Biến đổi khí hậu

Phòng chống thiên tai ở Thừa Thiên - Huế: Chủ động di dân khu vực miền núi

Văn Dinh 28/09/2023 - 16:10

(TN&MT) - Các phương án phòng chống thiên tai, đặc biệt là di dân vùng núi ra khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét... đã được chính quyền hai huyện A Lưới và Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) chủ động triển khai.

Nhiều điểm sạt lở

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 70 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở. Trong đó, hai huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới có nhiều khu vực được xác định là “trọng điểm” sạt trượt đất.

hue-3.jpg
Nhiều điểm sạt lở ở huyện miền núi Nam Đông, “ăn” sát vào nhà dân

Trong phương án tổ chức sơ tán dân, đảm bảo an toàn khi có thiên tai năm 2023, các ngành chức năng Thừa Thiên - Huế dự kiến di dời để đối phó với lũ quét, sạt lở đất khoảng 4.700 hộ/15.800 nhân khẩu.

Tại huyện Nam Đông, qua rà soát, trên địa bàn toàn huyện hiện có 9 vị trí nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét khi có mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân. Trong đó “trọng điểm” nhất là ở khu vực thôn 2 (xã Thượng Nhật) với 86 hộ dân, 300 nhân khẩu. Địa hình thôn 2 nằm giáp khu vực sông suối nên có nguy cơ sạt lở cao, mặt khác lại nằm dưới chân thủy điện nên nỗi lo xả lũ vẫn luôn thường trực. Đặc biệt, từ đợt mưa lũ năm 2020, trên triền đồi ở thôn này đã xuất hiện điểm nứt, trường hợp mưa lớn kéo dài, có nguy cơ trượt lở đất, vùi lấp khu dân cư bên dưới.

Tương tự, tại khu vực xã Hương Phú và thị trấn Khe Tre có 14 hộ dân nằm “kẹp” giữa tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan và Tỉnh lộ 14B, phía trên tuyến cao tốc là quả đồi. Quá trình thi công tuyến giao thông, nhiều đồi núi sau khu vực dân cư đã bị san ủi, ảnh hưởng nhất định đến kết cấu địa chất khu vực xung quanh. Mặc dù có gia cố kỹ thuật nhưng trong mùa mưa lũ, nguy cơ sạt trượt núi rất cao.

Trong khi đó, tại huyện A Lưới, địa hình có khe suối nhiều, độ dốc lớn nên vào mùa mưa, dòng chảy các sông suối rất dữ dội, nhiều hộ gia đình chưa có nhà kiên cố và các hộ ở vùng thấp trũng có nguy cơ lớn bị lũ quét, sạt lở đất.

UBND huyện A Lưới thông tin, trên địa bàn huyện hiện tồn tại 18 điểm nguy cơ sạt lở đất với khoảng trên 500 hộ dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt tại thôn Tru Pỉ (xã Hồng Thủy) có khoảng 100 hộ dân sinh sống đã lâu, do ảnh hưởng thiên tai qua các năm, trên dãy núi gần khu dân cư này đã xuất hiện vết nứt với chiều sâu hơn 2m, “tách đôi” quả đồi. Xã Hồng Thủy đã bố trí một phần dân cư ở đây xen ghép vào khu tái định cư thôn Pa Ay gần đó. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân sống gần chân núi với nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa cần được di dời.

Chủ động di dân

8 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bị ảnh hưởng của 8 đợt không khí lạnh có cường độ trung bình đến mạnh, 2 đợt mưa lớn, 3 đợt giông, lốc sét... gây thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân. Càng về cuối năm, thời tiết diễn biến càng phức tạp. Dự báo từ tháng 9/2023 trở đi, tần suất xuất hiện mưa lớn sẽ nhiều hơn, tỉnh có khả năng xảy ra từ 3 - 4 cơn bão và 10 - 12 đợt mưa, mưa lớn. Mưa kéo dài tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, lũ quét vùng miền núi.

hue-1.jpg
Sạt lở thường xuyên xảy ra ở miền núi Thừa Thiên - Huế mỗi khi có mưa lớn

Ông Trần Quốc Phụng - Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, huyện đã rà soát, nắm cụ thể tình hình các hộ dân ở từng thôn có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để từ đó có phương án di dời dân đến nơi an toàn. Đến nay, đối với khu vực 14 hộ dân thuộc xã Hương Phú và thị trấn Khe Tre, huyện đã tiến hành xây dựng khu tái định cư với diện tích gần 1ha, tổng mức đầu tư 10,3 tỷ đồng từ nguồn vốn giải phóng mặt bằng của tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan. Dự án sẽ đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật phục vụ các hộ dân ảnh hưởng phải di dời nhằm đảm bảo an toàn, sinh kế lâu dài. Riêng đối với khu vực xã Thượng Nhật, chính quyền địa phương kiến nghị cấp trên sớm bố trí nguồn vốn xây dựng kè chống sạt lở dọc sông Tả Trạch với chiều dài khoảng 8km và bố trí đất quy hoạch khu tái định cư mới khu vực thôn 2 với khoảng 75 hộ, tiến hành di dời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa, bão.

Theo UBND huyện A Lưới, tùy diễn biến thời tiết, huyện sẽ triển khai di dời đảm bảo an toàn cho người dân và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản; tiến hành dự trữ lương thực và một số hàng nhu yếu phẩm, với 10 tấn gạo; 20.000 gói mì ăn liền; 5.000kg muối; 20.000 lít nước uống đóng chai… Riêng trên tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 49 là những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, Công an huyện, Hạt Quản lý đường bộ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cũng rà soát phương án, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính và nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông khi có mưa lũ, bão xảy ra.

Đối với các hộ dân ở thôn Tru Pỉ (xã Hồng Thủy), UBND huyện A Lưới đã tiến hành khảo sát và có phương án di dời hơn 100 hộ dân ở khu vực này qua bên kia sông Đakrông với diện tích khu vực tái định cư hơn 12ha, tổng kinh phí thực hiện khoảng 45 tỷ đồng. Khu vực này vốn đã quy hoạch khu dân cư, huyện đã đề xuất UBND tỉnh và đang chờ kinh phí để thực hiện.

Văn Dinh