Vĩnh Phúc: Thoát nghèo nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp
Thay vì sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu truyền thống trước đây, người dân xã Cao Phong (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn. Điều này đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Những con số ấn tượng
Để trở thành một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của tỉnh Vĩnh Phúc, chính quyền và người dân xã Cao Phong (huyện Sông Lô) đã phải nỗ lực trong suốt một thời gian dài. Nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền và người dân nơi đây là làm thế nào để phát triển kinh tế địa phương, giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để làm được điều này, Đảng ủy, UBND xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã giai đoạn 2021-2025, triển khai thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất, gắn với chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và tích cực thâm canh, mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung.
Đến nay, xã Cao Phong đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn. Điển hình như mô hình trồng chuối với quy mô 39,5ha tại diện tích đất bãi của các thôn dân cư mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng truyền thống khác như: ngô, lúa …
Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các đoàn thể khác tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cải tạo có quy hoạch, cách trồng, cách chăm sóc và chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hướng tới việc sản xuất hàng hóa như: bưởi diễn, bưởi Tân Lạc, mít thái, ổi … Hiện tại trên địa bàn xã có 155/201 hộ gia đình có quy mô vườn từ 300 m2 trở lên được cải tạo và chuyển sang trồng các cây có hiệu quả kinh tế cao (đạt tỷ lệ 77,11%).
Ngoài ra, công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật cũng được đẩy mạnh. Nhiều giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, giá trị kinh tế cao đã được đưa vào triển khai như: mô hình nuôi bò vỗ béo, mô hình trồng chuối, mô hình trồng ngô sinh khối, mô hình trồng cây gai đen …
Bên cạnh đó, UBND xã Cao Phong đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện đã tăng cường công tác đào tạo nghề, tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Hiện nay trên địa bàn xã có 01 làng nghề mây tre đan đã được UBND tỉnh công nhận và xã đang tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ để đề nghị công nhận làng nghề chế biến gỗ.
Nhờ những giải pháp đồng bộ nêu trên, thu nhập bình quân đầu người của xã Cao Phong năm 2021 đạt 61,6 triệu đồng/người/năm (thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt 58 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo của xã Cao Phong chiếm 0,1% (03/3033 hộ).
Vận dụng chính sách linh hoạt, sáng tạo
Ông Kiều Văn Khiển, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cao Phong cho biết: “Mặc dù là một xã trung du với rất nhiều khó khăn nhưng xã đã mạnh dạn, chủ động đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với UBND huyện Sông Lô. Năm 2022, xã Cao Phong trở thành xã đầu tiên của huyện Sông Lô được công nhận nông thôn mới nâng cao. Một trong những bí quyết của xã Cao Phong là vận dụng linh hoạt các chính sách để vừa áp dụng được vào thực tế, vừa đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu mà tỉnh Vĩnh Phúc đề ra”.
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Kiều Văn Khiển tâm sự: “Nhiệm vụ quan trọng nhất luôn là phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống nhân dân. Với quan điểm là luôn phải chủ động, tránh trông chờ cấp trên, chúng tôi khuyến khích người dân chủ động học tập các mô hình làm kinh tế ở các địa phương khác để áp dụng vào địa phương mình. Những mô hình trồng chuối, trồng ổi, nuôi bò vỗ béo … tập trung như hiện nay đa phần đều do người dân chủ động học hỏi. Chính quyền hỗ trợ phía sau, tạo cơ chế để người dân áp dụng và thử nghiệm. Nếu nhận thấy mô hình trồng trọt hoặc chăn nuôi nào thành công, xã khuyến khích nhân rộng, sản xuất tập trung. Chúng tôi cũng có văn bản đề nghị các phòng chuyên môn của huyện hỗ trợ kỹ thuật để giúp người dân nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi”.
Nhờ khuyến khích và mạnh dạn áp dụng các mô hình kinh tế mới, xã Cao Phong hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Giá trị sản xuất bình quân/ha đất sản xuất (bao gồm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản) theo giá thực tế năm 2020 đạt 111 triệu đồng; xã có 01 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến đạt tiêu chuẩn an toàn hoặc mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đạt doanh thu tối thiểu 01 tỷ đồng/năm (đối với trồng trọt) hoặc 03 tỷ đồng/năm (đối với chăn nuôi, thủy sản);
Xã cũng có 01 mô hình sản xuất hàng hóa tập trung quy mô tối thiểu là 5 ha đối với cây rau, hoa, quả, dược liệu; tỷ lệ vườn hộ có quy mô diện tích từ 300 m2 trở lên được cải tạo và chuyển sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao đạt 77%; thu nhập bình quân đầu người/năm cao gấp 1,2 lần so với quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng trưởng trên 10% so với năm trước.
Ông Kiều Văn Khiển phấn khởi cho biết: “Thực tế luôn thay đổi nên việc vận dụng các chính sách cũng phải linh hoạt. Không chỉ riêng vấn đề phát triển kinh tế địa phương mà trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới chúng tôi cũng áp dụng như vậy. Có lẽ nhờ vậy mà xã Cao Phong đã thành công”.