Bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế bền vững dưới tán rừng
Bảo vệ và phát triển rừng bền vững luôn được Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Huống thực hiện rất tốt trong những năm qua. Từ đó, góp phần nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Minh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống về vấn đề này.
PV: Xin ông có thể cho biết những nét khái quát về Khu BTTN Pù Huống?
Ông Võ Minh Sơn: Khu BTTN Pù Huống nằm phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An có tổng diện tích tự nhiên là 46.468,66 ha (Rừng đặc dụng 40.157,43 ha; rừng phòng hộ 6.066,47 ha; rừng sản xuất 210,38 ha, đất ngoài lâm nghiệp 34,38 ha) trên địa giới hành chính của 15 xã thuộc 5 huyện cụ thể: Xã Châu Hoàn, Diên Lãm (huyện Quỳ Châu); Xã Quang Phong (huyện Quế Phong); xã Nga My, Xiêng My (huyện Tương Dương); xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông); xã Nam Sơn, Châu Thành, Châu Lý, Châu Tiến, Bắc Sơn, Châu Hồng, Châu Cường, Châu Thái, Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp).
Toàn bộ diện tích Khu BTTN Pù Huống thuộc vùng sinh thái dãy Trường Sơn. Tháng 9/2007 khu vực miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó Khu BTTN Pù Huống là 1 trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển này.
Sự đa dạng về sinh cảnh là yếu tố quan trọng tạo nên tính đa dạng sinh học của khu hệ động, thực vật rừng của Khu BTTN Pù Huống, nơi đây hệ sinh thái rừng có giá trị cao về đa dạng sinh học với nhiều loài thực vật quý hiếm điển hình như Pơ mu, Sa mu dầu,với những cá thể có đường kính từ 1-3 m, nhiều loài động vật quý hiếm như Cu li, Vượn đen tuyền, Vượn đen bạc má, Voọc xám, Trĩ sao, Gà lôi trắng,…
PV: Xin ông cho biết, những giải pháp mà đơn vị thực hiện để có thể làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học trên địa bàn trong những năm qua?
Ông Võ Minh Sơn: Trong những năm qua, Khu BTTN Pù Huống đã có nhiều giải pháp cơ bản để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học. Đó là:
Thứ nhất, về giải pháp về công tác tổ chức quản lý: Kiện toàn lại bộ máy quản lý đảm bảo thực hiện có hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng. Tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả: Giữ nguyên các phòng chức năng hiện tại, chuyển các trạm làm nhiệm vụ bảo vệ rừng để thực hiện nhiệm vụ về tuyên truyền giáo dục môi trường, phát huy tiềm năng, thế mạnh nhà bảo tàng, vườn thực vật ngoại vi, phân khu dịch vụ hành chính; thực hiện tốt công tác cứu hộ động vật và tiếp nhận cứu hộ động vật hoang dã.
Thứ hai, giải pháp quản lý bảo tồn tại chỗ: Bảo vệ nguyên vẹn hiện trạng tài nguyên rừng tại các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái của Khu BTTN Pù Huống. Đánh giá được các loài quý hiếm, đặc hữu, loài mới cho khoa học, các loài có giá trị kinh tế cao để có hướng vừa bảo tồn vừa khai thác bền vững như một số loài cây dược liệu, cây làm thuốc...
Đề xuất cơ chế phù hợp nhằm tuyển dụng, thu hút nguồn lực lao động là người địa phương làm nhân viên bảo vệ rừng, tổ chức đào tạo tập huấn các kỹ năng sử dụng thiết bị nhằm phục vụ có hiệu quả công tác tuần tra bảo, bảo vệ rừng.
Tại các phân khu phục hồi sinh thái và dịch vụ hành chính tiến hành khôi phục lại hệ sinh thái bằng các giải pháp kỹ thuật lâm sinh để rút ngắn quá trình diễn thế khôi phục được hệ sinh thái rừng trở về trạng thái ban đầu.
Thứ ba, là giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng: Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư và hộ gia đình đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Xây dựng và triển khai chuyên mục về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng Khu BTTN Pù Huống trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện các chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội nghề nghiệp… và cộng đồng dân cư địa phương để thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức về quản lý bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng.
Thứ tư, giải pháp quản lý xã hội: Hướng dẫn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển lâm sản ngoài gỗ và các ngành nghề phụ, tạo sinh kế cho người dân vùng đệm nhằm giảm áp lực vào rừng tự nhiên.
Huy động các nguồn lực của địa phương và nhà nước để hỗ trợ cho các hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại Khu BTTN Pù Huống nói chung và tài nguyên động, thực vật rừng quý hiếm nói riêng.
