Củ Chi (TP.HCM): Quản lý đất đai hiệu quả hướng tới phát triển bền vững
(TN&MT) - Trong những năm qua, huyện Củ Chi đã có nhiều giải pháp nhằm quản lý, khai thác tài nguyên đất hiệu quả, đáp ứng kịp thời cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nhờ sử dụng quỹ đất nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Tăng cường quản lý đất đai
Huyện Củ Chi là huyện ngoại thành thuộc phía Tây Bắc TP.HCM, cách trung tâm thành phố khoảng 33km. Củ Chi có tổng diện tích 43.477,18 ha (bằng 20,74% diện tích toàn TP.HCM), dân số 527.206 người.
Trong những năm qua, với xu thế phát triển chung, Củ Chi cũng đã, đang là một huyện có tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học nhanh; cùng với đó là quá trình công nghiệp hóa cũng diễn ra mạnh mẽ với 4 khu công nghiệp với hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động…
Nhằm tăng cường quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn đất đai và công tác quản lý Nhà nước phải đi vào nền nếp, đảm bảo theo quy định pháp luật, ngày 28/4/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Củ Chi đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/HU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện.
Theo lãnh đạo UBND huyện Củ Chi, các cơ quan chức năng của huyện thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai; kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm, nhất là trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp.
Đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật về đất đai, xây dựng nhằm nâng cao ý thức, nhận thức cộng đồng về chấp hành pháp luật đất đai; rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn, đề xuất xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm lấn, chiếm, chuyển quyền sử dụng đất trái phép, không đúng đối tượng.
Ngoài ra, Củ Chi tổ chức công khai việc quy hoạch sử dụng đất; sao lưu bản đồ kế hoạch sử dụng đất hàng năm chuyển về các xã, thị trấn để các địa phương làm cơ sở thực hiện công tác quản lý đất đai theo quy định. Duy trì hội nghị giao ban đánh giá kiểm điểm công tác quản lý đất đai với Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, ngành chức năng; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng đất ở địa phương. Vì vậy mà những các vụ vi phạm vừa nhen nhóm được phát hiện và xử lý, nhất là đối với những vụ việc có tranh chấp, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng không phép, sai phép,…
Khai thác quỹ đất hiệu quả phục vụ phát triển bền vững
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy Củ Chi cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai kết hợp với nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ cao.
Trong đó, công tác quy hoạch sử dụng đất đảm bảo tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi và quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Hiện, Củ Chi có quỹ đất nông nghiệp lớn, diện tích khoảng 17.000 ha. Tận dụng quỹ đất nông nghiệp lớn, nhiều năm qua, Củ Chi định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, tổng diện tích rau an toàn của huyện là 1.337ha, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao là 261,576 ha, hiệu quả kinh tế gần 1,5 tỷ đồng/ha; diện tích trồng hoa lan, cây kiểng 327,32 ha, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao 8,96 ha; diện tích nuôi cá cảnh là 21,2 ha, trong đó có 16,133 ha ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả kinh tế khoảng 2,4 tỷ đồng/ha…
Ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã tổ chức chuyển giao và xây dựng được 22 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, nuôi bò sữa, thủy sản và cá cảnh. Tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm gần 2,9% tổng số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính trong năm 2022, các cấp hội đã phối hợp tổ chức dạy nghề lao động nông nghiệp cho 1.363 lượt hội viên.
Đặc biệt, Hội viên nông dân tích cực tham gia các hoạt động thiết thực, chung sức xây dựng nông thôn mới như hiến 1.870 m2 đất, nâng cấp 6,6 km đường giao thông nông thôn, với hơn 2.155 ngày công; đồng thời, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường có hiệu quả như tuyến đường hoa kiểu mẫu, đổi rác thải nhựa lấy cây xanh hạt giống, thùng gỗ chứa rác có mái che, cánh đồng không có chai, vỏ thuốc bảo vệ thực vật…
Ngoài ra, tổ chức Hội Nông dân các cấp đã vận động và chăm lo cho hơn 1.119 lượt hộ hội viên diện nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động an sinh xã hội như trao tặng công cụ sản xuất, phương tiện sinh kế, trao tặng cây giống, con giống, hỗ trợ vốn, tặng quà tết, tặng lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn...