Môi trường

Để vùng đất ngập nước Trà Sư phát triển gần hơn với tiêu chí của Công ước quốc tế Ramsar…

Phạm Khải 29/09/2023 - 08:19

(TN&MT) - Đây là mục tiêu được An Giang đặt ra đối với khu đất ngập nước Trà Sư sau một thời gian bị tác động bởi biến đổi khí hậu và các tác nhân từ con người.

Sở NN&PT An Giang vừa khởi động Dự án “Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long” (Mekong NbS). Dự án nhằm góp phần cải tạo hệ sinh thái tự nhiên cho Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang), đồng thời mang đến cơ hội cải thiện thu nhập cho người dân vùng lân cận.

Hệ động thực vật phong phú, đa dạng

Rừng tràm Trà Sư trước thập niên 80 của thế kỷ trước là một vùng trũng hoang hóa, đất đai bị nhiễm phèn nặng nên gần như bị xem là đất chết, không thể trồng lúa hay bất cứ loại hoa màu nào khác.

Với mục đích ngăn bớt sự hung hãn của con lũ đầu nguồn cũng như góp phần cải tạo đất đai, năm 1983, chính quyền địa phương đã tổ chức trồng thử nghiệm cây tràm. Năm 2003, xét thấy khu rừng phát triển nhanh và hình thành nên hệ sinh thái đặc trưng nên chính quyền địa phương đã đề xuất lên Trung ương biến nơi này trở thành khu Bảo tồn thiên nhiên để phục vụ công tác nhiên cứu. Cũng từ đó, Rừng Tràm Trà Sư trở thành điểm tham quan thu hút khá nhiều khách du lịch.

Năm 2005, rừng tràm Trà Sư được công nhận là Khu bảo vệ cảnh quan, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam với 845ha diện tích vùng lõi và hơn 1.100ha vùng đệm, khu vực này hàng năm trực tiếp nhận nước lũ từ sông Mekong vào mùa mưa, giúp duy trì chế độ ngập - khô theo mùa của một vùng đất ngập nước tự nhiên. Các sinh cảnh chính là rừng tràm, đầm lầy và đồng cỏ.

screenshot_1695938833.png
Trà Sư là sinh cảnh của nhiều loài động thực vật

Hệ thực vật ở rừng tràm Trà Sư đa dạng với 140 loài, nổi bật nhất là cây tràm và thảm bèo giăng kín mặt nước. Hệ động vật ở đây cũng khá phong phú, với ít nhất 70 loài chim được ghi nhận, trong đó có 2 loài được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam là Giang Sen và Điên Điển (Chim cổ rắn), 11 loài động vật có vú bao gồm dơi quý hiếm, và ít nhất 25 loài bò sát và ếch nhái. Ngoài ra, rừng còn là nơi trú ngụ quanh năm của 10 loài cá bản địa và 13 loài cá di cư vào mùa lũ, trong đó có 2 loài cá đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng là cá còm và cá trê trắng.

Nhiều khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng cho biết, rừng tràm Trà Sư nhiều năm qua đang phải đối diện với nhiều thách thức khó khăn. Biến đổi khí hậu kéo theo những bất thường về quy luật thời tiết khiến cho việc kiểm soát và phòng, chống cháy rừng trở nên khó khăn hơn. Đất canh tác bị suy thoái, sử dụng nhiều hóa chất trong canh tác đã làm giảm khả năng bổ cập nước ngầm. Việc điều tiết dựa vào nước lũ hàng năm trong khi nguồn nước không ổn định đã và đang gây nên tình trạng úng rễ và làm ngã đổ nhiều cây tràm, lượng bèo phát triển quá mức, gây mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

screenshot_1695939009.png
Lượng bèo phát triển quá mức có thể gây mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên
screenshot_1695939078.png
Việc săn bắt đang khiến các nguồn động vật cạn kiệt

Đặc biệt, việc săn bắt chim, đánh bắt thủy sản và khai thác các giá trị khác từ rừng khiến nguồn động vật tự nhiên cạn kiệt, nhiều loài bị đe dọa an toàn, một số loài có nguy cơ biến mất…

Một số chuyên gia cho biết, ĐBSCL đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn như: Biến đổi khí hậu, phát triển thủy điện và các công trình thủy lợi lớn ở thượng nguồn, khai thác tài nguyên quá mức, canh tác nông nghiệp, thủy sản thiếu bền vững... Do vậy, cần phải có những hành động kịp thời, những giải pháp hiệu quả và sự hợp tác chặt chẽ của cả khối công, khối tư, cộng đồng trong nước và quốc tế để giải quyết khẩn cấp những vấn đề này.

