Môi trường

Năng lượng xanh - việc làm xanh

Khánh Ly 28/09/2023 - 16:10

(TN&MT) - Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Việt Nam đang có khoảng 200.000 việc làm liên quan đến năng lượng tái tạo (NLTT) và nằm trong nhóm 10 quốc gia hàng đầu thế giới về số lượng việc làm trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, thủy điện.

Hiện nay, thủy điện đang chiếm hơn nửa số lượng việc làm, nhưng với chủ trương chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang NLTT để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhiều chuyên gia dự báo, nhu cầu nhân lực phát triển điện mặt trời, điện gió và các nguồn năng lượng mới sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Xây dựng trung tâm việc làm năng lượng tái tạo

Lợi thế tiềm năng nắng, gió dồi dào đã biến Ninh Thuận trở thành một trong những địa phương tập trung nhiều dự án điện gió, điện mặt trời nhất của cả nước. Tỉnh đặt mục tiêu trở thành trung tâm NLTT của Việt Nam vào năm 2025. Nắm bắt xu thế này, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận đã bắt đầu triển khai các khóa đào tạo về công nghệ điện gió, điện mặt trời. Đến nay, Trường đã triển khai 1 chương trình đào tạo cơ bản về lắp đặt, bảo trì hệ thống điện mặt trời mái nhà, cùng với 5 khóa đào tạo nâng cao về công nghệ điện gió, điện mặt trời cho giảng viên giáo dục nghề nghiệp, kỹ thuật viên năng lượng tái tạo.

365278695_677975984371525_5456728014878538007_n.jpg
Học viên Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận thực hành lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời mái nhà

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Phan Anh Quốc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, Trường phối hợp cùng Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ)xây dựng Chương trình đào tạo chính quy kỹ thuật viên dịch vụ nhà máy điện gió, dựa trên tiêu chuẩn Đức/quốc tế và tuân thủ quy định của Việt Nam, dự kiến triển khai từ năm 2024. Cùng với mở mã nghề mới, Trường cũng đào tạo lại và nâng cao kỹ năng lĩnh vực NLTT cho học viên, người lao động của các doanh nghiệp NLTT trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Trường phối hợp với nhiều doanh nghiệp đưa học viên đến thực hành bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt ngay tại các dự án điện để giúp học viên có thể hiểu rõ nhất công việc của mình.

“Trưởng Cao đẳng nghề Ninh Thuận đang trên lộ trình phát triển trở thành Cơ sở Giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao vào năm 2025 và Trung tâm đào tạo xuất sắc về NLTT đầu tiên của Việt Nam vào năm 2026” - ông Anh Quốc chia sẻ.

Thông qua Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” mà Đức và Việt Nam đang hợp tác triển khai từ năm 2020 đến nay, đội ngũ giảng viên nguồn của Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận còn cung cấp đào tạo nâng cao về NLTT cho giảng viên từ 11 trường cao đẳng khác trên cả nước. Mỗi năm, 35.000 học viên các khóa học và hầu hết sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp với ngành đào tạo trong vòng 6 tháng. Điều này cho thấy, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này tại các địa phương khá lớn, và hoàn toàn có thể trở thành một xu hướng đào tạo nghề mới trong thời gian tới.

Đáp ứng nguồn nhân lực thực hiện mục tiêu giảm phát thải

Việt Nam đã cam kết với thế giới sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050. Và để đạt được mục tiêu này, theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045, NLTT sẽ chiếm ¾ tổng công suất nguồn điện của Việt Nam. Các nghiên cứu hiện nay cũng chỉ ra rằng: Đối với năng lượng gió và mặt trời, khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao. Xu hướng lao động có tay nghề cao trong ngành dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong thập kỷ tới tại Việt Nam. Do đó, năng lực đào tạo tại các cơ sở đào tạo cần phải thích ứng với xu hướng phát triển này để có thể tạo ra việc làm và đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Thống kê cho thấy, số lao động tham gia các hoạt động từ khai thác nhiên liệu hóa thạch đến vận hành nhà máy điện than tại Việt Nam đạt gần 100.000 người. Lực lượng lao động của những hoạt động này chiếm tỷ lệ lớn nhất trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, đồng thời có thể gặp những rào cản lớn nhất về địa điểm làm việc và kỹ năng, tay nghề phù hợp trong tương lai khi quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra. Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng, Bộ LĐ, TB&XH cho rằng, việc bồi dưỡng và nâng tầm kỹ năng cho người lao động là giải pháp cần thiết để hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, chuyển đổi việc làm, từ đó duy trì sinh kế và ổn định cuộc sống trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Với vai trò là một trong những thành viên tham gia triển khai Tuyên bố JETP, trong thời gian tới, Bộ LĐ, TB&XH sẽ xây dựng kế hoạch triển khai và đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy việc làm và phát triển kỹ năng gắn với dịch chuyển năng lượng ở Việt Nam như: tạo thêm cơ hội việc làm thông qua hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển các ngành, phát triển các chuỗi giá trị liên quan đến dịch chuyển năng lượng; xây dựng các tiêu chuẩn nghề liên quan đến các ngành, nghề NLTT và thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi năng lượng…

Theo ông Santiago Alonso Rodiguez - Tham tán thứ Nhất Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, Chính năng lực chuyên môn của lực lượng lao động cuối cùng sẽ quyết định tốc độ và khả năng mà Việt Nam có thể đạt được mục tiêu liên quan đến phát thải. Để trang bị cho lực lượng lao động những năng lực định hướng nhu cầu cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ cần hợp tác rất chặt chẽ với khối doanh nghiệp. Các bên liên quan đến đào tạo nghề cần hiểu rõ yêu cầu năng lực của doanh nghiệp và tích cực thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và đánh giá để học viên có thể rèn luyện được các kỹ năng cần thiết cho ngành.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần phải đảm bảo cho thanh niên, các nhóm yếu thế và người lao động ở các khu vực bị ảnh hưởng từ quá trình chuyển đổi có thể dễ dàng tiếp cận. Một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mạnh mẽ cần được bổ sung bởi các hệ thống thông tin thị trường lao động cập nhật, các dịch vụ tư vấn nghề nghiệp và mạng lưới kết nối việc làm, môi trường kinh doanh hòa nhập, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và các cơ chế bảo trợ xã hội hiệu quả. Đây chính là cơ sở để Việt Nam xây dựng một lực lượng lao động đa dạng, được chuẩn bị tốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng thay đổi trong tương lai và vượt trội trong nền kinh tế toàn cầu xanh đang không ngừng phát triển.

Khánh Ly