Kinh tế

Mù Cang Chải (Yên Bái): Sử dụng hiệu quả nguồn lực giảm nghèo bền vững

Thanh Ngà (thực hiện) 29/09/2023 - 13:24

(TN&MT) – Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, chủ yếu là đồng bào dân tộc chiếm 96%, trong những năm qua huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo bền vững. Xung quanh nội dung này phóng viên Báo TN&MT đã trao đổi với ông Nông Việt Yên – Bí thư huyện uỷ Mù Cang Chải.

z4733224408153_f4a12e48e6b7ef67f40b71928ded0c19.jpg
Ông Nông Việt Yên – Bí thư huyện uỷ Mù Cang Chải.

PV: Thưa ông! Trong thời gian qua huyện đã triển khai những giải pháp ra sao để giảm nghèo bền vững? Và kết quả đạt được?

Ông Nông Việt Yên: Sau nửa nhiệm kỳ, kinh tế của huyện có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2022 giảm xuống còn 28,0% (giảm 2,5%), đạt 89,29% Nghị quyết Đại hội; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ đều tăng từ 1 đến 1,5% so với đầu nhiệm kỳ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 30,3 triệu đồng/người/năm, tăng 9,9 triệu đồng/người so với đầu nhiệm kỳ, đạt 74,26% mục tiêu nghị quyết đề ra.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới vào sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển các sản phẩm OCOP, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân và dần hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng sản xuất hoa hồng, nấm hương, rau an toàn, gạo nếp tan, gạo séng cù tại các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Khao Mang, Cao Phạ với tổng diện tích trên 800ha. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 570,5 tỷ đồng, tăng 4,2 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ và đạt 92,02% Nghị quyết đại hội.

Triển khai Chương trình mục tiêu quôc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện đã xác định trọng tâm vào thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của huyện đạt trên 8,44%/ năm. Đến cuối năm 2022 tổng số hộ nghèo còn 6.344 hộ, chiếm tỷ lệ 48,28%; số hộ cận nghèo là 1.452 hộ, chiếm tỷ lệ 11,05%.

psnamkhat.mp4.00_01_33_14.still009(1).jpg
Nhiều cây trồng đã phát huy được hiệu quả phát triển kinh tế

PV: Vậy trong quá trình triển khai huyện đã gặp khó khăn gì? Thưa ông!

Ông Nông Việt Yên: Đối với Mù Cang Chải, ngoài những khó khăn vốn có của huyện miền núi đặc biệt khó khăn, tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 96% dân số thì Mù Cang Chải vẫn còn nhiều trăn trở đó là: Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn còn thiếu, năng lực, phương pháp làm việc còn nhiều hạn chế; trình độ dân trí cũng như nhận thức không đồng đều, một số phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt không còn phù hợp chưa được thay đổi... đã ảnh hưởng và làm chậm nhiều tới kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Nhìn vào bức tranh tổng thể, tuy kinh tế - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế; tỷ lệ giảm nghèo hằng năm cao nhưng chưa thật sự bền vững, nhất là khi đối chiếu với các tiêu chí xác định theo Quyết định 36/2021/QĐ-TTg ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 và Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, nhất là về tiêu chí thu nhập hay các chỉ số tiếp cận như: Dinh dưỡng, chất lượng nhà ở, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin... vì trên địa bàn huyện Mù Cang Chải hiện nay còn tới 13 bản (1530 hộ) chưa có điện lưới quốc gia; 8 bản chưa có sóng điện thoại, gần 16 nghìn người chưa sử dụng Smartphone, số có thì phần lớn cấu hình, chất lượng kém...

PV: Thưa ông, với khó khăn đó, huyện cần có giải pháp cụ thể ra sao?

Ông Nông Việt Yên: Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kiên trì thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu và nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, chuyển đổi số, đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn...; chăm lo và phát huy vai trò của đội ngũ bí thư, trưởng bản, truởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng...Từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ cũng như phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong phát triển kinh tế và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, cần tận dụng và phát huy tối đa, hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở cơ sở theo thứ tự ưu tiên, làm đến đâu gọn và phát huy hiệu quả.

z4165525470795_833dd5c6661b918f7f81b11894297a3d.jpg
Tỷ lệ giảm nghèo bình quân của huyện đạt trên 8,44%/ năm.

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình xây dựng và phát triển của huyện; có tinh thần trách nhiệm, am hiểu địa bàn, phong tục tập quán; luôn gần gũi, lắng nghe và tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc hoặc người dân chưa hiểu, chưa rõ để tạo đồng thuận của Nhân dân trong quá trình triển khai các nhiệm vụ ở cơ sở.

PV: Vậy để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, huyện có đề xuất, kiến nghị gì? Thưa ông!

Ông Nông Việt Yên: Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và thực hiện mục tiêu xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến bản sắc, an toàn, thân thiện, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo. Huyện đề đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách ưu tiên (đặc thù) để thu hút đầu tư vào phát triển du lịch, sản xuất và chế biến nông nghiệp hữu cơ, sản xuất và chế biến dược liệu...

Cùng với đó, đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm và có chính sách thu hút hoặc tăng cường cán bộ công chức, giáo viên về công tác tại các huyện vùng cao. Bên cạnh đó, mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm, đồng thời kiến nghị với Trung ương quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông liên xã, hệ thống thủy lợi, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp học, hạ tầng viễn thông... để đảm bảo nhu cầu đi lại, sản xuất, học tập và chuyển đổi số trên địa bàn.

Thanh Ngà (thực hiện)