Vì vậy, triển khai thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của ĐBSCL như Mekong NbS được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ khu đất ngập nước nói chung và khu đất ngập nước – rừng tràm Trà Sư nói riêng. Đây có thể là mô hình điểm cho các địa phương khu vực ĐBSCL tham gia học hỏi và nhân rộng.

Phục hồi theo các tiêu chí của Công ước quốc tế Ramsar

Dự án xác định, bảo vệ diện tích rừng gồm toàn bộ diện tích lâm phần hiện có là 1.050 ha, gồm đất có rừng là 707,32 ha, đất chưa có rừng và đất mặt nước 342,68 ha; bảo tồn đa dạng sinh học góp phần bảo tồn các loài động, thực vật đặc hữu của rừng tràm Trà Sư, bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan rừng tràm Trà Sư trên đất ngập nước tiêu biểu vùng Tây sông Hậu phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển du lịch sinh thái.

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh An Giang sẽ triển khai dự án khôi phục rừng tràm và hệ sinh thái đất ngập nước Trà Sư, gồm 2 hạng mục: Vệ sinh, nuôi dưỡng rừng trồng 425 ha với biện pháp chặt dọn cây chết, đổ ngã, tỉa những đám cây có mật độ dày; trồng dặm vào diện tích rừng bị thiệt hại 60 ha. Giai đoạn 2021-2030, tỉnh đầu tư các công trình phục vụ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng bao gồm: 2 tháp quan sát cao 25 m; 2 chốt bảo vệ rừng; xây dựng hệ thống đê bao ở khu vực mở rộng của Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư; 0 trạm bơm; tu bổ, nâng cấp hệ thống thủy lợi Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư...

Trong giai đoạn từ tháng 8/2023 đến 12/2025, dự án sẽ hỗ trợ Ban Quản lý rừng tràm Trà Sư phục hồi sinh cảnh vùng lõi, hỗ trợ ban quản lý và cộng đồng địa phương bảo vệ, chống chặt phá, loại bỏ cây chết do ngập úng nhằm phát huy tối đa khả năng tái sinh, tạo điều kiện cho thảm thực vật trong rừng tràm phát triển, phục hồi; trồng bổ sung các loài bản địa ở 60ha và nuôi dưỡng 100ha rừng suy thoái; xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát đa dạng sinh học với các chỉ số giám sát cụ thể, đánh giá tính phù hợp với các tiêu chí của Công ước quốc tế Ramsar…

rung-tram-tra-su-chuan-bi-nhieu-thay-doi-cho-ngay-tro-lai-2.jpg
Dự án sẽ giúp tỉnh bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái, cảnh quan rừng tràm và đất ngập nước tiêu biểu

Bên ngoài vùng đệm, dự án hỗ trợ triển khai các mô hình sinh kế mùa lũ mang tính chất “thuận thiên” trên 205ha, tiếp cận ít nhất 100 người và nâng cao nhận thức cho cộng đồng xung quanh ở 5 ấp vùng đệm. Dự án sẽ cung cấp nguồn vốn để thành lập quỹ xoay vòng vốn nhỏ cho hội phụ nữ nhằm tạo các sinh kế thay thế và hỗ trợ kỹ thuật, giám sát vận hành quỹ. Cùng với đó, tăng cường năng lực quản lý và giám sát đa dạng sinh học, tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý, xây dựng kế hoạch quản lý nước để điều chỉnh và kiểm soát mực nước hàng tháng ở các khu vực đáp ứng nhu cầu nước cho các sinh cảnh tự nhiên.

UBND tỉnh An Giang cho biết, dự án sẽ giúp tỉnh bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái, cảnh quan rừng tràm và đất ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, làm cơ sở cho việc hợp tác về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đất ngập nước với các nước vùng hạ lưu sông Mê Kông; giữ ổn định độ che phủ rừng đạt tỷ lệ trên 68%, đảm bảo mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Về kinh tế, sẽ tạo ra nguồn thu ổn định từ việc khai thác kinh doanh các dịch vụ từ rừng và môi trường rừng, hệ sinh thái rừng tràm ngập nước để phục vụ trở lại công tác bảo vệ rừng. Về xã hội, thu hút trên 70% số hộ dân vùng đệm vào tham gia các hoạt động bảo vệ rừng, phòng cháy - chữa cháy rừng, xây dựng và phát triển rừng, du lịch sinh thái tạo ra sản phẩm nhằm ổn định đời sống cho cộng đồng dân cư sống chủ yếu dựa vào rừng...

Phạm Khải