Xã hội

Chăn trâu trên đỉnh Pu Ca và khát vọng thoát nghèo...

Trần Hương 20/09/2023 - 17:26

Đỉnh Pu Ca rộng hàng trăm héc - ta đất của bản Pó Hóng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) bị hoang hóa, không cây gì mọc ngoài cỏ gianh và cây chó đẻ… và trở thành bãi thả trâu của cộng đồng người Thái mỗi khi cánh đồng Mường Thanh vào vụ gieo cấy. Cũng tại nơi này, cộng đồng người thả trâu đã dựng lều, dựng trại… hàng trăm con trâu của bản được đưa lên tập trung, chăn thả. Mỗi hộ cử 1 người lên sống ở Pu Ca chỉ để thả trâu… và cũng nhiều gia đình thoát nghèo từ đó.

Nghề thả trâu trên đỉnh núi Pu Ca

Người dẫn dắt câu chuyện này là Lò Văn Bỉnh, nhà bản Pó Hóng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Bỉnh là người Thái đen chính gốc Điện Biên, ngoài 40 tuổi, cao lênh khênh, nói Tiếng việt sai đầm đìa chính tả. Được cái nhanh nhẹn, hoạt ngôn. Trong một lần đến Pó Hóng, tôi được Bỉnh kể cho nghe về “Ải tà” (tiếng Thái - nghĩa là bố vợ) quanh năm suốt tháng chỉ làm một nghề duy nhất…Nghề chính của ông là chăn trâu để nuôi vợ con.

Theo như Bỉnh kể thì nghề chăn trâu của bố vợ không đơn giản như người ta nghĩ cũng thăng trầm, gian khổ, cũng lao tâm khổ tứ… Nhất là mỗi khi trâu chuyển dạ, ông lo lắng tìm bác sĩ cho trâu, cả đêm canh đẻ… Rồi những khi trâu bị bệnh… Ông tìm thầy, tìm thợ thăm khám. Nhất là khi cánh đồng Mường Thanh vào vụ, ông và cộng đồng người thả trâu trong bản lại họp bàn đưa trâu đi tìm bãi thả. Và đỉnh núi Pu Ca chính là nơi người Pó Hóng đưa trâu lên tập kết, dựng lán người ở, vây chuồng trâu ở… Đến khi cánh đồng Mường Thanh gặt xong thì lại đưa trâu về gặm cỏ bờ vùng. Mỗi hộ ở bản Pó Hóng nhà nào ít thì 1, 2 con trâu. Nhà nào nhiều thì 15 - 20 con. Trung bình như hộ bố vợ của Lò Văn Bỉnh cũng có 5, 7 con. Họ nuôi là để giải quyết những lao động dư thừa, lúc nông nhàn và lực lượng tham gia chính chủ yếu là người già…và thanh niên ít năng động. Cũng có hộ phát triển đàn theo phương thức kinh doanh hàng hóa.

a1.jpg
Những ngôi nhà gianh trên đỉnh Pu Ca

Đỉnh Pu Ca khá bằng phẳng, rộng khoảng 100ha. Trước đây, người Thái, xã Thanh Xương vẫn trỉa ngô, gieo hạt. Nhưng, qua quá trình bào mòn rửa trôi màu mỡ sau mỗi đợt mưa lũ. Năm qua đi, tháng qua đi…đỉnh Pu Ca trở thành đất hoang hóa.

Muốn lên đỉnh Pu Ca phải đi qua 5 ngọn núi. Đỉnh Pu Ca (tiếng Thái đen nghĩa là đồi cỏ gianh trước đây là kho gạo, bãi pháo của bộ đội Việt Minh năm 1954) cao gần 1.500m so với mực nước biển. Chính vì đường lên Pu Ca hiểm trở, xa xôi nên người Pó Hóng đưa trâu lên chăn dắt cũng ở lại dựng lều, dựng lán người và trâu cùng sống. Thức ăn hết, vợ con lại gửi lên tiếp tế hoặc vài ba ngày, họ lại cắt cử nhau về lấy gạo, trâu gửi lại cho đồng đội chăm nom, nhà ai có việc ở lâu hơn cũng chỉ 1 - 2 ngày rồi mau chóng trở lại chăn trâu.

Hôm nay có khách lạ hẹn lên chơi, trâu về chuồng sớm hơn 3 tiếng. Người chăn trâu trên đỉnh núi Pu Ca lâu nhất là hơn 20 năm, người mới “vào nghề” ít cũng được 3 năm. Số lượng trâu hiện có ở đỉnh Pu Ca hơn 100 con cả trâu và nghé.

