hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Nhờ vậy, hoạt động thu gom rác tái chế nhiều năm nay không những giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Trường còn tạo nguồn quỹ giúp người nghèo, khó khăn cơ hội thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Lan tỏa thông điệp yêu thương

Mô hình thu gom rác thải tái chế gây quỹ được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Trường ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) triển khai được đánh giá là một trong những điểm sáng cần nhân rộng. Không chỉ giúp “giảm nhiệt” cho môi trường, rác thải tái chế còn được thu gom, theo kế hoạch 3 tháng/lần được tổ chức phân loại để bán gây quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Thời gian qua, đẩy mạnh, cũng cố, vận động, hỗ trợ thành lập trên 7.700 mô hình vận động hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan đường làng ngõ xóm như tổ/nhóm/ chi hội thực hiện và mang lại kết quả tích cực. Không những vậy, qua hoạt động của phong trào còn là cầu nối giúp đỡ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh

Ghi nhận cách làm sáng tạo này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh cho rằng cần phải được nhân rộng. Mặt khác, kỳ vọng sự vào cuộc tích cực của chị em phụ nữ, đặc biệt là vùng nông thôn, phong trào phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường sẽ mang lại những kết quả tích cực, góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng, chung tay xây dựng cảnh quan môi trường.

anh-6.-st.jpg
Mô hình thu gom rác thải tái chế gây quỹ đang được nhân rộng tại Hà Tĩnh

Học hỏi cách làm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã thành lập mô hình “Ngôi nhà tiết kiệm sinh thái”, thu hút đông đảo hội viên và người dân hưởng ứng, tham gia. Số tiền để mua con giống giúp đỡ hội viên nghèo lấy từ quỹ bán vật liệu tái chế được tích cóp từ “Nhà tiết kiệm sinh thái”.

Theo chia sẽ, mô hình “Nhà tiết kiệm sinh thái” được tiến hành bằng các hoạt động cụ thể, hàng ngày cùng thu gom các loại rác thải như: Chai lọ, túi nilon, bìa cát tông, sắt vụn, khi ngôi nhà đã chứa đầy thì tiến hành phân loại.

Chị Lê Thị Lương, Chi hội Phụ nữ thôn Vĩnh Hội, xã Đức Lĩnh cho hay: "Hơn ba năm nay, Chi hội đã triển khai thành lập mô hình “Nhà tiết kiệm sinh thái” thu gom phế liệu tình thương, biến rác thành tiền giúp đỡ người nghèo. Công việc của các chị em trong Chi hội xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường, tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách”.

Chị Lương vui vẻ nói: “Mặc dù việc làm không lương, nhưng mọi người ai cũng phấn khởi, ai nấy đều tự giác gom, chưa bao giờ các chị em than mệt hay kể công với đời, bởi trong họ luôn mang trong mình sự hy sinh cho cộng đồng bảo vệ môi trường, góp công sức để giúp đỡ hộ nghèo … vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Sau hơn ba năm triển khai, mô hình “Ngôi nhà tiết kiệm sinh thái” tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang đến nay phát huy hiệu quả; nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường, hưởng ứng phòng trào chống rác thải nhựa của người dân, tình trạng xả rác thải bừa bãi ra khu dân cư như trước đây đã hạn chế.

anh-7.jpg
Số tiền thu được từ bán rác tái chế được mua con giống hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đức Lĩnh cho biết, thời gian đầu chỉ có ít hội viên tham gia, nhưng dần dần, nhận thấy được ý nghĩa của mô hình nên thu hút đông đảo hội viên và người dân tham gia. Xây dựng mô hình “Nhà tiết kiệm sinh thái” có những Chi hội đã gây quỹ khá lớn. Chắc chắn thời gian tới hoạt động được đẩy mạnh, sẽ có nhiều cơ hội hơn để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Được biết, hiện nay mô hình thu gom rác thải tái chế gây quỹ đang được nhân rộng trên địa bàn Hà Tĩnh, cho thấy mang lại hiệu quả thiết thực. Cách làm này được đánh giá không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn là cầu nối giúp người nghèo vươn lên.

Đức Cảnh