Xã hội

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Cao Bằng

Thuỵ Khanh 29/09/2023 - 13:22

(TN&MT) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trong năm 2023, với mục tiêu tổ chức lại việc sản xuất nông nghiệp ở một số khu vực, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực hiện theo Quyết định số 470/QĐ-BNN-TT ngày 07/2/2023 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc Ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn quốc năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cao Bằng đang trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, hướng tới mục tiêu trọng điểm đến hết năm 2023 đạt diện tích chuyển đổi 1.171,01 ha cây trồng hàng năm; 27,32 ha cây trồng lâu năm và 24,3 ha kết hợp trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.

Trên diện tích chuyển đổi được chia thành đất 1 vụ là 1.096,73ha và đất 2 vụ là 125,90ha. Trong đó, các loại cây trồng được chuyển đổi gắn với thị trường tiêu thụ đảm bảo lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững tại TP. Cao Bằng, huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc, Hà Quảng, Trùng Khánh,… chủ yếu bao gồm các cây loại cây hàng năm như ngô, rau màu, dâu tằm, mía, đỗ tương, thạch đen, cây thuốc lá, cỏ chăn nuôi, cây cảnh,… và cây lâu năm có các loại cây ăn quả gồm cam, chanh, ổi, bưởi, mác ca,…

t5.jpeg
Người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa theo Kế hoạch ban hành của Sở NN&PTNT Cao Bằng

Ngoài ra, tỉnh thực hiện kết hợp nuôi trồng thủy sản qua hình thức nuôi cá, ốc,.. Trên địa bàn tỉnh, có huyện Hà Quảng đã thực hiện việc nuôi trồng thủy sản chủ yếu tự phát kết hợp trồng lúa và nuôi cá chép ruộng, tập trung tại xã Cần Yên và Sóc Hà, Đa Thông, Lương Thông với diện tích 4ha, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo sinh kế cho người dân.

Nhằm đảm bảo thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, Sở NN&PTNT triển khai thực hiện theo các nguyên tắc chuyển đổi: Đảm bảo mặt bằng và không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; giữ nguyên hiện trạng hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi tại các vùng chuyển đổi.

Đối với trường hợp chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản, sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại.

Áp dụng các giải pháp về ứng dụng khoa học kỹ thuật như lựa chọn các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận phục vụ chuyển đổi; ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, tổ chức luân canh, xen canh... để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; thực hiện khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong canh tác và chế biến phù hợp với nhu cầu về nguyên liệu và thị trường.

9-1.gif
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Cao Bằng

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cho đến nay, Sở NN&PTNT đánh giá cơ bản các địa phương đã thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra trong các diện tích phân bổ, đã có kế hoạch tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, theo nhu cầu thị trường cho các loại sản phẩm nông sản; tập trung chỉ đạo sản xuất theo quy mô nhóm hộ và tổ hợp tác, hợp tác xã.

Bê cạnh đó, đã thực hiện việc liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ làm gia tăng giá trị cho nông sản mang lại hiệu quả cao trong sản xuất; đã khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ nông dân định hướng sản xuất, hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa và tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Các địa phương đã kịp thời vận dụng các chính sách hiện có của Trung ương, địa phương để hỗ trợ cho người dân tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa như hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ liên kết sản xuất, xúc tiến quảng bá tiêu thụ sản phẩm…; lồng ghép các chương trình, bố trí các lớp đào tạo nghề cho các vùng chuyển đổi; xây dựng các mô hình, dự án thí điểm tại một số vùng chuyển đổi.

Tiến đến quy hoạch về mục đích chuyển đổi cây trồng tại các địa phương trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai căn cứ vào Đề án số 21/ĐA-TU ngày 30/8/2019 Đề án Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 2306/KH-UBND ngày 31/8/2021 về kế hoạch phát triển cây Lê tại các huyện Thạch An, Nguyên Bình, Hòa An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 2307/KH-UBND ngày 31/8/2021 về kế hoạch phát triển cây dẻ Trùng Khánh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030…

Theo đó, các đơn vị, phòng ban chuyên môn trực thuộc Sở cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể các cấp trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đúng theo quy định.

Hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về các phương án chống hạn, phòng chống thiên tai đảm bảo kế hoạch sản xuất và hướng dẫn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, đồng thời các phòng ban, đơn vị chuyên môn cần chỉ đạo các HTX, Tổ hợp tác và nông dân ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị; phối hợp với các ngành liên quan và các doanh nghiệp trong tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả, đảm bảo các mục tiêu, tiến độ thực hiện.

Thuỵ Khanh