Xã hội

Vọng mãi lời Người với đồng bào các dân tộc Yên Bái

Thanh Ngà 24/09/2023 06:53

(TN&MT) - Sáng mùa thu ngày 25/9/1958, hàng nghìn đồng bào các dân tộc của tỉnh Yên Bái đã có mặt tại sân vận động thị xã, nay là TP.Yên Bái để được gặp Bác Hồ. Trải qua 65 năm, những kỷ niệm Bác về thăm đã trở thành di sản thiêng liêng, một nguồn sức mạnh tinh thần vô giá cho những người con Yên Bái. Bao nhiêu năm quê hương vẫn vọng mãi lời Người. Để rồi, những lời dạy ân cần, thiết tha, trách nhiệm, kỳ vọng ấy, đã trở thành niềm tin, ngọn lửa soi đường, chỉ lối để tỉnh Yên Bái vững bước đi lên.

2-0800416-1-.jpeg

65 năm in dấu chân Người

Bao nhiêu thế hệ người dân Yên Bái vẫn còn nhớ mãi khoảnh khắc đó, sáng ấy một ngày giữa thu (25/9/1958) hàng nghìn đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái ai đấy cũng vui mừng có mặt từ rất sớm tại sân vận động thị xã để được gặp Bác Hồ trong xúc cảm hân hoan, vui mừng. Thế rồi, người dân Yên Bái còn ngỡ ngàng hơn, khi Người về thăm trong trang phục quá đỗi đơn sơ, giản dị với chiếu áo kaki đã bạc màu, Người ân cần chào hỏi mọi người từ già đến trẻ.

2-0800416.jpeg
Trải qua 65 năm, những kỷ niệm Bác về thăm đã trở thành di sản thiêng liêng, một nguồn sức mạnh tinh thần vô giá cho những người con Yên Bái

Hôm ấy, ngay tại sân vận động thị xã, Người khen ngợi và biểu dương thành tích mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái đạt được trong những năm qua. Người động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá mới.

Đối với đồng bào vùng cao, Người nói: “Bà con phải định canh, tăng vụ sản xuất”. Người cũng khuyên bà con nên tự nguyện tham gia vào tổ đổi công để giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế; phải biết bài trừ các hủ tục lạc hậu. Rồi phải đẩy mạnh phong trào thi đua, phải biết tiết kiệm để đời sống khá lên…

Thực hiện lời dạy của Người, trong giai đoạn 1958-1965, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã chung sức, chung lòng, ra sức thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khôi phục kinh tế, cải tạo và xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

ban-nhap-tuyen-duong.mp4.00_02_04_04.still001.jpg
Trong giai đoạn 1958-1965, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái chung sức, chung lòng, ra sức thi đua khôi phục kinh tế.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", quân và dân Yên Bái vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hàng vạn thanh niên các dân tộc đã xung phong lên đường đánh giặc; hàng nghìn người con thân yêu của quê hương Yên Bái đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tỉnh Yên Bái rất vinh dự và tự hào khi được Bác nhiều lần gửi thư khen ngợi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Yên Bái vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác và chiến đấu.

Cùng với đó, đã có rất nhiều tập thể, cá nhân được nhận phần thưởng cao quý từ Bác:

Năm 1952

Bác biểu dương và tặng Huy hiệu của Người cho dân công Hà Văn Nô, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn với thành tích làm tốt công tác phục vụ chiến dịch Tây Bắc.

Năm 1954:

Bác Hồ tặng thưởng cờ "Mở đường thắng lợi" cho ngành giao thông công chính tỉnh Yên Bái với thành tích mở đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1959:

Bác Hồ tặng Bằng khen cho đồng bào và cán bộ tỉnh Yên Bái đã có thành tích xuất sắc trong công tác ba thu (thu thuế nông nghiệp, thu mua lương thực và thu nợ)

Năm 1961:

Bác Hồ tặng Bằng khen cho cán bộ, đoàn viên và thanh niên tỉnh Yên Bái vì đã có nhiều thành tích trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1960 và 1961.

