Doanh nghiệp - doanh nhân

PV GAS “xanh hóa” nguồn năng lượng

Mai Chi 21/09/2023 15:33

Với sứ mệnh mang nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) luôn đi tiên phong trong việc chuyển đổi xanh. Bước sang tuổi 33, PV GAS đánh dấu bước phát triển mới khi trở thành đơn vị đầu tiên có đủ điều kiện thực hiện các hoạt động xuất, nhập khẩu và kinh doanh, phân phối LNG cho thị trường Việt Nam.

Hành trình cung cấp năng lượng xanh

Ngay từ những ngày đầu thành lập, PV GAS đã định hướng kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Do đó, PV GAS đã sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải…

capture.png
Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong chia sẻ: “Để có chuyến tàu LNG về tới Việt Nam, PV GAS đã phải trải qua một hành trình rất dài”

Thực hiện định hướng, chỉ đạo của Tập đoàn, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, PV GAS đã nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tiết giảm tối ưu sử dụng năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính trong các cơ sở sản xuất; phát triển các dự án nhập khẩu LNG theo hình thức các “Hub nhập khẩu” kết nối với các tổ hợp nhà máy điện khí và phân phối LNG cho các thị trường hiện hữu, mở rộng thị trường mới, thay thế các nhiên liệu than, dầu có mức phát thải cao hơn khí; nghiên cứu tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh Green H2, Green NH3 trên cơ sở tận dụng tối đa hạ tầng hiện hữu và đầu tư các hạ tầng mới…

Nhận thấy xu hướng sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, thân thiện với môi trường tại Việt Nam ngày càng cao, PV GAS đã mạnh dạn phát triển khí CNG. Đây là một loại nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, khi sử dụng sẽ giảm khoảng 20% lượng CO2, 30% lượng NOx, 70% SOx so với các nhiên liệu từ dầu và giảm 50% lượng hydrocarbon thải ra so với xăng. CNG được sử dụng thay thế xăng do những lợi thế hơn hẳn. Tại Việt Nam, PV GAS và các đơn vị thành viên là nhà cung cấp hàng đầu phát triển các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng CNG, được cộng đồng xã hội đón nhận và ủng hộ.

img_8103.jpg
PV GAS đã mạnh dạn phát triển khí CNG từ năm 2006

Không dừng lại ở đó, để khẳng định vai trò chủ lực, vị trí tiên phong trong việc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, PV GAS đã tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng để nhập khẩu LNG. Ngay từ năm 2019, PV GAS đã khởi công xây dựng Dự án kho cảng LNG Thị Vải; thành lập chi nhánh kinh doanh LNG với chức năng phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí khô, LNG, condensate; xuất nhập khẩu LNG, condensate; kinh doanh dịch vụ vận chuyển các sản phẩm khí; thu gom, vận chuyển, tàng trữ khí và sản phẩm khí. Đồng thời, ký kết hợp đồng khung mua bán LNG với hai nhà cung cấp: Shell Singapore và Gazprom Marketing and Trading Singapore (GMTS).

Với tầm nhìn xa, hoài bão lớn, quyết tâm cao, PV GAS đang nghiên cứu triển khai các dự án sản xuất hydro xanh, amoniac xanh để cung cấp cho khách hàng nội địa và xuất khẩu phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững… Mới đây, PV GAS đã gặp gỡ Tổ hợp nhà đầu tư quốc tế đến từ Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan để thảo luận về khả năng hợp tác phát triển các dự án ứng dụng nhiệt lạnh từ tái hóa khí LNG, nghiên cứu sản xuất Hydrogen từ LNG và nhiên liệu sinh khối.

Đưa năng lượng mới về Việt Nam

Nghị Quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.

1_-kho-chua-lng.jpg
Ngay từ năm 2019, PV GAS đã khởi công xây dựng Dự án kho cảng LNG Thị Vải

Triển khai nhiệm vụ này, PV GAS đã chủ động xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp LNG quốc tế, các nhà máy điện có nhu cầu sử dụng khí tái hóa, các hộ tiêu thụ khí ngoài điện để nắm bắt thông tin, kịp thời kết nối trong chuỗi giá trị kinh doanh LNG… Đáng chú ý, trong bối cảnh xảy ra đại dịch toàn cầu, PV GAS đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành dự án Kho cảng LNG Thị Vải có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, có thể tiếp nhận được tàu LNG tải trọng lên đến 100.000 tấn, với bồn chứa LNG 180.000m3 đạt tất cả yêu cầu kỹ thuật khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là kho cảng. Cùng với đó PV GAS đầu tư kho cảng nhập khẩu LNG Sơn Mỹ với tổng công suất dự kiến khi hoàn thành lên đến 10 triệu tấn LNG/năm…

Những nỗ lực của CBCNV PV GAS đã được ghi nhận, ngày 5/5/2023, Bộ Công Thương chứng nhận PV GAS đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG. PV GAS đã trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam được công nhận có đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG. Đây là khởi đầu mới nhiều triển vọng cho PV GAS, xác lập vị trí quan trọng trong quá trình thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng.

Tiếp tục ghi dấu trên hành trình hiện thực hóa khát vọng xây dựng ngành công nghiệp khí hiện đại, quy mô xứng tầm quốc tế, ngày 10/7/2023, PV GAS đã tiếp nhận thành công 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia cập bến Kho cảng Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

images1843481_8m3.jpg
Thời điểm đưa dòng khí đầu tiên vào đường ống dẫn khí Thị Vải - Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Chia sẻ về chuyến tàu LNG này, Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong cho biết, để có chuyến tàu LNG về tới Việt Nam, PV GAS đã phải trải qua một hành trình rất dài. Câu chuyện về LNG bắt đầu từ những năm 2010 và tới ngày 10/7/2023, ước mơ của PV GAS về việc nhập khẩu LNG mới có thể trở thành hiện thực. Trong hành trình dài như vậy, PV GAS gặp khó khăn từ nhiều phía, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua. Đơn cử như, khi PV GAS vừa ký hợp đồng EPC để triển khai kho LNG Thị Vải thì cũng là lúc dịch Covid-19 hoành hành hết sức dữ dội…

Giờ đây, những khó khăn trước mắt đã qua nhưng những thách thức trong tương lai vẫn còn chờ đó. PV GAS sẽ phải nỗ lực rất nhiều để tiếp tục theo đuổi mục tiêu “xanh hóa” nguồn năng lượng, thực hiện chính sách Net Zero theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26. Đối với việc phát triển LNG, với vai trò chủ lực trong thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp Khí Việt Nam, PV GAS đã đưa ra mục tiêu trở thành nhà cung cấp LNG số 1 tại thị trường Việt Nam, nhưng để đạt được điều đó, cần có các quy định và chính sách hỗ trợ rõ ràng nhằm thúc đẩy phát triển nguồn cung.

Mai Chi