Xã hội

Những con người vươn lên từ bản

Trần Hương 26/09/2023 - 17:48

(TN&MT) - Tự bao đời nay, đồng bào các dân tộc vùng Điện Biên luôn chịu thương chịu khó, tay làm hàm nhai. Bao giọt mồ hôi đổ xuống làm ruộng đồng xanh tốt. Một dạo, họ đua nhau về xuôi tìm kiếm cơ hội việc làm, đất, vườn bỏ hoang…Nhưng không phải ai cũng có thể đi xa, trong số ấy cũng có những người bám trụ lại làm giàu từ bản…Dù thu nhập chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Nhưng chí ít họ đã từng bước thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất ông cha để lại, dẫu những nhọc nhằn cất lên từ bản…

Người phụ nữ Thái ở Pa Tần giàu nghị lực

Có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế ở bản mà Hội Nông dân giới thiệu cho chúng tôi. Mô hình nào cũng đậm chất nông dân thứ thiệt toát lên sự cần cù chịu khó. Sản phẩm làm ra là những vật nuôi, cây trồng quen thuộc…là những vịt, gà, ngan, ngỗng. Những vạt nương ngô, nương lúa và cả nhưng mô hình có phần quy mô, bài bản vườn - ao - chuồng (VAC) của nhiều hộ vùng cao. Tất thảy đều chứng thực một điều, lao động là không ngừng sáng tạo. Cái sáng tạo của người nông dân Điện Biên dẫu chưa làm nên kỳ tích…Nhưng họ đã thoát nghèo vươn lên từ khốn khó, mảnh đất nghèo nên cho giấc mơ cũng đạm bạc, hạnh phúc của nông dân đôi khi chỉ là biết nâng dần kỹ thuật chăn nuôi, biết ghép cành nhân giống...Dẫu thành quả chưa thực sự tương xứng thì họ vẫn vui…Vui vì được lao động trên chính diện tích đất của gia đình, không phải bỏ làng, bỏ bản đi đến những miền xa…Và cũng có những con người đã trở nên giàu có…có cuộc sống đủ đầy, sung túc.

Từ nhiều đời nay, người phụ nữ Thái phần lớn lo toan chuyện bếp núc, chuyện con cái học hành. Việc kiếm tiền mặc nhiên giao cả cho người chồng, trụ cột của gia đình. Lẽ đó mà người phụ nữ Thái dễ bằng lòng và an phận. Tuy nhiên, với trường hợp vươn lên thoát nghèo của Lò Thị Kiên, ở xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, mới ngoài 30 tuổi, phải nuôi 2 con nhỏ, chồng đi làm ăn xa là một điển hình của sự năng động, biết sẻ chia gánh vác cùng chồng…vươn lên từ bản.

Bằng chính sự học hỏi, hiểu biết, vốn hay lam, hay làm của Kiên đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, vượt lên chính mình và chính cả những người trong bản của Kiên. Người trong bản Kiên chưa khi nào có đàn vịt đến quá 2 chục con. Họ nuôi vốn để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Một phần vì thói quen chăn nuôi thuần túy, một phần vì người trong bản Kiên không có kinh nghiệm. Nên vật nuôi thường hay bị chết mà không biết cách phòng, chống.

a1.png
Chị Lò Thị Kiên (Áo trắng) bản Pa Tần, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ chăn nuôi vịt.

