Trong nước

Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Khương Trung 29/09/2023 - 15:29

(TN&MT) - Sáng 29/9, thừa Ủy quyền của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch hội đồng đã chủ trì và điều hành cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tham dự cuộc họp có các Ủy viên phản biện: TS Phạm Khôi Nguyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; GS.TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, ĐBQH Khóa XV; TS.KTS Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; GS.TS Trần Đức Thạnh – nguyên Viện trưởng, Viện Tài nguyên và Môi trường biển và các ủy viên Hội đồng.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Thứ trưởng Lê Minh Ngân, các thành viên của Cơ quan thường trực Hội đồng, cơ quan lập Quy hoạch.

bt-phat-bieu-trung-canh.jpg
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch hội đồng đã chủ trì và điều hành cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển cho phát triển bền vững

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam thay mặt cơ quan lập quy hoạch báo cáo tóm tắt về Quy hoạch không gian biển quốc gia; báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý.

Theo đó, Quy hoạch được xây dựng trên các ý kiến đóng góp để bảo đảm quan điểm xuyên suốt nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển cho phát triển bền vững kinh tế biển.

Bảo đảm đồng bộ, thống nhất trên cơ sở tích hợp các quy hoạch có liên quan để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh; dựa trên nền tảng điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái biển, hải đảo và nhu cầu sử dụng của các ngành, lĩnh vực và địa phương có biển; bảo đảm phát triển bền vững, trên nền tảng tăng trưởng xanh, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; phát huy tối đa tiềm năng vị thế, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực và vùng biển, ven biển của Việt Nam; ưu tiên phát triển sáu ngành kinh tế biển, công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, đặc biệt là khoáng sản dưới đáy biển.

small_mr-toan(1).jpg
Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam thay mặt cơ quan lập quy hoạch báo cáo tóm tắt về Quy hoạch không gian biển quốc gia; báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý.

Duy trì chức năng, cấu trúc, khả năng chống chịu, sức chịu tải của các hệ sinh thái và các vùng, khu vực biển; bảo đảm khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu của các hệ sinh thái, môi trường biển cho đời sống con người và sự phát triển của các ngành kinh tế biển; giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển.

Phát triển kinh tế - xã hội biển dựa vào phương thức quản lý tổng hợp, liên ngành và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, hải đảo, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm và sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý, khai thác, sử dụng không gian biển.

Huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài chính ngoài ngân sách để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phát triển kinh tế biển; ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực về biển và thực hiện Quy hoạch; kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước; chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế.

Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển

Tại cuộc họp, các Ủy viên phản biện và ý kiến của các ủy viên Hội đồng đã đánh giá cao Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được chuẩn bị rất công phu, bài bản.

Các đại biểu nhận định rằng, trước sự tác động và thay đổi nhanh của không gian biển cũng như thế giới có nhiều bối cảnh mới, do đó đây là Quy hoạch có sự tiếp cận đa ngành, có sự tích hợp, lồng ghép, đồng bộ nhiều mảng thông tin để đưa ra một sản phẩm Quy hoạch tốt đến thời điểm hiện tại để từ đó đưa ra những định hướng tạo động lực và phát triển kinh tế - xã hội đồng thời vẫn quản lý hiệu quả nhất về tài nguyên thiên nhiên trong thời gian tới.

Các thành viên Hội đồng thẩm định đã bổ sung thêm nhiều ý kiến để xây dựng cụ thể vào Quy hoạch để cùng hướng đến mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2050 toàn bộ các vùng biển Việt Nam được quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững trong không gian và theo thời gian, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển; hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

small_toan-canh.jpg
Toàn cảnh cuộc họp sáng 29/9 của Hội đồng.

Các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng thời đề nghị Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ theo quy định.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu vừa trọng tâm, vừa gợi mở cũng rất chi tiết, cụ thể để bổ sung cho Quy hoạch.

Thay mặt Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá Quy hoạch không gian biển quốc gia là loại quy hoạch đa ngành, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam; mang tính tổng hợp, khó về chuyên môn. Quy hoạch được lập theo cách tiếp cận không gian, nhằm phân bổ, sắp xếp không gian biển cho các ngành, lĩnh vực hoạt động, thông tin, dữ liệu đầu vào cho việc lập quy hoạch phức tạp, mang tính tổng hợp và đa ngành.

small_bt-ket-luan-2.jpg
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát biểu kết luận cuộc họp

Hội đồng ghi nhận, đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, các ngành, các địa phương có biển, các nhà khoa học tổ chức xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia bảo đảm được các yêu cầu đặt ra. Hồ sơ Quy hoạch đã được chuẩn bị công phu, đảm bảo tuân thủ quy trình, quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/ND-CP.

Hội đồng cũng đánh giá nội dung quy hoạch phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đảm bảo tính kế thừa, tính động và mở để phù hợp với thực tiễn. Việc thể hiện quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể phù hợp, rõ ràng; toàn bộ nội dung của Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được các thành viên Hội đồng thống nhất cao.

Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các thành viên Hội đồng tại phiên họp, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo hồ sơ quy hoạch.

Đồng thời, Hội đồng thẩm định yêu cầu cơ quan thường trực Hội đồng khẩn trương xây dựng Báo cáo thẩm định quy hoạch, gửi lấy ý kiến thành viên Hội đồng; phối hợp hoàn thành thông báo Kết luận của Chủ tịch Hội đồng tại phiên họp thẩm định; Các thành viên Hội đồng có ý kiến góp ý bằng văn bản cho Báo cáo thẩm định quy hoạch và gửi Cơ quan thường trực Hội đồng; Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu ý kiến Hội đồng, căn cứ báo cáo Thẩm định để hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ theo quy định…

Khương Trung