Cũng chính vì con trâu là đầu cơ nghiệp, nên nhiều người bản Pó Hóng thoát nghèo dựa vào cả đàn trâu. Họ nuôi theo phương thức truyền thống chăn thả ăn cỏ, ăn rơm… và gắn bó như một nghề, một nghiệp.

Quanh năm theo trâu…để thoát nghèo

Đầu thu, lúa cánh đồng Mường Thanh đương thì con gái, tôi ngồi sau xe Lò Văn Bỉnh, túm áo hắn thật chặt, làm áo sống vặn vọ xiết cả vào cổ, Bỉnh kêu khó thở. Tôi nới lỏng một chút, sau lại xiết như cũ. Hắn bảo: “chị cứ thả lỏng ra không rơi đâu mà sợ.” Hắn nói thế chứ tôi ngồi sau xe mà như muốn bay khỏi yên xe, mấy lần hắn phải gồng mình giận phanh lưng chừng dốc để tôi chỉnh lại tư thế ngồi. Chiếc Dream “giấc mơ II” phiên bản Việt màu mận chín, leo dốc nhảy chồm chồm nhả khói mùi khét lẹt. Dốc sống trâu bột đất bụi đỏ au, đường khúc khuỷu. Càng lên cao, gió thổi về càng mạnh. Người đi áo bay phần phật…

Quá ngọ, chúng tôi có mặt trên đỉnh Pu Ca. Đón chúng tôi là “tập đoàn trâu” đương vượt dốc về chuồng. Trâu trắng, trâu đen, trâu bố, trâu mẹ, nghé ọ, nghé ơ... khua mõ lốc khốc gọi nhau inh ỏi náo động cả một vùng.

Pu Ca có khoảng hơn chục nóc nhà, gọi là nhà nhưng thực chất là chòi, là túp... vật liệu chủ yếu làm bằng những phên gianh, phên nứa đập dập. Có nhà vách phên gianh, mái cũng phên gianh... Đồng nghiệp tôi đi cùng tếu táo: “Thật là dễ cháy...”

Họ lên đây dựng nhà, làm chuồng sinh sống và thả trâu. Sáng, mặt trời con sào cả tốp lùa trâu đi, nhà bỏ không, họ mang cơm nắm theo ăn thông trưa. Chiều mặt trời xuống núi lại lùa trâu về chuồng đông đủ...

- Cháu thấy chưa? TP. Điện Biên Phủ kia kìa... Tối đến ở trên Pu Ca nhìn xuống mới đẹp. Điện sáng như đốt nương. Từ đây xuống đấy khoảng 13km... Vì Pu Ca có thể quan sát toàn bộ cánh đồng Mường Thanh và cả khu vực lòng chảo Điện Biên nên Bác Hồ và tướng Giáp mới chọn Pu Ca là nơi chứa kho lương thực, kho súng ống, đạn dược... của bộ đội Việt Minh! - Cụ ông Lò Văn Phấu (72 tuổi), có thâm niên hơn 20 năm chăn trâu trên đỉnh núi Pu Ca, nói với tôi.

a3.jpg
Đỉnh Pu Ca rộng hàng trăm héc - ta đất của bản Pó Hóng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên

Bữa cơm trưa muộn, tại chiếc chòi của người trung niên trẻ nhất đỉnh Pu Ca, sinh năm 1977, Lường Văn Chanh. Anh mới “vào nghề” được 3 năm. Có vợ và 2 con hiện sinh sống tại thành phố Điện Biên Phủ. Đàn trâu của Chanh có số lượng lớn nhất đỉnh Pu Ca, trên 20 con. Số còn lại mỗi hộ có khoảng từ 5 - 7 con và “nhân sự chính” trọng trách nhiệm vụ này là những cụ ông người Thái tuổi ngoài 60 lên đây “cắm chốt” quanh năm, chỉ để thả trâu.

Mùa thả trâu của đồng bào Thái bản Bo Hóng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên từ tháng Giêng đến hết tháng 5, cánh đồng Mường Thanh thu hoạch xong lúa, họ đưa trâu về thả, đến khi gieo cấy vụ mùa quãng từ tháng 6 đến tháng 10, người Po Hóng lại đưa trâu lên đỉnh núi Pu Ca. Tức là, mỗi năm, người Thái Bo Hóng ở trên đỉnh Pu Ca thả trâu khoảng 8 tháng, khi nào cánh đồng Mường Thanh gặt xong lại đưa trâu về.