Kiên kể: Chồng đi làm ăn xa, mỗi lần hết tiền mua thức ăn cho con, em chỉ còn biết trông vào 5 con vịt bầu đẻ trứng. Vì không biết chăm nên chúng đẻ cách nhật, ngày có ngày không. Rồi em nghĩ: sao mình không học cách phát triển đàn vịt cả trăm con, nghìn con để bán trứng cho bản (!?). Trong khi, người trong xã em vẫn phải mua trứng ở nơi khác về để ăn. Cũng chính từ ý nghĩ đó mà em lên mạng học hỏi cách chăm sóc vịt con, vịt đẻ…Ban đầu em chỉ dám nuôi 100 con, nhưng nó chết chỉ còn được 30 con. Em lại học kỹ thuật chăm sóc từ các biểu hiện của bệnh. Nhất là những khi đàn vịt lăn ra chết mà em cứ loay hoay hỏi chỗ này chỗ kia… Lên mạng hỏi không rõ, chưa hiểu em lại phi xe ra huyện… hỏi cán bộ khuyến nông. Có những lần đi huyện hỏi kỹ thuật… em phải gửi 2 con nhỏ nhờ hàng xóm trông hộ, tối về nhìn 2 con nhịn đói, mặt mũi lem luốc ôm nhau ngủ mà em rớt nước mắt. Nhưng em vẫn bấm bụng quyết tâm làm.

Chồng em phải đi làm thuê khắp nơi nhưng đời sống vẫn bấp bênh, chật vật. Mãi đến tận năm 2019, em mới thực sự bắt tay vào gây dựng mô hình nuôi vịt đẻ. Em bàn với chồng mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện Nậm Pồ được 15 triệu đồng, mua giống hết 10 triệu còn 5 triệu em mua cám, mua thuốc phòng bệnh… Ban đầu chỉ nuôi 300 con, khi lứa vịt đầu tiên em gột thành công không chết con nào. Có kinh nghiệm em phát triển dần… đến nay, mô hình của vợ chồng em đã có trên 1.200 con vịt siêu đẻ. Chồng em thấy mô hình của em làm hiệu quả nên đã ở nhà phụ giúp em cùng làm, không đi làm thuê ở xa nữa.”

Kiên nói về những kỹ thuật chăn nuôi như một kỹ sư nông nghiệp thực thụ. Em bảo: “Kia con suối Nậm Chà phía sau nhà đã cho em rất nhiều động lực, nhờ sinh thủy tốt, nước luôn trong, dồi dào. Chính vì thế mà đàn vịt siêu trứng của vợ chồng em ít bị dịch bệnh hơn.”

Bây giờ, mô hình vịt siêu đẻ của vợ chồng Kiên đã cho lãi đều, trung bình mỗi năm gia đình thu trên 200 triệu đồng từ bán trứng vịt. Và Kiên cũng là người phụ nữ Thái đầu tiên của xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ trở thành triệu phú nông dân từ mô hình nuôi vịt siêu trứng, chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu sang mô hình trang trại thành công.

Chuyện người đàn ông Mông thoát nghèo

Đối với người miền xuôi, mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) không có gì xa lạ và bất ngờ. Bởi hiện nay, nông dân miền xuôi nhà nhà làm VAC, người người làm VAC… tất cả các mô hình ấy đều có sản phẩm nhất định. Có người thành, người bại. Nhưng đối với người vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông ở Mường Nhé, tỉnh Điện Biên thì đó là một mô hình ngoài sức tưởng tưởng của người dân. Có gì đó rất mới lạ, rất to lớn và quy mô. Chính vì vậy, người Mông ở bản Ngã Ba, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) coi ông Giàng A Vàng, như một người tiên phong của bản khi áp dụng mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng.

10 năm trước đây, gia đình ông từng là một trong những hộ nghèo nhất bản, nhất xã. Nhà đông con, nên năm nào cũng đứng đầu danh sách hộ nhận gạo cứu đói. 6 đứa con ông trứng gà, trứng vịt đang tuổi ăn, tuổi lớn…nuôi cơm chúng ăn như tằm ăn rỗi. “Nồi cơm to chỉ một loáng là hết. Mình chưa kịp lấy lần 2 đã không còn hạt nào trong nồi. Chúng ăn ghê quá… Nhiều lúc vợ chồng mình phải nhường cơm để các con ăn.” - Ông Vàng kể.

