Xã hội

Hà Nam khởi sắc nhờ nông thôn mới

Việt Linh 29/09/2023 - 13:21

Sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Hà Nam đã có sự thay đổi toàn diện, cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân có nhiều cải thiện.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Mạnh Ngọc – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam.

z4735044564650_1ee0bd3cf525feeb420a5c8800c73bf2.jpg
Ông Ngô Mạnh Ngọc – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam.

PV: Những năm qua, chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Ngô Mạnh Ngọc:

Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, Sở NN&PTNT đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đề ra những giải pháp giúp các địa phương triển khai các tiêu chí NTM do ngành phụ trách, đặc biệt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.

Trên cơ sở đó, đã xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất cho hiệu quả cao, như: Mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa giai đoạn 2021-2025; Mô hình cánh đồng mẫu, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; Đề án xây dựng mô hình ứng dụng cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi cá nước ngọt thâm canh cao giai đoạn 2023-2025; Đề án “Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2023-2025…

z4735083793077_3fd79c5e051e0a34954e4b38fd194db8.jpg
Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà kính công nghệ cao tại huyện Lý Nhân (Hà Nam).

Hàng năm, chú trọng triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển mô hình HTX kiểu mới sản xuất ứng dụng công nghệ cao, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ… từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên toàn tỉnh.

PV: Từ vùng đồng chiêm trũng nghèo khó của châu thổ Sông Hồng, sau hơn 12 năm xây dựng NTM, xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà Hà Nam đã đạt được đến thời điểm hiện tại?

Ông Ngô Mạnh Ngọc:

Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp uỷ, chính quyền các cấp, phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân, từ trông chờ vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động tự tin tham gia tích cực vào các phong trào, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn Hà Nam đã có sự thay đổi toàn diện, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ. Bảo vệ môi trường nông thôn có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp.

PV: Tiêu chí môi trường luôn được xác định là một trong những tiêu chí khó thực hiện. Vậy Sở NN&PTNT đã có những giải pháp nổi bật nào để thực hiện hiệu quả tiêu chí này, thưa ông?

Ông Ngô Mạnh Ngọc:

Luôn xác định hoàn thành tiêu chí môi trường đã khó nhưng giữ vững được tiêu chí này lại càng khó hơn, ngành NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường nông thôn. Phát động phong trào xây dựng tuyến đường, cơ quan, công sở, trường học sáng - xanh - sạch - đẹp; phát huy tối đa vai trò của người dân tham gia bảo vệ môi trường, vận động nhân dân đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý, thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh tại thôn, xóm.

kc.jpg
Hà Nam hiện có 83/83 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, 12 xã NTM nâng cao và 19 xã NTM kiểu mẫu

Nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường được phát động, nhân rộng như: Trồng hoa, cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; mô hình đời sống văn hóa khu dân cư, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện tiêu chí môi trường; mô hình phận loại rác thải tại nguồn, cách xử lý rác hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp tại hộ ra đình và giải pháp thu gom, xử lý rác thải nguy hại là bao bì thuốc bảo vệ thực vật; chương trình Ngày thứ 7 tình nguyện, hướng dẫn nhân dân thực hiện tiêu chí môi trườn, Ngày “Chủ nhật xanh” dọn dẹp, phát quang bụi rậm, trồng cây xanh, trồng hoa; mô hình xử lý phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh tái phục vụ nông nghiệp; mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, an toàn sinh học…. góp phần tạo chuyển biến rõ nét về môi trường nông thôn Hà Nam. Đến nay, cơ bản các xã của Hà Nam đã đảm bảo tiêu chí môi trường theo Bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2021-2025.

PV: Tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống người dân về cả chất và lượng, xin ông thông tin những giải pháp trọng tâm mà Hà Nam đã đề ra?

Ông Ngô Mạnh Ngọc:

Thời gian tới, Hà Nam đã đề ra định hướng xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trên cơ sở xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và đặc thù, phù hợp với trình độ phát triển công nghiệp - dịch vụ, du lịch nông thôn, thích ứng biến đổi khí hậu. Chú trọng bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; giá trị văn hóa nông thôn được bảo tồn và phát huy; người dân phải được tiếp cận chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe tốt; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình xây dựng NTM. Coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Hà Nam. Ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Sau hơn 12 năm xây dựng NTM, Hà Nam hiện có 83/83 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, 12 xã NTM nâng cao và 19 xã NTM kiểu mẫu; 6/6 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt, Hà Nam là 1 trong 4 tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 7.890 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,8%; 7.804 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,77%.


Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 35 xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; 1 huyện đạt NTM nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo chung đa chiều trên địa bàn còn 1,56%; 90% số hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; 98% rác thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom; 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế, công nghiệp được thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo
tiêu chuẩn môi trường….

Việt Linh