Kinh tế

Bát Xát – Lào Cai: Nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi

Bích Hợp 26/09/2023 - 17:50

(TN&MT) - Những năm qua, để công tác giảm nghèo đi vào thực tế và bền vững huyện Bát Xát( Lào Cai) đã cùng với người dân tích cực triển khai các dự án phát triển kinh tế. Từ đó nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng góp vốn đối ứng, phát huy được hiệu quả nguồn vốn của ngân hàng chính sách.

Để tìm hiểu rõ hơn về công tác giảm nghèo bền vững nhờ phát huy những mô hình kinh tế chúng tôi có buổi trao đổi với ông Nguyễn Trung Triều, Bí thư huyện uỷ Bát Xát xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết thời gian qua huyện Bát Xát đã làm gì để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững nhờ vào phát huy hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế?

Ông Nguyễn Trung Triều: Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, việc triển khai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Bát Xát luôn được quan tâm. Ngoài hưởng chính sách chung, người nghèo trong huyện còn được hỗ trợ an cư, tạo sinh kế sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong 5 năm qua huyện Bát Xát đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, hoạt động kết nối doanh nghiệp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 69 triệu đồng/ha.

anh-trieu.jpg
Ông Nguyễn Trung Triều, Bí thư huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Hình thành các vùng sản xuất tập chung quy mô lớn như vùng cây dược liệu, vùng cây ăn quả ôn đới, vùng rau an toàn ứng dụng một phần công nghệ cao... Nhiều dự án liên kết sản xuất đã phát huy hiệu quả đem lại thu nhập cao cho các thành viên tham gia. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 36,2% năm 2015 lên 55% năm 2022; giải quyết việc làm mới cho trên 7.500 lao động.

Ngoài ra, còn vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập 23 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn huyện lên 62 HTX, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng... tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho trên 2.000 lao động. Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bằng việc tập chung nhiều giải pháp để phát triển kinh tế gắn với tăng thu nhập và giảm nghèo cho nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2021 giảm 4,01%, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 38,42%. Năm 2022 toàn huyện giảm 1404 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 37,11%. 6 tháng năm 2023 đã giảm được 304 hộ nghèo tương đương với 2,21%, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 34,99%.

bat-xat.jpg
Huyện Bát Xát đã phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế để đưa công tác giảm nghèo đi vào thực tế.

Phát huy những kết quả đạt được bằng việc triển khai đồng bộ các chương trình và đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Đặc biệt, ưu tiên các nguồn vốn thực hiện chương trình, dự án mô hình phát triển kinh tế xã hội, gắn với tạo việc làm cho lao động trên địa bàn phấn đấu tỷ lệ giảm nghèo đạt bình quân hàng năm từ 3,5% trở lên, thu nhập bình quân của người dân đến năm 2025 đạt từ 60-70 triệu đồng/người/năm.

PV : Ông có thể nói rõ hơn về các mô hình kinh tế giúp người dân giảm nghèo tại Bát Xát ?

Ông Nguyễn Trung Triều: Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, huyện Bát Xát đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Khuyến khích người dân phát triển các mô hình vừa tạo ra thu nhập cho mình vừa tạo công ăn việc làm cho các lao động xung quanh. Thời gian qua cũng có nhiều mô hình đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi. Tiêu biểu như tấm gương anh Vàng Văn Sưởng, dân tộc Giáy, xã Mường Vi mở xưởng chiết xuất tinh dầu sả và thành lập Hợp tác xã Mường Kim có doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm, được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 anh Sưởng không những tự thân thoát nghèo mà còn giúp rất nhiều lao động có công ăn việc làm và có thu nhập ổn định.

bat-xat-2.jpg
Mô hình chiết xuất tinh dầu xả của HTX Mường kim đã và đang là một trong những mô hình kinh tế giúp người dân giảm nghèo tại xã Mường Vi, huyện Bát Xát.

Hoặc mô hình nuôi ong dế của anh Vù A Các ở xã Trịnh Tường; trang trại nuôi lợn đen bản địa của anh Lò Láo Tả, xã A Mú Sung; các mô hình tập thể chăn nuôi ngựa sinh sản theo hướng hàng hóa của đồng bào Giáy ở xã Mường Vi; mô hình trồng lê Tai nung của các hộ người Dao thôn Kin Chu Phìn, xã Nậm Pung; mô hình phụ nữ Hà Nhì làm du lịch cộng đồng tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý…

Để các mô hình phát triển kinh tế thực sự phát huy hiệu quả, Đảng ủy huyện Bát Xát và các xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chấp hành sát sao đến từng chi bộ, tham gia sinh hoạt chi bộ, họp thôn lựa chọn nội dung phù hợp, cùng tìm hướng tháo gỡ khó khăn vướng mắc ngay từ cơ sở, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong công tác dân vận. Từ đó tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, Nhân dân một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm phát triển kinh tế thoát nghèo.

PV: Vậy Huyện Bát Xát còn gặp phải khó khăn thách thức gì trong công tác giảm nghèo và nhân rộng mô hình kinh tế giỏi, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Triều: Các mô hình được đề xuất nhân rộng hiện tại phù hợp với nhu cầu, điều kiện nhân rộng, tiêu chí nhân rộng, phù hợp quy hoạch phát triển sản xuất, cơ cấu cây trồng, con vật nuôi của địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Một số hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo huyện cũng còn gặp những khó khăn như: Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ về cho huyện còn chậm; nhiều dự án thuộc chương trình còn phải điều chỉnh kế hoạch nhiều lần; một số văn bản hướng dẫn chưa kịp thời; ngoài ra, Bát Xát còn 10 xã/21 xã có tỷ hộ nghèo trên 50%…

bat-xat.jpg
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao một trong những mô hình tiêu biểu ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường tăng hiệu quả kinh tế của đất giúp giảm nghèo tại huyện Bát Xát.

Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên vùng núi cao, địa bàn rộng, hệ thống giao thông chưa thuận lợi, khí hậu, thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường; điều kiện xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nhiều mặt, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn;Thị trường hàng hoá và thị trường lao động trên địa bàn nông thôn đang trong giai đoạn đầu, chưa phát triển sâu rộng. Nhận thức của người dân ở một số nơi chưa thay đổi nhiều, vẫn giữ những phong tục tập quán lạc hậu. Tư duy và các kỹ năng phát triển kinh tế hộ gia đình rất yếu nên việc thay đổi tư duy trong phát triển các mô hình kinh tế chưa được nhiều và hiệu quả.

PV: Trong thời gian tới, Bát Xát có kế hoạch gì để công tác giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Triều: Trong thời gian tới, để giảm nghèo gắn với các mô hình phát triển kinh tế đi vào thực tiễn, huyện Bát Xát sẽ lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Lào Cai, huyện Bát Xát tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình chính sách dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, phát triển các mô hình.

bat-xat-1.jpg
Phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế gắn với giảm nghèo đang là hướng đi mới trong công tác giảm nghèo tại huyện Bát Xát( Lào Cai).

Cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.

Tạo cơ hội để người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Huy động các nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo, giúp người nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững. Bát Xát phấn đấu sẽ về đích nông thôn mới trong năm 2025.

PV: Xin trân thành cám ơn ông!

Bích Hợp