Nhà đầu tư bất động sản: Bắt đầu săn “hàng ngộp”
(TN&MT) - Trong khi nhiều nhà đầu tư (NĐT) phải gồng lãi hoặc bán cắt lỗ thì trên thị trường bất động sản (BĐS) tại phía Nam bắt đầu xuất hiện các NĐT tranh thủ săn “hàng ngộp” (hàng cần bán gấp).
Cơ hội để mua vào
Sau nhiều năm ở nhà thuê, gia đình chị Ly (quận 12, TP.HCM) đã lên kế hoạch tìm kiếm một nơi để an cư. Chị Ly cho biết: “Mấy tuần qua, vợ chồng tôi được môi giới dẫn xem nhiều sản phẩm trong tầm tiền của mình và đang tiếp tục thương lượng về giá với chủ nhà trước khi có thể chốt được giao dịch mua bán. Theo tôi tìm hiểu, những sản phẩm đó đã giảm giá nhiều do chủ “ngộp” tiền trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, vợ chồng tôi cũng muốn kỳ kèo để giảm thêm được chừng nào hay chừng đó. Giờ người bán nhiều hơn người mua, sản phẩm lại nhiều nên vợ chồng tôi cũng không vội, cứ kiếm được căn nào giá tương đối rẻ, tốt là vợ chồng tôi chốt ngay“.
Anh Dũng (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng đang săn tìm những lô đất nền có giá hợp lý ở khu vực ven thành phố. Những nơi anh ưu tiên nhắm tới là huyện Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh (TP.HCM). Anh Dũng cho hay: “Từng đầu tư đất nền và thắng đậm ở loại hình này, do đó theo tôi, đất nền ở những nơi có hạ tầng, tiềm năng tăng trưởng về kinh tế vẫn là kênh đầu tư sẽ đem lại lợi nhuận tốt”. Cũng như anh Dũng, chị Hằng - một NĐT BĐS tại quận Gò Vấp (TP.HCM) cũng đang tìm cho mình căn nhà liền thổ với mức tài chính dưới 5 tỷ đồng để cho thuê, chờ khi nào lên giá rồi sẽ bán lại.
Chia sẻ về thị trường BĐS thời gian gần đây, anh Thành (một môi giới BĐS tại quận 8, TP.HCM) cho biết: “Mặc dù thị trường BĐS vẫn chưa thực sự phục hồi, nhưng đã túc tắc có giao dịch trở lại. Hầu hết khách hàng thời điểm này là đi săn “hàng ngộp”, người thì mua để ở nhưng nhiều nhất vẫn là dân đầu tư. Một số người sau thời gian tham khảo và thương lượng giá cũng đã chốt giao dịch thành công”.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D của DKRA Group phân tích: “Hiện tại, có những khách hàng đang theo dõi thị trường BĐS tìm những sản phẩm cắt lỗ, nhà đất “ngộp“. Song, số lượng giao dịch được thực hiện thành công vẫn chưa nhiều. Người mua, NĐT vẫn trong tâm thế nghe ngóng và thận trọng, họ chỉ thật sự xuống tiền khi tìm được sản phẩm “ngộp” đạt đủ các tiêu chí cần tìm“.
Cẩn trọng các rủi ro
Theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới, dòng tiền sẽ đổ vào thị trường BĐS khi có nhiều động lực mới thu hút các NĐT. Đầu tiên, đó là niềm tin của NĐT vào thị trường BĐS đã bắt đầu hồi phục trở lại. Thứ hai là tín hiệu từ các dự án đầu tư công lớn đã chính thức khởi động, kỳ vọng sẽ tạo sự sôi động cho thị trường BĐS. Thứ ba, các chính sách gỡ vướng của Chính phủ về pháp lý, thủ tục, cũng như về dòng vốn cũng sẽ là trợ lực đẩy thị trường vượt đáy. Cùng với đó, thông tin về lãi suất liên tục hạ cũng sẽ là chỉ số dự báo dòng tiền đầu tư, mua nhà ở thực sẽ sớm quay lại thị trường BĐS.
Anh Tâm (một NĐT BĐS tại TP.HCM và các địa phương lân cận) chia sẻ: “Nhiều mảnh đất có giá giảm sâu nhưng chưa chắc là cơ hội để xuống tiền. Có những mảnh đất dù giảm từ 10 - 20%, nhưng đáp ứng đủ các tiêu chí về pháp lý, vị trí, tiềm năng... tôi vẫn mua vào. Đi “săn” đất không nên chỉ quan tâm tới giá bán. Thực tế, lô đất có mức giá giảm sâu so với thị trường chung đều có những rủi ro đi kèm. Do đó, tôi không quan tâm tới việc chủ đất khó khăn hay nợ ngân hàng phải bán đất mà đạt kỳ vọng, tiêu chí thì nên mua”.
Thực tế cho thấy, hiện nay, có rất nhiều nhà đất tại các tỉnh, thành phía Nam đã giảm giá được bán ra thị trường BĐS. Do vậy, người mua sẽ có rất nhiều lựa chọn xuống tiền. Tuy nhiên, một số NĐT BĐS cho rằng, phải tuân thủ những quy tắc đặt ra ban đầu. Thông thường, để săn được “đất ngộp” phải có môi giới thân thiết, đa phần môi giới họ sẽ đều dành những suất mua đất ngộp cho khách quen, còn những mảnh đất được rao bán khắp nơi, khó có mức giá tốt.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang khuyến nghị: “Trong thời điểm hiện nay, nếu xuống tiền, NĐT cần cân nhắc 3 yếu tố. Thứ nhất là đầu tư các loại BĐS có pháp lý hoàn chỉnh, tính thanh khoản cao, vị trí gần trung tâm, hoặc có kết nối thông thoáng về khu trung tâm. Thứ hai, chọn sản phẩm mà NĐT có kinh nghiệm đầu tư để dễ dàng mặc cả, mua vào giá tốt. Thứ ba, phải “săn” các sản phẩm BĐS của dự án có chính sách giảm giá nhiều bằng chiết khấu, giãn tiến độ thanh toán…, có như vậy thì NĐT mới giảm thiểu được các rủi ro“.