Biến đổi khí hậu

Chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai

Bạch Thanh 22/09/2023 - 23:44

(TN&MT) - Ngày 22/9, tại tỉnh Bến Tre đã diễn ra “Hội nghị nhận định tình hình mưa, lũ nửa cuối năm 2023 - El Nino, nguồn nước, hạn mặn mùa khô 2023-2024 ở khu vực Nam Bộ” nhằm giúp các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ xây dựng kế hoạch ứng phó, phòng chống thiên tai. Hội nghị do Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) kết hợp cùng với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức.

h1.jpg
Ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn phát biểu tại Hội nghị

Nhiều diễn biến phức tạp

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết: Biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều tác động tiêu cực thậm chí còn diễn ra nhanh hơn nhiều so với các dự báo. Khu vực Nam Bộ được nhận định là nơi có thời tiết ôn hòa nhất trên cả nước thì đến nay, cũng đang phải đối mặt với những thách thức và chịu tổn thương từ nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt như hạn hán, xâm nhập mặn trong các năm 2015 - 2016 và các năm 2019 - 2020.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có tỉnh Bến Tre cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự điều tiết nguồn nước từ các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công, vấn đề này đã và đang đặt ra những thách thức đối với các cơ quan chuyên ngành, chính quyền địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước hợp lý phục vụ phát triển kinh - tế xã hội.

Cung theo ông Lê Hồng Phong, hiện nay, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Dự báo hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì tới các tháng đầu năm 2024 với xác suất khoảng 85-95%. Trên lưu vực sông Mê Công được dự báo ít có khả năng xuất hiện mưa lớn, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ ở mức thấp. Trong các tháng mùa khô 2023 - 2024 nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL. "Trước tình hình diễn biến phức tạp của thiên tai, để phục vụ công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, ngành và địa phương, việc nhận định sớm tình hình mưa, lũ nửa cuối năm 2023 - El Nino, nguồn nước, hạn mặn mùa khô 2023-2024 là hết sức cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng" - ông Lê Hồng Phong cho hay.

h3..jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Tại Hội nghị, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ nêu những nhận định về tình hình khí tượng thủy văn những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Theo đó, những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023, ở hạ lưu sông Mê Công có khả năng xuất hiện 01 đợt lũ nhỏ. Từ cuối tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, mực nước sông Mê Công xuống dần. Kết quả tính toán cho thấy độ mặn tại các sông trong mùa khô 2023-2024 ở mức cao, hầu hết đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn cùng kỳ mùa khô 2022-2023; trong một số thời điểm, trên một số nhánh sông xâm nhập mặn có khả năng tương đương với mùa khô năm 2015-2016 và thấp hơn mùa khô 2019-2020.

Qua đó, ông Lê Đình Quyết khuyến nghị các địa phương và người dân trên khu vực cần có những biện pháp để chủ động và giảm thiểu các rủi ro do thời tiết gây ra. Cụ thể, dự trữ nước ngọt trong sinh hoạt và trong sản xuất; chủ động trong việc xuống giống sớm. Bên cạnh đó, vẫn có những trận mưa to, rất to vào cuối tháng 9, trong tháng 10, gây ngập lụt đô thị, sạt lở đất, sạt lở bờ sông; đồng thời, những tháng cuối năm, ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh sẽ gây thời tiết xấu trên biển, kết hợp triều cường cao, nguy cơ gây sạt lở đê biển, vùng cửa sông, hiện tượng mực nước ven biển Cà Mau dâng cao bất thường; ngoài ra cần đề phòng dông, sét, gió giật.

Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học cùng trao đổi, phản biện và thống nhất nhận định góp phần dự báo, cảnh báo sớm các nguy cơ thiên tai tại khu vực Nam Bộ; cung cấp thông tin thời tiết, nguồn nước; việc phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng đối với công tác dự báo, cảnh báo phục vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Hội nghị cũng đã giới thiệu việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong dự báo khí tượng thủy văn và ngập lụt trong khu vực Nam Bộ…

h2.jpg
Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre chia sẻ tại Hội nghị

Giải pháp ứng phó của Bến Tre

Báo cáo tham luận về bài học kinh nghiệm và giải pháp ứng phó với thiên tai của tỉnh Bến Tre, ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết: Bến Tre là một tỉnh ven biển, cùng với hệ thống sông ngòi chằn chịt, hàng năm, địa phương thường xuyên chịu tác động bởi các loại hình thiên tai. "Trong vòng 20 năm trở lại đây, thiên tai đã làm 43 người chết, 84 người mất tích, 819 người bị thương; trên 28.000 căn nhà bị sập đổ và 100.000 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái; 200.000 ha lúa bị thiệt hại và 100.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng; gần 250.000 km đê bao, bờ bao bị ngập úng, sạt lở; trên 350.000 người bị thiếu nước sạch sử dụng. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 8.000 tỷ đồng" ông Bùi Văn Thắm chia sẻ thêm.