Trước sức ăn của chúng, vợ chồng ông Vàng quanh năm suốt tháng trên nương, gieo ngô, trỉa hạt, vụ nào thức nấy cũng không đủ cơm cho chúng ăn no. Mùa giáp hạt năm nào hộ nhà ông cũng đứt bữa. “Rất nhiều đêm không ngủ cái bụng mình nó kêu lên vì đói…mình nghĩ: cái đầu mình không thể để cho cỏ mọc. Phải học mấy người kinh đào ao thả cá, trồng cây, nuôi con nọ, con kia các thứ… như thế mới có cơm cho các con ăn no...” - Ông Vàng chia sẻ.

Bản tính người Mông nghĩ là làm. Diện tích đất 5.000m2 của gia đình, ông tính đào 2.000m2 ao để thả cá. Quanh ao ông trồng chuối, trồng xoài, trồng mận… cho các con ăn. Đám con ông chúng được chia ra mỗi đứa một việc, đứa thả trâu, đứa chăn bò, đứa đi học, đứa phụ mẹ nuôi lợn… Ai vào việc đó. Người lớn làm nhiều, người bé làm ít… Qua năm đầu tiên, ông thu hoạch cá, bán trâu, bò, lợn… ông để ra được gần 100 triệu đồng: “lần đầu tiên mình được cầm nhiều tiền như thế. Vui quá mà cả đêm không ngủ được. Mình nghĩ tìm cách để năm sau tiền về nhiều hơn nữa… Cứ thế mình mở rộng mô hình, tăng số lượng con trong đàn, trồng thêm cỏ cho trâu, bò, cho cá ăn… Các con mình đứa nào đi học thì đi, đứa nào không thích học thì nghỉ ở nhà làm ăn cùng bố mẹ. Mùa giáp hạt bây giờ mình không còn lo đói… ”

a3.jpg
Người nông dân chủ động trong việc học hỏi, áp dụng các kỹ thuật vào sản xuất.

Bây giờ, vợ chồng ông Vàng cá đầy ao, trâu, lợn đầy chuồng, thóc lúa đầy bồ… Ông nhẩm tính: “mỗi năm vợ chồng mình bán hết các thứ chắc được khoảng 200 triệu đồng.”

Câu chuyện thoát nghèo của những người nông dân chúng tôi từng gặp ở Điện Biên, có người thành, người bại… Những người như Lò Thị Kiên và ông Giàng A Vàng vươn lên thoát nghèo từ bản cũng không hiếm. Họ đều có một quyết tâm làm giàu từ bản. Con đường thoát nghèo của họ nó trải qua vô vàn khó nhọc, trong dung lượng bài viết của tôi không thể nào tả xiết… Chỉ tính riêng việc mua bán vật tư nông nghiệp, tiếp cận thông tin, dịch vụ nuôi trồng đã gian nan gấp bội người miền xuôi. Nhưng cuối cùng họ đã làm được…

Đánh giá về những tiến bộ của nông dân Điện Biên, bà Vàng Thị Bình, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên, nhận định: Nhiều năm trở lại đây nông dân của tỉnh Điện Biên họ đã rất chủ động trong việc học hỏi, áp dụng các kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Nông dân các xã vùng lòng chảo và một số ở vùng ngoài có thể nói họ làm chủ toàn bộ khoa học, kỹ thuật chăn nuôi và thậm chí cả việc lai tạo giống. Điều này cho thấy họ đã và đang phát triển đúng hướng theo nhu cầu thị trường, xã hội và có khát vọng làm giàu.

Được biết, tỉnh Điện Biên hiện có 84.605 hội viên nông dân sinh hoạt ở 1.446 chi hội. Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, trong giai đoạn 2018 – 2023, tỷ lệ hội viên nông dân thuộc diện hộ nghèo giảm đáng kể qua từng năm, từ các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều nông dân đã giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên có 3.150 hộ nông
dân đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Trần Hương