Xã hội

Thoát nghèo nhờ cây quế

Hoàng Nghĩa 21/09/2023 - 20:19

(TN&MT) - Hơn 20 năm về trước, cây quế bén duyên với người dân Tràng Định (Lạng Sơn). Từ mục đích ban đầu chỉ nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giờ đây, quế đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập ổn định, vươn lên xóa nghèo.

Thu nhập ổn định từ cây đặc sản

Nằm ở phía Tây của huyện Tràng Định, Tân Tiến là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn với 7 thôn, bản, hơn 600 hộ dân. Những năm 2000, người dân Tân Tiến bắt tay vào trồng quế nhưng diện tích nhỏ, manh mún. Sau này, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và giá trị từ cây quế đem lại cao, UBND xã Tân Tiến đã chủ động, tích cực vận động các hộ dân trên toàn xã mở rộng diện tích.

Theo anh Hoàng Văn Đại, thôn Khuổi Cù - một trong những họ tiên phong trồng quế ở địa phương, trước đây, gia đình anh chủ yếu trồng bạch đàn, keo. Song, các loài cây này đều cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Bởi thế, khi được tuyên truyền về cây trồng mới như hồi, quế, anh Đại và nhiều hộ dân trong xã đã quyết định thay đổi cây trồng.

Theo anh Đại, năm 2010, gia đình trồng gần 12.000 cây quế trên diện tích 4 ha, đến năm 2016, vườn quế cho thu hoạch vụ mùa đầu tiên. Nhờ được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế qua các lớp do UBND xã phối hợp tổ chức, anh đã áp dụng vào thực tế sản xuất nên vườn quế phát triển tốt. Từ năm 2019 đến nay, cây quế cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn vỏ, với giá bán từ 50.000 đến 56.000 đồng/kg quế khô, đem lại cho gia đình thu nhập ổn định từ 80 đến 100 triệu đồng mỗi năm.

img_1695087278274_1695087288979.jpg
Hơn 20 năm trước người dân xã Tân Tiến đã bắt đầu trồng quế, giờ đây nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Còn với bà Nông Thị Thủy, thôn Quyết Thắng, xã Đoàn Kết, năm 2012, bà Thủy đã mạnh dạn mua giống quế từ Yên Bái về trồng với diện tích ban đầu gần 3 ha. Sau hơn 8 năm, đầu năm 2020, gia đình bà bắt đầu khai thác vụ quế đầu tiên được gần 5 tấn vỏ quế tươi, với giá bán 50.000 đồng/kg quế khô, cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ 3ha ban đầu, giờ bà Thủy đã mở rộng lên thành 6ha cây quế.

Tràng Định là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn, cách TP. Lạng Sơn 67km theo Quốc lộ 4A. Với hàng chục con sông, suối, được phân bổ khá đồng đều khắp địa bàn huyện, đã tạo cho nơi đây một cảnh quan thơ mộng, hữu tình và những vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, hệ thống tưới tiêu thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Cùng với đó, Tràng Định còn có quỹ đất lâm nghiệp dồi dào, chiếm khoảng 95% tổng diện tích tự nhiên của huyện. Tiềm năng, lợi thế tự nhiên trên là điều kiện thuận lợi giúp Tràng Định đẩy mạnh phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, nhất là trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc và phát triển nghề rừng.

Hướng tới xây dựng các vùng chuyên canh quế

Quế là loài cây quý được sử dụng nhiều trong y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, hương liệu… Quế thường được gieo trồng vào tháng 1, 2 âm lịch, trong 6 năm đầu thường tốn nhiều thời gian, công sức chăm sóc; thông thường, từ 8 đến 10 năm, cây quế mới cho khai thác.

Song quế có tuổi đời khá dài, kèm theo đó là những lợi ích, giá trị mà cây quế mang lại rất ổn định, bền vững, từ vỏ, cành, thân đến lá quế đều có thể sử dụng và bán được. Đồng thời, trồng quế còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ che phủ rừng, tạo cảnh quan môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Theo lãnh đạo huyện Tràng Định, xác định quế là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, những năm qua, huyện đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch định hướng phát triển quế thành cây trồng chủ lực. Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ vốn vay, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế cho bà con.

Tập trung xây dựng các vùng chuyên canh quế để nâng cao giá trị cây trồng; hướng dẫn người dân thực hiện đầu tư, liên kết trong các khâu trồng, chăm sóc, tăng cường quảng bá thương hiệu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ…

img_20230919_085822.jpg
Người dân Tràng Định đã thay đổi tư duy trồng, chăm sóc để cây quế phát triển tốt, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Huyện Tràng Định hiện có hơn 6.000ha quế, tập trung tại các xã: Khánh Long, Đoàn Kết, Cao Minh, Tân Yên, Tân Tiến, Vĩnh Tiến, Kim Đồng. Từ trồng thủ công ban đầu, người dân đã thay đổi tư duy trồng, chăm sóc, đặc biệt chú trọng đến các kỹ thuật như tỉa cành, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Cây quế sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế tối đa bị sâu bệnh phá hoại, năng suất, chất lượng sản phẩm tăng lên đáng kể.

Đặc biệt, cuối năm 2022, Nhà máy chế biến tinh dầu quế Tràng Định tại xã Kháng Chiến đi vào hoạt động, đã ký hợp đồng thu mua cành, lá quế với các đại lý tại các xã trồng quế trên địa bàn huyện để sản xuất, chế biến tinh dầu quế, với giá thu mua cành, lá quế ổn định từ 2.200 đồng đến 2.500 đồng/kg.

Nhờ đó, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi giúp người trồng quế tận thu các phụ phẩm từ cây quế mà còn góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm thu hoạch, tăng thêm nguồn thu nhập ổn định cho bà con nơi đây, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

anh-3.jpg
Nhờ nỗ lực phát triển kinh tế, bộ mặt nông thôn ở Tràng Định đang ngày càng khởi sắc.

Bằng nhiều nỗ lực, bộ mặt nông thôn Tràng Định đang ngày càng khởi sắc. Toàn huyện có 9/21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân mỗi xã đạt 11,43 tiêu chí NTM. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 3,55%. Năm 2023, Tràng Định đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từ 2% trở lên; tập trung giảm hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã về đích NTM, xã xây dựng NTM…

Hoàng Nghĩa