Đất đai

Bình Định: Đảm bảo đất sản xuất, đất ở cho người nghèo, vùng dân tộc thiểu số

Thanh Tùng 26/09/2023 - 17:49

Các số liệu thống kê cho thấy, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định còn khá phổ biến. Do đó, những năm qua, Bình Định đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm giải quyết căn cơ tình trạng này để đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, vươn lên thoát nghèo.

Hỗ trợ đất ở, nhà ở cho hộ nghèo

Ngày 20/7/2022, HĐND tỉnh Bình Định nhất trí thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 3% - 4%; phấn đấu khoảng 10 xã và 4 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, giữ vững 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 96% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với phương tiện nghe, nhìn; giải quyết cơ bản công tác định canh, định cư. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí trên 100% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo; phấn đấu xóa nhà tạm, dột nát cho 100% số hộ dân tộc thiểu số nghèo.

anh-2.jpg
Bình Định hiện có 39 dân tộc thiểu số, sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, diện tích tự nhiên chiếm 48,4% diện tích của tỉnh

Chương trình đã dành riêng Dự án 1 với mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào. Theo đó, mục tiêu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; phấn đấu đạt 90% hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của tỉnh.

Với mục tiêu trên, HĐND tỉnh Bình Định yêu cầu, căn cứ quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định giao đất để làm nhà ở cho các đối tượng nêu trên phù hợp với điều kiện, tập quán ở địa phương và pháp luật về đất đai, cụ thể: ở những nơi có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương sử dụng số tiền hỗ trợ từ ngân sách để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để cấp đất ở cho các đối tượng được thụ hưởng; ở các địa phương không có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương bố trí kinh phí hỗ trợ cho người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép.

Về hỗ trợ nhà ở, HĐND tỉnh yêu cầu hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, định mức tính theo xây dựng 1 căn nhà cấp 4 đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).

Cùng với đó, hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu từ 50% đất sản xuất trở lên theo định mức của tỉnh thì được hưởng một trong hai chính sách sau: Hộ không có đất sản xuất nếu có nhu cầu và chính quyền địa phương bố trí được đất sản xuất thì được chính quyền địa phương trực tiếp giao đất sản xuất; trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Bố trí đất ở gắn với đào tạo nghề

Theo nhận định của lãnh đạo nhiều địa phương tại tỉnh Bình Định, nơi cư trú của đồng bào chủ yếu có địa hình chia cắt phức tạp, ít đất ở và đất sản xuất, bà con lại ở phân tán. Sự gia tăng dân số tự nhiên và cơ học ở vùng dân tộc thiểu số diễn ra khá nhanh, việc tách hộ gia đình phổ biến, những hộ mới hầu như đều thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất. Thêm vào đó, công tác tổng hợp, rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ còn thiếu chính xác, làm chậm tiến độ phê duyệt, khó xác định nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện.

Đáng chú ý, công tác xây dựng quy hoạch chi tiết, xây dựng dự án tạo quỹ đất ở, đất sản xuất nông lâm nghiệp còn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Công tác rà soát đất đai tại các công ty lâm nghiệp để thu hồi diện tích đất không sử dụng, hoặc sử dụng không có hiệu quả trả lại địa phương để giao cho các hộ thiếu đất sản xuất còn chậm. Giải pháp đào tạo nghề, chuyển nghề, thu hút việc làm… chưa đạt mục tiêu giảm áp lực thiếu đất sản xuất.

anh-1.jpg
Đường giao thông, hệ thống điện được đầu tư hoàn thiện giúp nâng cao đời sống người dân tại xã An Dũng (huyện An Lão). Ảnh: N. HÂN

Ông Hồ Sĩ Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định cho rằng, các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số cần phân loại các hộ không có đất và thiếu đất sản xuất (hộ có nhu cầu về đất để sản xuất; hộ thật sự có nhu cầu về giao rừng, khoán rừng; hộ có nhu cầu phát triển chăn nuôi, dịch vụ, ngành nghề…) để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ rà soát đất đai, xác định diện tích đất không sử dụng, hoặc sử dụng không có hiệu quả đề xuất UBND tỉnh thu hồi, giao cho địa phương để giao cho các hộ thiếu đất sản xuất.

“Các huyện cần chỉ đạo UBND xã phối hợp với các phòng chuyên môn, căn cứ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch nông thôn mới để xây dựng quy hoạch chi tiết, lập dự án khai hoang, xây dựng quỹ đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện việc giao đất cho các hộ thiếu đất hoặc không có đất sản xuất”, ông Hồ Sĩ Dũng nói.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030 cũng đã đề ra nhiều giải pháp ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Cụ thể, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương để đầu tư các công trình giao thông kết nối, công trình điện lưới quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho các huyện nghèo có nhiều xã, thôn đặc biệt khó khăn; thực hiện cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt dựa trên quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương.

Thanh Tùng