Kinh tế

Đổi thay những bản làng nơi lưng chừng núi Hoàng Liên

Bích Hợp 29/09/2023 - 16:16

(TN&MT)- Ở nơi lưng chừng núi Hoàng Liên, Sa Pa( Lào Cai) hiện ra như một viên ngọc xanh lấp lánh giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc anh em. Ở nơi lưng chừng núi Hoàng Liên ấy, những nếp nhà tranh vách lá ngày xưa nay đã dần được thay thế bằng những ngôi nhà hiện đại khang trang với những con đường bê tông chạy vào tận ngõ. Đổi thay về đời sống của bà con ở những bản làng này phần nhiều dựa vào thay đổi tư duy trồng dược liệu thay thế dần cho cho lúa ngô.

Theo chân cán bộ Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, ven theo quốc lộ 4D xuyên qua nhiều vùng đá núi mềm mại quanh co như eo người thiều nữ, rồi từ trục chính đó những ngã rẽ được trải nhựa hoặc bê tông phẳng phiu êm du về các xã hoặc đến các bản làng xa xôi. Tôi thốt lên một câu nửa như hỏi nửa như chứng kiến sự đổi thay ngỡ ngàng nơi đây với anh Trần Mạnh Hùng Trưởng phòng Kinh tế Sa Pa “ Đường uốn lượn như trong mơ thế này có về hết được đến các xã chưa anh? Và nhận được câu trả lời chắc nịch từ người cán bộ trẻ. “Về hết được mà! hôm nay mình sẽ đưa nhà báo đến những xã khó nhất, xa nhất đấy để nhà báo chứng kiến cảnh đổi thay của các bản làng nơi đây.

Câu trả lời của anh Trần Mạnh Hùng làm trong tôi dưng nên niềm phấn kích về miền đất gian khó của tỉnh Lào Cai với những vách núi trập trùng tưởng như những thành luỹ ngăn cách sự phát triển của huyện vùng cao này.

duoc-lieu-3.jpg
Sa Pa đổi thay với những con đường bê tông uốn lượn phẳng phiu và những nương dược liệu xanh mát chân trời.

Nhớ lại câu nói của một anh cán bộ trẻ phòng TN&MT nghe vừa hài hước vừa dí dỏm mà cũng khó có sai “ ở nơi đây gọi là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, núi hay đá mới đúng vì chỗ nào cũng chỉ có núi và đá”.

Vừa dẫn tôi đi trên nhưng con đường dù quanh co nhưng phẳng phiu anh Trần Mạnh Hùng vừa kể, có được như ngày hôm nay phần nhiều là dựa vào sự mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng từ ngô, khoai, sắn sang trồng cây đặc hữu hơn như lê, đào, đặc biệt là các cây dược liệu như actiso, sa nhân, đương quy.. . Phát triển cây dược liệu không chỉ là phương án xoá đói giảm nghèo của Sa Pa mà nó đang trở thành cây giúp dân làm giàu.

Trần Mạnh Hùng chia sẻ, Sa Pa hiện có 240 ha cây dược liệu, gồm: Actiso, sa nhân tím, đương quy, tía tô, chè dây và các loại cây dùng chế biến sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ. Đến nay, hơn 100 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguồn dược liệu tại địa phương, mang lại doanh thu hơn 30 tỷ đồng/năm.

duoc-lieu-4.jpg
Cây Actiso một loại dược liệu mang lại cuộc sống ấm no giúp thoát nghèo cho đồng bào vùng cao Lào Cai.

Qua nghiên cứu, đánh giá cây dược liệu trồng tại Sa Pa có chất lượng tốt và hàm lượng dược tính cao hơn so với các địa phương khác. Các sản phẩm sơ chế, chế biến từ cây dược liệu trên địa bàn Sa Pa được nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng như cao mềm actiso, trà phun sương actiso, cao phun sương actiso, trà túi lọc - trà dây leo Sa Pa, trà túi lọc giảo cổ lam, trà giảo cổ lam Sa Pa…do vậy nó đã trở thành cây trồng chủ lực giảm nghèo bền vững cho người dân Sa Pa chúng tôi.

Đang đi băng băng trên đường bỗng Trần Mạnh Hùng rẽ ngang dừng lại ở một ngôi nhà khang trang vẫn còn thơm mùi sơn mới “Vào đây nghỉ một lát đã nhà báo”. Anh Hùng dẫn tôi vào ngôi nhà mới của anh Má A Chu tại xã Tả Phìn( Sa Pa). Ngôi nhà mới xây của anh Chu là nhờ công tích góp gần 5 năm trồng dược liệu. Anh Chu chia sẻ “trước kia nhà tôi nghèo lắm, 2 vợ trồng nuôi 3 đứa con. Nhà có đất nhưng chỉ biết trồng ngô sắn, năng xuất không cao. Lúc con nhỏ thì đủ ăn nhưng lúc chúng nó lớn đi học thì chẳng đủ tiền lo cho chúng. Thế rồi công ty Traphaco về đây liên kết với chính quyền tuyên truyền bà con trồng cây actiso. Họ sẽ thu mua đầu ra, cung cấp cây giống, phân bón và hướng dẫn trồng, chăm sóc. Nhà tôi mạnh dạn làm theo, sau 5 năm ngoài tiền sinh hoạt hàng ngày cho con đi học tôi còn để dành được gần 500 triệu. Vợ chồng tôi quyết định xây căn nhà kiên cố cho các con có chỗ ở ổn định.

