Xã hội

Lai Châu chú trọng đầu tư phát triển cây chè

Hoàng Châu 27/09/2023 - 10:42

(TN&MT) - Lai Châu có lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng phát triển các sản phẩm nông nghiệp như chè, nếp tan Co Giàng, miến dong Bình Lư, sa nhân, đương quy, sơn tra,…Trong đó, cây chè ở tỉnh Lai Châu đã khẳng định được vị trí trong các sản phẩm nông nghiệp.

Hiện nay, Lai Châu đang có khoảng gần 9.000 ha chè. Diện tích chè kinh doanh đạt gần 7.000 ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 73,1 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 45 nghìn tấn/năm, tương ứng 11.000 tấn chè búp khô các loại. Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích.

Cây chè Lai Châu tập trung chủ yếu tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, thành phố Lai Châu với giống chè như: chè Shan, Kim Tuyên, PH8, chè cổ thụ. Trong đó, Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên là những địa phương có diện tích chè lớn của tỉnh Lai Châu. Tận dụng ưu thế về điều kiện tự nhiên, cơ chế chính sách và nguồn lao động dồi dào, các huyện đã xây dựng thành công thương hiệu chè sạch chất lượng cao với sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp và hàng nghìn hộ dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu tập trung xây dựng thương hiệu chè Lai Châu để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của ngành chè. Đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ và tổ chức quảng bá xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè.

a2.jpg
Đồi chè Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tập thể. Phát triển mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà băng) trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Tập trung xây dựng thương hiệu đối những sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương.

Những năm trước đây, người dân huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu chưa chú trọng tới việc chăm sóc nên cây trồng cho năng suất, chất lượng thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển cây chè là cây trồng mũi nhọn

Ông Nguyễn Hồng Quân – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: Huyện Tam Đường có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế nhờ trồng và chế biến chè xanh. Những năm qua, huyện Tam Đường luôn chú trọng đầu tư để phát triển vùng chè chất lượng cao, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực, nâng cao động lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.

Đồng thời, giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển cây chè là cây trồng mũi nhọn. Đến nay, huyện Tam Đường không còn cảnh đất trống đồi trọc mà thay vào đó là màu xanh của những nương chè. Cây chè phát triển tại các địa bàn như: Bản Bo, Bản Giang, Nà Tăm, Sơn Bình, Bình Lư, Thèn Sin và thị trấn Tam Đường… với các loại chè: shan tuyết, kim tuyên, PH8. Tổng diện tích chè toàn huyện là 1.947 ha, trong đó chè kinh doanh 1.200 ha, sản lượng ước đạt 10.200 tấn/năm. Từ trồng chè, thu nhập của bà con được nâng lên, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, cây chè đem lại nguồn thu ổn định cho người dân trên địa bàn huyện.

a.jpg
Được chăm sóc tốt chè xã Bản Bo, huyện Tam Đường cho năng suất cao.

Để cây chè cho năng suất, chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, Phòng phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chú trọng khâu chăm sóc chè. Ngay từ cuối năm, các hộ trồng chè phải tiến hành đốn chè, đồng thời sử dụng các loại phân bón để bổ sung các chất dinh dưỡng cho cây chè, đặc biệt khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để đảm bảo sản xuất chè sạch, giúp cây chè sinh trưởng và phát triển tốt.

Thời gian tới, để tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích chè, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thu hút, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp vào liên doanh, liên kết với người dân trong chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Với định hướng đúng đắn, những giải pháp cụ thể, trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Tam Đường, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Hoàng Châu