Xây dựng các chương trình phát triển kinh tế vùng đệm của Khu BTTN Pù Huống. Một số khu vực có cảnh quan đẹp, kết hợp với địa phương mở rộng các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch làng bản để tăng thu nhập, phát triển kinh tế cho các cộng đồng địa phương, từ đó giảm thiểu các tác động đến rừng.
Huy động người dân địa phương cùng tham gia các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, để người dân cũng được hưởng lợi từ các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ năm, giải pháp về công tác quản lý đất đai: Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành trích đo, lập bản đồ địa chính toàn bộ diện tích đất giao cho Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống và đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn bộ diện tích được giao quản lý theo quy định. Tổ chức đóng mốc ranh giới.
Thứ sáu, giải pháp về phối hợp với các bên liên quan: Phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý triệt để các vụ vi phạm; Tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, săn bắn bẫy bắt động vật hoang dã, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.
Thứ bảy, giải pháp về khoa học, công nghệ: Ứng dụng công nghệ GIS, ảnh vệ tinh trong quản lý, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, thường xuyên cập nhật tình hình bảo vệ rừng; sử dụng bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART).
Sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá giá trị đa dạng sinh học, giá trị cảnh quan của Khu BTTN Pù Huống; Ứng dụng công nghệ gene, công nghệ tế bào để gây; Tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Thứ tám, giải pháp về cơ chế chính sách và thu hút vốn đầu tư: Lồng ghép các nguồn vốn từ các từ các chương trình, dự án đầu tư của nhà nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các chương trình mục tiêu quốc gia khác… để đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến nông, khuyến lâm. Xây dựng các chương trình, dự án, các thỏa thuận hợp tác.
Thứ chín, giải pháp về đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ: Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn: Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ về lâm sinh, kiểm lâm, giám sát đa dạng sinh học, giáo dục môi trường. Ưu tiên tuyển dụng cán bộ được đào tạo chính quy, con em đồng bào địa phương để đưa đi đào tạo nghiệp vụ. Đào tạo sau đại học; Nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng tin học.
Cuối cùng là giải pháp hợp tác quốc tế: Tăng cường vận động, thu hút và sử dụng đúng mục tiêu các nguồn kinh phí được hỗ trợ từ các tổ chức bảo tồn, dự án quốc tế, cá nhân có liên quan nhằm phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân sống phụ thuộc vào rừng và nâng cao hiệu quả quản lý ngành lâm nghiệp.
Chủ động hợp tác tích cực với các viện, trường tiên tiến trong khu vực và trên thế giới;Tiếp tục thực hiện các thoả thuận đa phương về môi trường, các cam kết quốc tế liên quan đến lâm nghiệp mà Việt Nam tham gia với các Công ước quốc tế…
PV: Qua những giải pháp như đã nêu ở trên thì kết quả đạt được về công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như hiệu quả trong việc tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn như thế nào?
Ông Võ Minh Sơn: Diện tích rừng, chất lượng rừng được tăng lên, tính đa dạng sinh học ngày càng được phục hồi và phong phú, tính đa dụng của hệ sinh thái rừng ngày càng được khẳng định.
Thụ hưởng kinh tế từ các dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng kinh tế trên đối tượng là sản xuất, trồng và thu hoạch các loài lâm sản phi gỗ dưới tán rừng, du lịch sinh thái, dịch vụ cho thuê môi trường rừng ngày càng đi vào ổn định và bền vững.
Thông qua các chương trình xây dựng và phát triển Khu bảo tồn như trồng rừng, giao khoán bảo vệ rừng, trồng dược liệu giới tán rừng, quản lý khai thác bền vững các loài dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch ở vùng đệm sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, giảm áp lực vào tài nguyên rừng của Khu bảo tồn;
Cùng với các hiệu quả về kinh tế và môi trường, hiệu quả về mặt xã hội là hiện hữu trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững Khu BTTN Pù Huống. Khi kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng và ổn định, đời sống văn hóa - vật chất - tinh thần được nâng cao, bản sắc văn hóa được giữ gìn, trình độ và nhận thức của người dân được nâng lên trong quá trình phát triển kinh tế sẽ tạo ra sự ổn định về an ninh, trật tự xã hội góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng;
Phát triển cơ sở hạ tầng trong Khu bảo tồn nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái, thu hút lao động các xã vùng đệm vào các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống làm hàng lưu niệm góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho người dân trong vùng theo hướng bền vững;
Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho người dân địa phương. Đặc biệt, là người dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp và đời sống còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên;
Bảo vệ được những giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sinh thái tiềm năng, giá trị văn hoá lịch sử cho chiến lược phát triển du lịch sinh thái của tỉnh Nghệ An, của vùng Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Xin trân trọng cảm ơn ông !