Chanh kể: “Người Thái ở Pó Hóng trông cậy vào cả đàn trâu. Từ việc tế lễ đến ma chay cưới hỏi, dựng nhà, mua xe đều lấy từ tiền bán trâu. Cần ít thì bán 1 con, nhiều thì bán vài ba con. Mỗi con trâu mộng bán đi lúc được giá cũng ngót 5 chục triệu. Cũng nhờ nuôi trâu mà nhiều hộ ở Pó Hóng thoát nghèo..,và nhà anh cũng thế. Không có con trâu trong nhà, không tự tin làm việc lớn.”

Tâm huyết từ nghề đỡ đẻ cho trâu

Chúng tôi định bụng sẽ ra về vào lúc 16 giờ, nhưng xe hỏng. Phải ở lại, bữa đó trăng thượng tuần mờ ảo... Pu Ca đón chúng tôi và thêm 1 bác sĩ thú y, từ thành phố lên tiêm cho đàn trâu bò của bản. Ông trạc tuổi 60, dáng người cao gầy, người Thái đen ở Bó Hóng. “Ngày hôm nay tôi lên đây là lần thứ hai. Dốc cao thật... Trời mưa thì chịu, đi bộ mấy tiếng liền làm sao quay lại Pu Ca được 2 lần trong 1 ngày” - ông tên Cà Văn Tấu, bác sĩ thú y gắn bó trên Pu Ca gần 20 năm. - Ông nói.

Lúc ông đến nơi trời nhá nhem tối, bác sĩ của trâu đặt chiếc túi vải xuống nhanh chóng lấy xa - lanh bơm thuốc vừa làm, vừa chuyện. “Gọi là bác sĩ... cho oai thôi cháu. Bác làm cho đồng bào của mình, chứ không có lương cháu ạ. Đi tiêm cho bà con ai thương cho bát gạo, không thì thôi. Xã Thanh Xương có hơn 10 người làm nghề như bác, bỏ sạch... Nhiều lúc vợ con kêu ca vì đi suốt, ai gọi là đi. Thậm chí nửa đêm, trời mưa, trâu bò của họ khó đẻ là bác phải đến... Có những người ở tận huyện Mường Chà cách đây 50km về gọi bác cũng đi. Đi chứ..! Không đi sao được. Họ đã về tận đây gọi mình, không đi, phải làm sao? Cháu nghĩ đi, nghề nghiệp họ không có, đất bạc màu trồng cây gì cũng chẳng lên, con trâu là cả sản nghiệp của họ. Mình không giúp họ sao được. Tội chứ..! Đúng không?” - ông Tấu nói.

a2.jpg
Bác sỹ thú y, Cà Văn Tấu chuẩn bị thuốc tiêm cho đàn trâu ở đỉnh Pu Ca

Ông kể: Trâu đẻ thuận là nó thò đầu theo 2 chân trước, còn nó cong lưng như bó gối là đẻ ngược, rất khó đẻ. Lúc đó, phải thò cả cánh tay đẩy nghé con vào bụng mẹ, xoay chiều thuận mới lôi ra được. Trâu mẹ đau chỉ sợ nó đạp, nên phải làm cũi thật chắc chắn. Những trường hợp như thế để muộn là trâu mẹ chết. Còn về bệnh ở trâu, bò. Nếu thấy nó gầy trơ xương là biểu hiện rõ rệt nhất của bệnh sán lá gan. Bệnh này phải tiêm theo định kỳ 3 tháng 1 lần. Bệnh long móng, lở mồm, tụ huyết trùng phải tiêm tiêm định kỳ 6 tháng 1 lần. Còn khi thấy trâu, bò tai không vẫy, đuôi không vẩy, bụng trướng đầy hơi, sùi bọt mép là bị say lá sắn. Phải truyền đường gluco ngay và tiêm chống độc, nếu không trâu sẽ chết.”

Cắt ngang câu chuyện, ông Lò Văn Hặc người chăn trâu trên đỉnh Pu Ca 20 năm nói: “Trên Pu Ca này có tổng hơn 100 con trâu của hơn chục hộ. Bất kể nắng mưa hay đêm tối, lúc nào chúng tôi gọi là “bác sĩ... của trâu” có mặt.”

Sau câu nói của ông Hặc, tất cả chúng tôi nhìn nhau cười sảng khoái. Đêm đó chúng tôi ngủ lại Pu Ca. Chén rượu đón khách hết vơi lại đầy, không điện, không tiện nghi…ánh đèn dầu lập lòe đến tận canh ba. Những câu chuyện họ kể không đầu, không cuối, nhưng tất thảy đều bừng lên một niềm khát khao bừng lên ý chí làm giàu trên tầng đất đỏ bazan. Và sản nghiệp của họ là những con trâu đương nhai trầu ngoài bãi.

Trần Hương