Anh Chu còn cho biết thêm, không chỉ gia đình anh mà gần 2/3 các hộ nơi đây đều trồng cây dược liệu để phát triển kinh tế, có nhà thì trồng actiso bán cho công ty, có nhà lại trồng giảo cổ lam, Sa nhân… giờ trong thôn, và xã Tả Phìn chúng em tỷ lệ hộ nghèo rất thấp.

sa-pa-3.jpg
Những bản làng lưng chừng núi Sa Pa đã dần thấp thoáng những ngôi nhà khang trang thay cho nhà tranh vách lá.

Rời nhà A Chu, anh Hùng còn dẫn tôi đi đến nhiều vườn dược liệu và nhiều bản làng của các xã khác như Ngũ Chỉ Sơ, Liên Minh, Sa Pả của Sa Pa, tất cả đều đã đổi thay, những bản làng với những ngôi nhà tranh vách lá dần biến mất, thay thể bằng những ngôi nhà mái ngói, nhà 2 tầng kiên cố.

Anh Hùng tâm sự, Trong những năm qua bằng những chính sách đúng, áp dụng khoa học kỹ thuật, Sa Pa đã quy hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng, tạo nên thế mạnh sản phẩm hàng hoá. Nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích cây trồng. Hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, cây dược liệu. Đặc biệt là cây dược liệu có giá trị cao như cây atiso, cây cát cánh, cây đương quy…

Tạm biệt những những đồi actiso xanh ngút ngàn, những mảnh vườn dược liệu đương quy, giảo cổ lam chúng tôi di chuyển về trung tâm thị xã Sa Pa, tiếp chúng tôi Bí thư thị ủy Sa Pa Phan Đăng Toàn vui vẻ chia sẻ: Xác định rõ thuận lợi, khó khăn, Sa Pa đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sơ chế, chế biến sâu. Đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Dược liệu là 1 trong 5 cây trồng chủ lực của Sa Pa và của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025. Với những tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây dược liệu, Sa Pa đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 trở thành vùng cây dược liệu trọng điểm của tỉnh Lào Cai với hơn 400 ha, trong đó tập trung vào các loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, actiso, giảo cổ lam, xuyên khung, tam thất, đương quy. Vùng sản xuất dược liệu quy hoạch tại các xã, phường như Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Hàm Rồng, Sa Pả, Liên Minh, Mường Bo.

duoc-lieu-2.jpg
Cán bộ Vườn quốc gia Hoàng Liên, Sa Pa ươm cây giống dược liệu để trồng tại Sa Pa

Nhờ có hướng đi đúng, chính quyền và nhân dân đồng lòng, năm 2021 toàn thị xã chỉ còn 4850 hộ nghèo, chiếm 35.70%. đến năm 2022 số hộ nghèo là 3855 hộ/13.556 hộ chiếm 28.44% giảm 7,26 % (tương đương giảm 995 hộ nghèo) so với năm 2021.

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, việc triển khai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn Sa Pa luôn được quan tâm. Sa Pa đã tạo thuận lợi cho người nghèo vay vốn tính đến thời điểm hiện tại Sa Pa đã giải ngân được 159.526 triệu đồng với 2.744 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Ngoài hưởng chính sách chung, người nghèo trong huyện còn được hỗ trợ an cư, tạo sinh kế sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Trong 5 năm qua Sa Pa đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, hoạt động kết nối doanh nghiệp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hình thành các vùng sản xuất tập chung quy mô lớn như vùng cây dược liệu, vùng cây ăn quả ôn đới, vùng rau an toàn ứng dụng một phần công nghệ cao... Nhiều dự án liên kết sản xuất đã phát huy hiệu quả đem lại thu nhập cao…

Chia tay Bí thư thị uỷ Sa Pa Phan Đăng Toàn khi trời đã xế chiều, đi trên những con đường thêng thang phẳng phiu thoảng hương dược liệu bay trong mây ngàn gió núi. Trong lòng tôi thấy niềm vui dâng trào, vui vì những đổi thay nơi những bản làng lưng chừng núi Hoàng Liên, vui vì đồng bào nơi đây đã tìm được loại cây trồng hợp với thổ nhưỡng khí hậu và vui cho những ngày mới không còn phải lo ăn từng bữa của đồng bào vùng cao Sa Pa quanh năm mây trắng cuốn mờ...

Bích Hợp