Kinh tế

Vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn khởi nghiệp

Bảo Hà 29/09/2023 - 15:53

Trong những năm gần đây, từ phong trào nông dân làm kinh tế giỏi của huyện Lạc Sơn đã xuất hiện một số mô hình phát triển kinh tế đa dạng, làm ăn hiệu quả với nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo vươn lên làm giàu chính đáng. Chị Bùi Thị Hằng, hội viên phụ nữ xóm Trại Sào, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn là một điển hình.

h.png
Mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi ngan của gia đình chị đã phát triển mạnh.

Trong những năm qua, từ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền, cùng sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của bà con nông dân, huyện Lạc Sơn đã có nhiều tấm gương điển hình Hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có mức thu nhập cao, ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống, vươn lên khá giàu trên địa bàn.

Là hội viên phụ nữ xóm Trại Sào, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, chị Bùi Thị Hằng, bắt đầu khởi nghiệp làm kinh tế trong điều kiện gia đình nhiều khó khăn. Năm 2016, chị đã bàn với gia đình và mạnh dạn mua 50 con gà, 30 con ngan, 2 con lợn về nuôi thử nghiệm tại vườn nhà. “Vạn sự khởi đầu nan”, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc chăn nuôi đàn gà, ngan, lợn đạt chất lượng không đồng đều, không thu được lãi.

Với bản tính cần cù, chịu khó, siêng năng, chăm chỉ, chị Hằng đã không nản chí và cùng chồng nghiên cứu tài liệu, học hỏi, tham khảo thêm các kiến thức về chăn nuôi. Năm 2018, chị được Hội phụ nữ hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp nên đã có tiền để mua thức ăn và cơi nới thêm chuồng trại.

Đến nay, mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi ngan, kết hợp nuôi lợn của gia đình chị đã phát triển mạnh. Mỗi năm gia đình chị nuôi 1300 con ngan, 5000 con gà, 120 con lợn thịt và được tiêu thụ rất nhanh, đảm bảo phục vụ khách hàng gần xa trong dịp lễ, Tết. Năm 2022, gia đình chị đạt mức thu nhập 1 tỷ 359 triệu đồng (trừ vốn và chi phí, chị bỏ ra được hơn 488 triệu đồng tiền lãi).

Từ nhu cầu thực tế gia đình chị quyết định mua ô tô đến thẳng công ty thức ăn chăn nuôi để lấy cám về phục vụ chăn nuôi cho gia đình và các hộ đã đăng ký và được mua với giá thành rẻ hơn, tăng thêm thu nhập các hộ gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hội viên Phụ nữ xã Tân Lập.

31c909036a06bf58e617.jpg
Giống lợn thịt của gia đình chị Hằng được tiêu thụ rất nhanh.

Nhận thấy mô hình hiệu quả của gia đình chị, để nhân ra diện rộng nhằm giúp hội viên khó khăn xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương, Hội LHPN xã tổ chức cho hội viên đến tham quan, học tập mô hình của gia đình chị, chị Hằng không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm đem lại hiệu quả trong sản xuất với bà con nhân dân trong xóm, trong xã, để họ tích cực tham gia thực hiện các mô hình do xã xây dựng, tích cực trong phát triển kinh tế, tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình mới, góp phần đẩy mạnh các phong trào, mô hình do phụ nữ đảm nhiệm trong xóm.

Sau khi học tập mô hình gia đình chị Hằng, đã có 115 hộ gia đình trong xã và vùng lân cận đã đăng ký giống, cám và chị sẵn sàng giúp đỡ các hộ gia đình chưa có vốn, giống để cùng chăn nuôi.

Với thành tích trên, ngày 05/7/2023 chị Hằng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021- 2023.

h2.png
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tặng bằng khen cho Hộ gia đình chị Bùi Thị Hằng đã có thành tích xuất sắc.

Bà Bùi Thị Ngợi - Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Lạc Sơn tự hào cho biết: "Dù tất bật với công việc gia đình, thế nhưng chị Hằng vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động của Chi hội phụ nữ xóm, là ủy viên ban chấp hành nhiệt tình với công tác Hội, luôn tham gia nhiệt tình trong phong trào ở cơ sở.

Với cách làm kinh tế của chị Bùi Thị Hằng không những làm giàu cho gia đình mà còn là tấm gương sáng để chị em phụ nữ trên địa bàn học và làm theo, dần tạo thành phong trào thi đua “Sản xuất giỏi” góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Bảo Hà