Kinh tế

Thái Bình đa dạng kênh cho vay vốn giúp hộ nghèo phát triển kinh tế

Lan Chi 26/09/2023 - 13:25

(TN&MT) - Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Nhận thức rõ điều này, tín dụng chính sách luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, nhờ đó công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật giúp các hộ nghèo thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả, đồng thời ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao.

d3.jpg
Nhờ nguồn vốn 70 triệu đồng từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH đã giúp gia đình anh Lê Văn Hùng (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) phát triển cơ sở sản xuất cơ khí, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình

Phát uy hiệu quả nhiều chương trình tín dụng chính sách

Nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao là hỗ trợ các hộ nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống và vươn lên thoát nghèo, trong nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh được ủy thác gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, chuyển tải một khối lượng lớn nguồn vốn tín dụng chính sách, thông qua 11 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai cho vay đến người dân được thụ hưởng.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách của Chi nhánh đạt hơn 3.400 tỉ đồng, với hơn 104 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Nhiều chương trình tín dụng đã phát huy hiệu quả tới các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng cho vay các chương trình tín dụng chính sách, ngay từ đầu năm 2023, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã tham mưu với Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh thực hiện phân khai kịp thời nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng được giao theo đúng quy định. Trong đó, Chi nhánh tập trung nguồn vốn để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được các cấp phê duyệt để đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn; tiếp tục phối hợp với UBND và Hội đoàn thể cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện rà soát những hộ vay vốn chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng đã thoát nghèo, thoát cận nghèo, để đôn đốc thu hồi nợ, tạo nguồn vốn cho vay quay vòng.

Đồng thời, Chi nhánh cũng đã tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, huyện và thành phố xây dựng chương trình, đề cương kiểm tra, giám sát năm 2023 theo hướng dẫn của NHCSXH và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Đến ngày 30/6/2023, tổng nguồn vốn của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Thái Bình đạt 3.994 tỉ đồng, tăng 235 tỉ đồng so với đầu năm, đạt 98,8% kế hoạch được giao. Dư nợ cho vay các chương trình của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Thái Bình đạt nhiều kết quả, trong đó cho vay hộ nghèo đạt 139 tỉ đồng, tăng 17 tỉ đồng so với đầu năm, đạt 99,79% kế hoạch; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đạt 12,84 tỉ đồng… Chương trình cho vay hộ cận nghèo đạt 193 tỉ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 1.513 tỉ đồng...

Nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo

Hưng Hà là một trong những huyện của tỉnh Thái Bình đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn tín dụng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Hưng Hà còn 2,04%, hộ cận nghèo còn 2,5%.

Là một trong những người dân được cho vay vốn để giải quyết việc làm, anh Nguyễn Xuân Minh (thôn Vải, xã Hòa Tiến) đã vượt qua những khó khăn trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân khác.

d2.jpg
Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình

Được biết, sau khi đi xuất khẩu lao động trở về địa phương, năm 2014, anh Nguyễn Xuân Minh (thôn Vải, xã Hòa Tiến) quyết định mở cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất. Tuy nhiên, mấy năm qua do dịch Covid-19 bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp khiến cơ sở của anh gặp rất nhiều khó khăn. Đúng thời điểm đó gia đình anh được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Vải bình xét cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, giúp cơ sở của anh vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động với thu nhập trung bình 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Anh Minh tâm sự: “Gia đình tôi rất phấn khởi bởi không chỉ được vay vốn với lãi suất ưu đãi mà còn được giảm 2% lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ; thủ tục vay vốn đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi”.

Cũng tại Hưng Hà, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống cho gia đình hội viên.

Nhờ có nguồn vốn vay, nhiều hộ gia đình hội viên CCB đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi thế, kinh doanh dịch vụ mang lại thu nhập cao. Điển hình như CCB Phạm Quý Hải, thôn Hoàng Mỹ, xã Thống Nhất được vay hơn 100 triệu đồng đầu tư xây dựng gia trại trồng trọt, chăn nuôi. Với 5.000m2 đất chuyển đổi, gia đình trồng hơn 150 gốc mít, nhãn, 500 gốc đinh lăng, hơn 100 gốc ổi, đào 6 sào ao nuôi cá truyền thống, sau khi trừ chi phí thu về 200 - 250 triệu đồng/năm.

Đại diện Hội CCB huyện Hưng Hà cho biết: Chương trình vay vốn đã góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo nên được cán bộ, hội viên CCB ủng hộ. Nhờ nguồn vốn vay, nhiều hội viên đã tích cực sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Toàn huyện hiện có 13 doanh nghiệp, 831 trang trại, gia trại và hơn 1.500 hộ kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ, 2.500 hộ gia đình CCB sản xuất trong các làng nghề có thu nhập ổn định, hiệu quả cao. Đời sống của hội viên và gia đình CCB tiếp tục được nâng lên, số hội viên có kinh tế giàu và khá đạt trên 60%, tỷ lệ gia đình hội viên nghèo giảm xuống dưới 0,2%.

Lan Chi