Năm 1963:

-Bác Hồ tặng Bằng khen cho nhân dân xã Hưng Khánh với thành tích là xã có phong trào bảo vệ trị an khá nhất các tỉnh miền núi.

- Bác Hồ đã gửi tới Ty giáo dục Yên Bái phần thưởng cho 2 học sinh của tỉnh: Nguyễn Kim Nga, 16 tuối, học sinh lớp 7 trường phổ thông cấp II thị xã Yên Bái và Đặng Thị Vân, học sinh lớp 6 trường phổ thông cấp II Thống Nhất, huyện Trấn Trấn Yên vì có nhiều thành tích trong học tập.

Năm 1965:

Bác Hồ tặng quân dân tỉnh Yên Bái cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; phần thưởng “Lá cờ đầu” trong phong trào làm đường giao thông nông thôn.

Năm 1966:

Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người cho chị Trịnh Thị Lan, công nhân Ty giao thông vì đã có nhiều thành tích trong việc đảm bảo giao thông vận tải an toàn liên tục trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ trên địa bàn; tặng thưởng cờ luân lưu về thành tích làm thuỷ lợi trong phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước; tặng cờ luân lưu cho xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn với thành tích bắn rơi máy bay F.105 của đế quốc Mỹ.

Năm 1967:

Bác Hồ tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường phổ thông cấp I xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên với tinh thần khắc phục khó khăn lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”.

Học Bác và làm theo Bác

Suốt 65 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Yên Bái luôn khắc ghi và kiên định thực hiện lời dạy của Bác. Đặc biệt, hơn 35 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh đã bám sát và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tư tưởng của Bác vào điều kiện thực tiễn địa phương; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự chia sẻ, đồng hành của các tỉnh bạn, đoàn kết một lòng, đồng tâm, hiệp lực, khơi dậy tiềm năng, phát huy nội lực, kết hợp với huy động các nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh nhà, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh khá trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc như lời căn dặn của Người.

ban-nhap-tuyen-duong.mp4.00_15_11_03.still001.jpg

Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái xác định triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, quyết tâm trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng vào năm 2030. Được cụ thể hóa thành 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 19 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều được xây dựng ở mức phấn đấu cao, thuộc vào nhóm các tỉnh khá của vùng.

Để đặt được những mục tiêu đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái học tập, làm theo, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Minh - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Già, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên cho biết: Trong những năm qua, nhằm cụ thể hoá việc học tập và làm theo lời Bác, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương, tập thể chi bộ xây dựng ban hành Nghị quyết chuyên đề “Vận động nhân dân hiến đất làm đường, đóng góp kinh phí xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu”.

Ban đầu việc vận động người dân gặp rất nhiều khó khăn, sau đó chi bộ đã cử ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể thôn, người có uy tín đến gia đình gặp gỡ, nói chuyện, lắng nghe, giải thích. Đặc biệt, là lấy những tấm gương tiêu biểu đi đầu trong phong trào hiến đất của xã, của huyện để tuyên truyền, thuyết phục. Nhờ đó, mà người dân đã đồng thuận góp công, hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới.

z4716860343000_b0ef0c38e4db65906ed54994302d63ba.jpg
Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Yên Bái là địa phương đầu tiên trên cả nước mạnh dạn đưa chỉ số hạnh phúc vào mục tiêu nghị quyết.

Tỉnh Yên Bái cũng học Bác chăm lo cho dân, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Yên Bái là địa phương đầu tiên trên cả nước mạnh dạn đưa chỉ số hạnh phúc vào mục tiêu nghị quyết. Qua nửa nhiệm kỳ Đại hội đã xác định mục tiêu này là hoàn toàn đúng đắn. Đến hết năm 2022, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đã đạt 62,57%, vượt mục tiêu đề ra.