Ngoài ra, trong những năm qua, toàn tỉnh Bến Tre đã xảy ra 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134 km. Trong đó, sạt lở bờ sông 104 điểm, với tổng chiều dài khoảng 115 km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân; sạt lở bờ biển 08 điểm với tổng chiều dài khoảng 19 km đã làm mất khoảng 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ thuộc 03 huyện ven biển của tỉnh.

Theo ông Bùi Văn Thắm, qua thực hiện công tác phòng chống, ứng phó với hạn mặn mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020, tỉnh Bến Tre đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, huyện đến xã và toàn thể nhân dân. Phải thực hiện đồng bộ cả 2 giải pháp công trình và phi công trình. Đặc biệt là vai trò tích cực, chủ động của người dân trong thực hiện các giải pháp phòng chống, ứng phó đối với hạn hán, xâm nhập mặn là hết sức cần thiết.

h4.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Bên cạnh đó, địa phương cũng cần phải nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo tình hình xâm nhập mặn; trong đó, chú trọng thực hiện dự báo sớm, dài hạn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và khuyến cáo lịch thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tránh bị động; đồng thời, phải bố trí lịch thời vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương trong điều kiện hạn mặn. Từng bước xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng cao, hiện đại, thích nghi tốt với biến đổi khí hậu và chống chịu được với tình hình hạn mặn diễn biến ngày càng gay gắt.

Mặt khác, phải tập trung nâng cao nhận thức, năng lực của người dân trong phòng chống, ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn thông qua tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Phát huy tính sáng tạo trong nhân dân, nhân rộng các mô hình hay, các biện pháp trữ nước ngọt, tưới tiết kiệm nước; khuyến khích người dân tự trang bị máy đo mặn để theo dõi diễn biến mặn và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cao vào quá trình sản xuất nông nghiệp.

Song song đó, nâng cao tính chủ động, tích cực trong việc trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức, phương tiện ngay trong mùa mưa để đảm bảo nhu cầu về nước uống, sinh hoạt và chăn nuôi trong mùa hạn mặn. Hơn nữa, phải huy động tối đa các nguồn lực trong việc đầu tư xây dựng công trình phòng chống hạn mặn, từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh; hỗ trợ dụng cụ trữ nước cho những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ thiệt hại để người dân có điều kiện khôi phục sản xuất.

Đặc biệt, theo ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre, một trong những kết quả nổi bật nhất của Bến Tre trong công tác phòng chống hạn mặn thời gian qua đó là phong trào “Đồng Khởi” trữ nước mưa, nước ngọt do Tỉnh ủy Bến Tre phát động năm từ năm 2016. Cụ thể, vận động mỗi hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn; phát huy tính sáng tạo, nhân rộng các biện pháp, mô hình hay để thực hiện trữ nước ngọt trong từng xóm, ấp và từng xã; khuyến khích các hộ gia đình có điều kiện tự trang bị thêm dụng cụ trữ nước đủ để ăn uống, sinh hoạt mùa hạn mặn.

Riêng về sạt lở, tỉnh Bến Tre cũng đã thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” để kịp thời triển khai các giải pháp cấp bách khi có tình huống; đồng thời, tỉnh Bến Tre còn kịp thời triển khai các giải pháp cấp bách để xử lý sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế thiệt hại do sạt lở. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, địa phương đã triển khai 16 dự án/công trình phòng chống sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 28km, kinh phí thực hiện 680 tỷ đồng; 06 dự án/công trình phòng chống sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 9km, kinh phí thực hiện 464 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Thắm cho rằng, trong thời gian tới, dưới tác động mạnh mẽ của sự điều tiết các đập thượng nguồn sông Mekong và biến đổi khí hậu, nước biển dâng dẫn đến tình hình xâm nhập mặn nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến cực đoan, khó lường hơn. Qua đó, tỉnh Bến Tre đề xuất, kiến nghị Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ tiếp tục có dự báo, cảnh báo sớm về tình hình nguồn nước và xâm nhập mặn hàng năm để các địa phương khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng có sự chủ động trong công tác chuẩn bị phòng chống, ứng phó...

Bạch Thanh