Thực hiện lời dạy của Người về bài học “lấy dân là gốc”, cán bộ cần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”. Những năm qua, hàng ngàn cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh đã dành ngày cuối tuần để tham gia lao động sản xuất cùng dân. Các phong trào thi đua học tập, làm theo Bác như: Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp; Chủ nhật xanh; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Xây dựng cộng đồng dân cư hạnh phúc, Trường học hạnh phúc…được lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

z4721107370148_1fb2a2eb9e4033c6f3bb9c46e79cbc80.jpg
Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương thường xuyên tham gia ngày cuối tuần cùng người dân.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, cùng với tinh thần đoàn kết, năng động, chủ động, đổi mới sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện.

Dự ước có 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết, còn 1/19 chỉ tiêu cần nỗ lực phấn đấu để đạt mục tiêu. Đặc biệt, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều thuộc nhóm các tỉnh khá trong vùng, có những chỉ tiêu thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu trong vùng và cả nước. Mục tiêu trở thành tỉnh khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc đang từng bước được hiện thực hóa.

Những bông hoa dâng Bác

Xuất phát từ một tỉnh miền núi nghèo, nhưng Yên Bái hôm nay đã trở thành điểm sáng của cả vùng Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới. Trấn Yên vinh dự là huyện nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Bắc. Nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sôi nổi nhất, mang lại sự đổi thay kỳ diệu và hạnh phúc cho người dân.

Thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, đây là thôn người Mông đầu tiên của tỉnh đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Có được thành quả này là cả một quá trình phấn đấu bền bỉ và cách làm sáng tạo trong học và làm theo Bác.

Từ những ngày đầu muôn vàn khó khăn, không điện, không đường, không nước sạch…và nhất là không có chi bộ Đảng. Khuôn Bổ đã trải qua hành trình hơn 20 năm vượt khó để hiện thực hóa khát vọng mang lại cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Làm theo lời Bác, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đã có nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên và nhân dân đi đầu trong xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc…

Ngày 24/9/2022, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vinh dự tổ chức Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Yên Bái cũng như các tỉnh Tây Bắc.

ban-nhap-tuyen-duong.mp4.00_08_43_00.still014.jpg
Ngày 24/9/2022, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vinh dự tổ chức Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại Lễ tuyên dương các mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2023 được tổ chức vào ngày 23/9 vừa qua, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết: Ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch về xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, xác định rõ các tiêu chí để xây dựng 10 loại hình mô hình tập thể, 3 loại hình mô hình cá nhân toàn diện, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 7.800 tập thể, cá nhân (gồm 3.912 tập thể, 3.897 cá nhân) đăng ký xây dựng điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2015-2020. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn, suy tôn 65 tập thể và cá nhân xuất sắc, tiêu biểu trong giai đoạn 2021 – 2023.

ban-nhap-tuyen-duong.mp4.00_06_52_16.still009.jpg

“Đây là những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi mặt của đời sống xã hội: Từ vùng thấp đến vùng cao, từ thành thị đến nông thôn; từ các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị cho đến cộng đồng dân cư, doanh nghiệp; với những việc làm hết sức bình dị, đời thường nhưng cũng rất thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả và lan tỏa sâu rộng; thể hiện tinh thần, ý thức học tập, làm theo lời Bác từ những việc làm giản dị nhất”, Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Có thể thấy, việc học và làm theo Bác những năm qua tại tỉnh Yên Bái đã mang lại kết quả thực chất và trở thành nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Từ một chi bộ đảng ban đầu chỉ có vài đảng viên, đến nay Đảng bộ tỉnh đã không ngừng trưởng thành lớn mạnh với gần 470 tổ chức cơ sở đảng và trên 61.000 đảng viên, xứng đáng là ngọn cờ tập hợp, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc.

z4719227089600_265ed29a10c7be63d47cd410b782158f.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 - 2023.

Thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Người, “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, hàng trăm tấm gương tiêu biểu, điển hình làm theo lời Bác trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.

Thanh Ngà